Từ những bao trấu, phế phẩm nông nghiệp mà nhiều nông dân bỏ đi, anh Nguyễn Hữu Dũng, xã Mỹ Hương, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh đã tận dụng, ép thành củi trấu, thu lãi mỗi năm cả tỷ đồng.

Vốn sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế Quốc dân, chàng cử nhân Nguyễn Hữu Dũng ở lại Hà Nội làm cho một công ty. Ý chí làm giàu thôi thúc Dũng mãi không nguôi, năm 2009, với số tiền 700.000 đồng sau khi mua vé, Dũng quyết tâm xin nghỉ việc vào miền Nam để học nghề với hi vọng tích lũy kinh nghiệm, phát triển kinh tế.

Năm 2012, trong một lần về thăm quê, nhìn thấy tình trang vỏ trấu của các nhà máy xay sát gần nhà đổ bỏ rất nhiều (ước tính khoảng 10 tấn/ngày), phần họ đem đi bón ruộng, còn lại chủ yếu là xả ra kênh rạch, đốt bỏ. Lên mạng tìm hiểu thì được biết trong Huế có cơ sở Bạch Lai sản xuất máy ép trấu, rơm rạ, mùn cưa. Dũng vào tìm hiểu và quyết định trở về quê hương lập nghiệp bằng ngành sản xuất này.

“Khi trở về quê hương lập nghiệp bố mẹ tôi cũng rất ủng hộ. Tuy nhiên dân làng dèm pha rồi chế giễu, nói học hành như vậy mà phải về quê làm. Bỏ ngoài tai các vấn đề đó, cùng sự ủng hộ của gia đình, một số anh em bạn bè, tôi quyết tâm thực hiện bằng được dự án. Từ khi có ý tưởng đến khi đi vào sản xuất của tôi chỉ vỏn vẹn hai tháng” - anh Dũng kể.
Dũng cho biết, thời gian đầu gặp vô vàn khó khăn do chưa nắm bắt được kĩ thuật nên hiệu quả sản xuất còn chưa cao, cộng với đó do ở ngoài Bắc đây là sản phẩm có khá mới mẻ và lạ lẫm với thị trường. Mặc dù là sản phẩm có lợi nhưng để thay đổi được suy nghĩ của người tiêu dùng ( nhất là các nhà máy xí nghiệp ) là rất khó.
Dũng bồi hồi nhớ lại: “Khó khăn nhớ mãi của tôi là lần đầu tiên đi giao hàng cho khách. Mà khách hàng ở đây là một công ty may mặc của Hàn Quốc. Sau khi nghe giới thiệu về sản phẩm họ rất ưng ý. Tuy nhiên do chưa nắm bắt tốt về kĩ thuật đốt nên nó chưa hiệu quả. Sau đó tôi phải thuê một đơn vị chuyên gia về lò hơi xuống tư vấn tận tình. Sau đợt đó họ rất hài lòng và giới thiệu cho thêm một số đơn vị bạn hàng của họ dùng sản phẩm”.
Bắt đầu từ những hộ nông dân quanh vùng, các nhà máy nhỏ quanh khu vực, sau một năm anh Dũng đã có thể kí được hợp đồng cung ứng khoảng 500 tấn/tháng. Vì là sản phẩm có ưu điểm nên khách hàng rất dễ chấp nhận. Ngoài sản xuất anh còn nhận chuyển giao công nghệ máy ép củi trấu cho một số mô hình tại các địa phương khác như Hải Dương (04 máy), Nam Định (02 máy), Hưng yên (04 máy) . Và kí hợp đồng bao tiêu đầu ra luôn với các đơn vị này.
Đến tháng 8-2012, sau một năm hoạt động, công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Hưng Gia Nguyễn do anh Dũng làm Giám đốc doanh nghiệp được thành lập. Hiện nay, sản phẩm củi trấu của anh Dũng đã xuất đi khắp các tỉnh thành trong cả nước như: Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Nội…

Dẫn chúng tôi thăm nhà xưởng, anh Dũng giới thiệu về một chiếc máy ép củi trấu còn khá mới. Đây là chiếc máy do chính anh Dũng nghiên cứu và ráp nối, với nhiều cải tiến, có những ưu điểm như: thao tác tháo lắp, sửa chữa dễ dàng hơn (rút ngắn thời gian sửa chữa từ 01 giờ /ngày còn 15 phút/ngày). Thay thế những chi tiết hay bị hỏng giúp hiệu quả hoạt động của máy tốt hơn mà chi phí lại không đáng kể. Năng suất cao hơn 20% so với thiết kế.
Với diện tích nhà xưởng rộng 700m2, mỗi năm mang đến cho anh Dũng doanh thu 3 tỉ đồng. Hiện nay, xưởng sản xuất anh Dũng giải quyết việc làm cho 14 lao động bao gồm: công nhân, lái xe, kĩ thuật, kế toán với mức lương từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Năng suất đạt 400-500 tấn sp/tháng, giúp không còn nạn đổ trấu bừa bãi, mà lại mang lại giá trị kinh tế cho người dân với mức lương từ 3-5 triệu đồng/người/tháng.
An Nhiên (Một thế giới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.