Với kiến thức hiểu biết về cơ khí, ông Nguyễn Văn Lang đã sáng chế và cải tiến hàng loạt máy nông cụ phục vụ bà con vùng ĐBSCL.
Hiện nay, nhiều nông dân vùng ĐBSCL đã rất quen thuộc với biệt danh “kỹ sư chân đất” Tư Sang tức ông Nguyễn Văn Lang ở ấp Khu phố Cầu Xéo, xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Đây là một nông dân có tài sáng chế, là cha đẻ của chiếc máy gặt đập liên hợp phục vụ hữu ích cho nghề trồng lúa ở vùng vựa lúa ĐBSCL.
Gia đình ông Nguyễn Văn Lang tức ông Tư Sang vốn làm nghề nông nên từ nhỏ ông đã thấm thía nỗi nhọc nhằn, vất vả của nông dân vùng ĐBSCL khi thu hoạch lúa. Trước đây việc thu hoạch kiểu thủ công truyền thống vừa mất thời gian, tốn công sức mà tỉ lệ thất thoát lúa rất cao.
Trong khi đó, nông dân tỉnh Tiền Giang cũng như ở các tỉnh khác trong khu vực ĐBSCL rất thiếu phương tiện cơ giới để sản xuất. Với kiến thức hiểu biết về cơ khí, từ năm 1980, ông Tư Sang ông bắt đầu nghiên cứu, chế tạo máy nông cụ và quyết tâm phải cải tiến ra loại máy tuốt lúa.
Qua nhiều lần thất bại, rút kinh nghiệm, cuối cùng ông Tư Sang đã chế tạo thành công chiếc máy này. Chiếc máy tuốt lúa do ông làm ra đã được nông dân trong và ngoài tỉnh ưa chuộng bởi những ưu điểm: Rẻ tiền, gọn nhẹ, thu hoạch nhanh, giảm bớt hao hụt do lúa bị đổ tháo... Máy tuốt lúa nhãn hiệu Tư Sang ra đời rất hút hàng vì rất tiện lợi trong sản xuất lúa hàng hóa. Chỉ trong vòng 10 năm sau, ông Tư Sang đã cải tiến, cho ra thị trường trên 2.000 máy tuốt lúa phục vụ sản xuất của nông dân của nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Sản phẩm máy gặt đập của ông “kỹ sư chân đất” Tư Sang.
Chưa bằng lòng với thực tại, ông Tư Sang lại nghĩ tiếp, để khắc phục vấn đề khan hiếm lao động trong khâu thu hoạch lúa thì phải có loại máy có chức năng hỗn hợp: Vừa cắt vừa tuốt lúa và làm cho lúa sạch để phục vụ nông dân mà còn gọi là máy gặt đập liên hợp. Sau gần 10 năm nghiên cứu, đến năm 2006, ông Tư Sang cho ra đời chiếc máy gặt đập liên hợp. Đây là loại máy hiện đại, đang được nhiều nông dân trong khu vực tin dùng trong sản xuất.
Máy gặt đập do ông Tư Sang sáng chế có trọng lượng hơn 2 tấn; có khả năng thu hoạch mỗi ngày trên 2-3 ha lúa, thay thế cho khoảng hơn 50 công lao động. Tuy giá trên 130 triệu đồng/máy nhưng có thời điểm gia đình ông Tư Sang sản xuất không đủ máy để bán cho nông dân các nơi.
Đến nay, máy gặt đập liên hợp Tư Sang có mặt trên khắp cánh đồng vùng Nam bộ, bởi ưu điểm của máy này chẳng thua hàng ngoại nhập nhưng giá thành thấp hơn. Đặc biệt máy gặt đập của ông Tư Sang cải tiến hoạt động được các vùng đất yếu, đất bùn lầy.
“Ban đầu khi mới thử nghiệm sản xuất máy tuốt lúa, tôi phải cho máy đi làm mướn để rút kinh nghiệm. Sau đó nông dân họ thấy hiệu quả nên đề nghị tôi làm cho người ta sử dụng. Sau này khi nghiên cứu làm ra máy liên hợp cũng gặp rất nhiều khó khăn nhưng dần được nghiên cứu và khắc phục lần lần, học hỏi nghiên cứu thêm.
