Nếu nói về nhân vật có tầm ảnh hưởng mạnh trong cộng động khởi nghiệp mobile Việt Nam, hẳn nhiều người sẽ biết Trần Anh Dũng, CEO của mWork, một startup chuyên về phân phối và thanh toán nội dung số.

Ông Trần Anh Dũng, CEO mWork

Tự nhận là người “luôn có thiên hướng trở thành doanh nhân” nên chuyện khởi nghiệp với anh Trần Anh Dũng chỉ là tính thời điểm. Mặc dù mong muốn lớn nhất của anh khi còn nhỏ là trở thành giáo viên, nhưng anh lại quyết định theo học Đại học Bách Khoa Hà Nội và làm việc cùng FTP Software trong vòng 6 năm sau khi ra trường.

Những thay đổi bước ngoặt

Một trong những thời điểm bước ngoặt ảnh hưởng đến việc định hướng cuộc đời anh là khi anh bắt được cuốn sách “Rich Dad, Poor Dad”. Đó là lần đầu tiên anh cảm nhận được sự tự do về tài chính và suy nghĩ về điều đó nhiều hơn. Nó đã gây ảnh hưởng nhiều đến quyết định của anh sau này, bởi vì vào thời điểm đó, anh thú nhận là “chưa có mong muốn nào rõ ràng và chỉ muốn trở thành chuyên gia như một số đàn anh đi trước”.

Năm 2010, Trần Anh Dũng quyết định khởi nghiệp với phununet.com, trang mạng xã hội đầu tiên dành cho phụ nữ. Một quyết định có thể nói là không tồi khi bắt đầu khởi nghiệp bằng những việc liên quan đến phụ nữ. Sau đó vào thời kỳ bùng nổ của những công cụ tìm kiếm nhạc mp3, anh thành lập uizaa.com và được mua lại bởi FPT.

Sau khi uizaa.com được mua lại, anh trở thành 1 trong 4 founder của FPT Visky (Vườn chim), một dự án “e-citizen” của FPT. Trong thời gian làm việc ở đây, Trần Anh Dũng cùng FPT Visky phát triển hàng loạt sản phẩm như Vitalk, ViMusic, ViMua, ViKim… Tuy nhiên tất cả những sản phẩm này hiện nay đều đang tạm dừng hoặc đã dừng hẳn. Đây là một điều vô cùng đáng tiếc vì theo anh, nếu tiếp tục các dự án này, FPT hoàn toàn có thể sở hữu dịch vụ OTT (ViTalk) lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Để lý giải cho thất bại này, Trần Anh Dũng cho rằng: Đó là do cách triển khai cũng như tâm thế của mọi người thời điểm đó chưa đặt đúng vào vai trò của dự án.

Tiếp tục khởi nghiệp với tâm thế mới

Đến năm 2012, khi thị trường game online bắt đầu phát triển với sự góp mặt của một số công ty sản xuất nhỏ trong nước, Trần Anh Dũng nhận thấy tại thời điểm này, trên thị trường gần như không có cách nào đủ tiện lợi và dễ dàng để một cá nhân hay tổ chức nào có thể phân phối được các game mobile online đang hot trên thị trường.

Trong khi đó, các nhà sản xuất và phát hành game cũng không biết làm thế nào để phân phối được sản phẩm của họ rộng khắp ra thị trường. mWork ra đời nhằm giải quyết nút thắt đó cho thị trường.

Những ngày đầu tiên này, mWork ra đời chỉ với 5 người, trong một biệt thự đi thuê với giá rất rẻ ở khu đô thị Định Công mà theo Trần Anh Dũng là “rất sang trọng”, với số vốn ban đầu chỉ đủ tiền thuê 1 cái sever, trả tiền nhà và mọi người cùng nhau sống trong 3 tháng. Và mWork phát triển cùng với sự phát triển của toàn ngành Game Mobile cho đến tận bây giờ.

Lý do để có một mWork thành công như ngày hôm nay, theo Trần Anh Dũng là do 80% đến từ sự nhiệt huyết và những kinh nghiệm được tích luỹ từ công sức, xương máu của mọi người, 20% còn lại đến từ những may mắn mà mWork có được như chọn đúng đội ngũ founder, có sự hỗ trợ tuyệt vời của các đối tác và thị trường khi đó chưa có tính cạnh tranh cao.

Khác với vẻ khá “bụi bặm”, đôi khi có phần xuề xoà bên ngoài, nhưng trong công việc Trần Anh Dũng lại là người rất cầu toàn, anh cho biết, điều khiến anh không hài lòng nhất ở một nhân viên chính là sự thiếu quyết liệt, tỉ mỉ và cầu thị. Anh cho biết: Khi mọi thứ quá rõ ràng thì việc quan trọng nhất quyết định sự thành bại là sự quyết liệt làm tới cùng, tỉ mỉ trong mọi ngóc ngách và tâm thế lắng nghe để thấu hiểu mọi nhu cầu, khó khăn của khách hàng và đối tác.

Để mWork có chỗ đứng vững chắc trên thị trường phân phối nội dung số ngàyhôm nay, đó là bởi vì Trần Anh Dũng đã xây dựng một mWork khác biệt, một mWork có khả năng tạo ra mạng lưới rộng khắp và xây dựng được một hệ cộng sinh với tất cả các đối tượng tham gia trong ngành từ nhà sản xuất, nhà phát hành, đơn vị thanh toán, các nhà phân phối trung gian và cộng đồng.

Tuy nhiên, sau gần 5 năm khởi nghiệp, Trần Anh Dũng vẫn thú nhận điều khiến anh tiếc nuối nhất là “chưa thực sự chuyển mình và tận dụng cơ hội hết sức”. Đồng thời, theo anh đánh giá, thời điểm khó khăn nhất của mWork chính là thời điểm hiện tại, bởi theo anh: Lúc bạn ổn định và cảm thấy an toàn nhất. Bạn không vận động khi mọi thứ xung quanh đang vận động mạnh mẽ.

*Tiêu đề được đặt lại cho phù hợp với quan điểm CafeLand.

Quyên Quyên (Techinasia)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.