Hợp tác xã nuôi ong Phong Thổ của anh Phong với doanh thu trên 16 tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho hàng chục thanh niên địa phương.

Khởi nghiệp từ những đồng vốn vay mượn, chàng trai Trần Xuân Phong (sinh năm 1984) ở xã An Khang, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang đầu tư vào nuôi ong lấy mật. Đến nay, sau 12 năm, Hợp tác xã nuôi ong Phong Thổ của anh Phong với doanh thu trên 16 tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho hàng chục thanh niên địa phương. Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, anh vừa vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Giải thưởng Lương Định Của năm 2014.


Anh Trần Xuân Phong (Ảnh: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp)

Anh Trần Xuân Phong cho biết: Năm 2002, sau khi học xong cấp 3, anh được giao giao cho 50 đàn ong mật làm “vốn” khởi nghiệp. Mặc dù từ bé đã gắn bó với những con ong, sáp mật nhưng anh vẫn phải đối mặt với biết bao khó khăn: từ kinh nghiệm, vốn và đầu ra cho sản phẩm nên chịu nhiều thất bại.

Đúng lúc khó khăn, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là Hội Liên hiệp thanh niên xã, anh Phong tiếp cận được với các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. Đầu năm 2005, anh mạnh dạn dùng vốn vay được để mua sắm vật tư, con giống, nâng số lượng đàn. Năm 2006, anh lai tạo thành công giữa con ong vàng của miền Bắc với giống ong Ý của miền Nam thành giống ong mới vừa cho lượng mật cao, vừa chống chọi được với cái lạnh của miền Bắc, nâng cao năng suất.

Chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới, anh Phong cho biết: Do ngoài Bắc chưa có nhà máy nên sản phẩm mật ong thô phải đưa vào Tây Nguyên chế biến trước khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Chi phí vận chuyển cao, lại không phải là thương hiệu mật ong của Hợp tác xã, anh Phong ấp ủ xây dựng Nhà máy chế biến mật ong xuất khẩu và vật tư ngành ong, đồng thời đăng ký thương hiệu mật ong Tuyên Quang.

Anh Phong cho rằng, “kinh nghiệm mỗi người mỗi ngành, mỗi nghề, nhưng làm nghề gì thì đi sâu vào nghề đó. Thất bại hôm nay, thành công của ngày mai, thấy thất bại đừng có nản. Nuôi ong là hướng đi mới cho người nông dân thoát nghèo. Thị trường tiêu thụ thì không lo, vì con ong đang có 3 thị trường tiêu thụ lớn với nguồn thu ngoại tệ cao. Tuy nhiên, cần chú ý cách nuôi, đừng cho ăn kháng sinh và chất mà người nước ngoài không chấp nhận.”

Để đàn ong có sản lượng mật quanh năm, anh Phong liên tục di chuyển đàn ong đến các vùng miền của đất nước, từ Đắc Lắc, Lâm Đồng, Hưng Yên đến Hà Giang…Mỗi năm đàn ong của anh cho 4 lần mật. Từ 50 đàn ong, đến nay anh Phong đã có 17 nghìn đàn ong, thu hoạch trên 100 tấn mật/năm, trị giá trên 3 tỷ đồng, trừ đầu tư chi phí anh còn thu lãi gần 2 tỷ đồng, góp phần tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động là đoàn viên thanh niên trên địa bàn, với mức thu nhập 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, nhằm tạo điều kiện cho những hộ nuôi ong trong vùng trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau tiêu thụ sản phẩm, vươn lên làm giàu, tháng 5/2013, Trần Xuân Phong đứng ra thành lập Hợp tác xã nuôi ong Phong Thổ gồm 25 xã viên là những hộ nuôi ong trên địa bàn xã, trong đó có 70% là đoàn viên, thanh niên, nâng tổng số đàn ong của Hợp tác xã lên trên 4.000 đàn với doanh thu năm đầu tiên là con số hết sức ấn tượng: 16 tỷ đồng.

Đánh giá về mô hình này, anh Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng ban thanh niên nông thôn, Tỉnh đoàn Tuyên Quang cho biết: “Phong rất khác các bạn thanh niên khác. Các bạn thanh niên khác thì sau khi học xong chỉ muốn thoát ly khỏi quê hương để tìm cho mình một cơ hội, một việc làm làm giàu cho chính bản thân mình. Còn Phong, dựa trên lợi thế của quê hương, xây dựng mô hình nuôi ong. Qua rất nhiều bước, kể cả những khó khăn thất bại thì mô hình nuôi ong của Phong đã phát triển và phong đã xây dựng được Hợp tác xã nuôi ong Phong Thổ. Qua đó tạo việc làm cho rất nhiều thanh niên, làm giàu cho họ, giúp họ thấy yêu quê hương, yêu mảnh đất mình sinh sống hơn.”

Trần Xuân Phong được anh em tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế tỉnh Tuyên Quang, vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Giải thưởng Lương Định Của 2014. Anh cũng không quên nhắn nhủ với các bạn trẻ: “Các bạn trẻ hãy mạnh dạn, năng động và táo bạo hơn nữa trong phát triển kinh tế. Con đường lập nghiệp của thanh niên không chỉ có duy nhất con đường học đại học mà bất cứ ai cũng có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, miễn là các bạn thật sự chăm chỉ, kiên trì, chịu khó nghiên cứu, học hỏi”./.

Nguyễn Hiền (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.