Bản tính của ông Tư Sang ít nói, làm nhiều. Ông đặc biệt dành nhiều thời gian cho việc tìm tòi, nghiên cứu máy móc, nhất là các loại máy nông cụ ngoại nhập để có thể cải tiến phục vụ cho nông dân với giá thành thấp hơn. Hiện tại, gia đình ông có 2 xưởng cơ khí với hàng chục công nhân lao động thường xuyên. Hai người con trai của ông đều theo đuổi nghề của cha, một người đã là kỹ sư cơ khí, một người là công nhân lành nghề.
Năm 2008, tại Hội thi “Máy gặt đập liên hợp ĐBSCL” do Bộ NN&PTNT tổ chức, máy gặt đập liên hợp Tư Sang đạt giải nhất và được mệnh danh là “Hoa hậu đồng ruộng”. Sau này, máy gặt đập liên hợp Tư Sang tiếp tục đạt được nhiều giải thưởng cao ở các kỳ Hội chợ triển lãm, hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh và khu vực ĐBSCL. Hiện nay, mô hình gieo sạ lúa theo kiểu đồng loạt, né rầy; thực hiện cánh đồng mẫu thì máy gặt đập liên hợp của ông Tư Sang càng phát huy hiệu quả do nhanh gọn, giảm thất thoát khi thu hoạch lúa.
Ông Nguyễn Văn Phước, nông dân xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang cho biết, bà con nông dân nhận thấy máy cày của ông Tư Sang hoạt động hiệu quả cao, không chỉ đối với những diện tích lúa đứng bình thường, ngay cả với những vùng lúa bị đổ máy vẫn hoạt động tốt, độ sạch lúa được chấp nhận nên nhiều bà con đã sắm máy phục vụ việc thu hoạch.
Để đạt được những thành quả như hiện nay, đòi hỏi cả một quá trình nghiên cứu, tìm tòi và làm việc nghiêm túc của ông Tư Sang. Ông quyết tâm đem trí tuệ, công sức của mình phục vụ cho nông dân. Hiện nay, tuổi đã cao, ông Tư Sang không trực tiếp làm công tác sáng chế nữa mà chỉ tư vấn kỹ thuật; công việc này, ông giao lại cho các con.
Tiếp nối niềm đam mê sáng tạo của cha, người con trai của ông Tư Sang là anh Nguyễn Hồng Thiện - một kỹ sư cơ khí, tiếp tục nghiên cứu, cải tiến chiếc máy gặt đập liên hợp này phát triển thêm một bước. Đó là chiếc máy chạy bánh xích bằng bánh cao su để tăng khả năng chống lún khi di chuyển trên ruộng; máy có thể thu họạch được lúa đổ ngã, ngay trong mưa; sau khi tuốt lúa thì đưa lúa sạch lên thùng chứa mà không bị ảnh hưởng và lệ thuộc vào việc lúa có bị ướt hay không.
Với các giải pháp kỹ thuật trên, chiếc máy có tính thiết thực, hữu ích và hiệu quả kinh tế cao. Gần đây, anh Nguyễn Hồng Thiện còn chế tạo ra máy cuốn rơm để giúp nông dân có được nguồn rơm rạ phục vụ cho chu cầu chăn nuôi gia súc, trồng trọt hạy làm nấm thương phẩm.
“Ý tưởng làm máy cuốn rơm xuất phát từ vài năm trở lại đây, nhu cầu rơm của người trồng nấm rất lớn. Trong khi máy gặt thổi rơm ngoài ruộng thành từng luống, nếu muốn lấy rơm phải có máy cuốn rơm lại mới nhanh, giảm được chi phí thu hoạch rơm”, anh Thiện chia sẻ.
Máy cuốn rơm Tư Sang hiện đã phổ biến trên các cánh đồng nhiều tỉnh vùng ĐBSCL và được nhà nông đánh giá cao. Hiện tại, ông Tư Sang và người con của mình là anh Nguyễn Hồng Thiện còn có ý tưởng sẽ sáng chế ra một số máy nông cụ thông dụng khác để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trong nước cũng như xuất khẩu một số nước đang phát triển khác.
Có thể nói, những “kỹ sư chân đất” ngoài việc có công sáng chế, cải tiến kỹ thuật tạo ra những nông cụ, máy móc cần thiết giúp cho nhà nông sản xuất lúa đạt hiệu quả cao, còn góp phần thực hiện chủ trương cơ giới hóa nông nghiệp của nước nhà./.
Nhật Trường (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.