Nhiều sự kiện, hội thảo công nghệ được tổ chức trong thời gian gần đây chính là cơ hội tốt để chủ nhân các dự án khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ tìm kiếm nhà đầu tư.

Là CEO của dự án start-up mang tên Roomfilla (hoạt động bằng phương thức thuê lại các khách sạn, nhà nghỉ, phòng cho thuê tại những khu du lịch sau đó tân trang, nâng cấp để mang đến những dịch vụ tốt nhất cho du khách), Stuart Lansdale đã có cơ hội đại diện nhóm mình tham gia “trận đấu” thuyết trình thu hút nhà đầu tư tại Hội thảo Tech in Asia Singapore 2015.

Với kinh nghiệm “chinh chiến” tại hội thảo này, Stuart Lansdale đã chia sẻ 5 bài học cụ thể giúp đại diện các dự án start-up có được một phần thuyết trình thành công trước các nhà đầu tư và các “đồng nghiệp” start-up khác.

1. Thực hành trước thật nhuần nhuyễn

Thực hành thuyết trình trước một căn phòng trống không khó khăn như trình bày dự án của bạn trước căn phòng đầy ắp người. Tuy nhiên, đây hoàn toàn không phải là một động thái thừa. Mọi thứ sẽ càng thuận lợi hơn khi bạn quy tụ được nhiều “khán giả” xem mình luyện tập.

Mỗi người đều sở hữu những hành động ngớ ngẩn hoặc lóng ngóng không chủ ý khi trình bày quan điểm trước đám đông. Nếu chịu khó luyện tập trước, bạn sẽ phát hiện ra và kiểm soát được những cử chỉ vô thức đó của mình và tự tin, dạn dĩ hơn.

2. Chuẩn bị tập tin tài liệu với nhiều kiểu định dạng

Chỉ có duy nhất một phiên bản định dạng cho tập tin quan trọng mà bạn sẽ thuyết trình chưa bao giờ là một ý tưởng tốt. Hãy nghĩ đến trường hợp máy tính của bạn bị trục trặc, bạn phải sử dụng máy tính khác, và chiếc máy tính đó không thể đọc được tập tin với định dạng này.

Không những mất thời gian tìm máy tính hoặc tải phần mềm, sự cố này còn có thể ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của người thuyết trình.

Vì vậy, hãy chuẩn bị nhiều phiên bản định dạng cho tài liệu quan trọng của bạn (định dạng Words, Power Point, PDF…) để hạn chế tối đa rủi ro trước khi bắt đầu trình bày dự án.

Stuart Lansdale tự tin thuyết trình về dự án khởi nghiệp Roomfilla tại Hội thảo Tech in Asia Singapore 2015 vào tháng 5 vừa qua

3. Kết bạn

Tại Hội thảo Tech in Asia Singapore 2015, tất cả các đội tham gia đều là người khởi nghiệp công nghệ với những dự án khác nhau, và vì đây là một “cuộc chiến” nên không phải ai cũng là người chiến thắng.

Tuy nhiên, bằng một cách nào đó, “mọi người đều cùng ở trên một con thuyền, cùng mang những cung bậc cảm xúc giống nhau và cũng đều đang cố gắng vì mục tiêu của đội mình”, Stuart Lansdale cho biết.

Việc kết bạn và trò chuyện với những “đối thủ” khác sẽ khiến chúng ta bình tĩnh hơn nhiều. Sau buổi hội thảo tại Singapore, Stuart Lansdale đã cùng tham dự một bữa tiệc nhỏ với những đội khác và cho biết anh cảm thấy họ đều là những người rất tuyệt vời.

4. Hiểu rõ dự án ở mọi khía cạnh

Thuyết trình chỉ là một phần của thử thách mà bạn phải vượt qua để “thu phục” nhà đầu tư. Sau phần trình bày khoảng 5 phút, bạn sẽ phải tiếp tục đối mặt với phần “chất vấn” của các chuyên gia phía dưới sân khấu.

Họ là những người dày dạn kinh nghiệm và luôn xem xét dự án của bạn dưới góc độ kinh doanh. Bạn chưa gặp họ bao giờ, vậy làm sao bạn biết được họ sẽ quan tâm đến vấn đề nào và sẽ hỏi bạn những gì?

Đó là một câu hỏi khó. Vì vậy, hãy quay trở lại bài học thứ nhất mà Stuart Lansdale đã đưa ra, đó là: thực hành trước một cách nhuần nhuyễn. Quan trọng hơn, khi bạn tập luyện trình bày trước nhiều người, khả năng bạn nhận được những câu hỏi thực tiễn càng cao.

Các vị “giám khảo” thường sẽ quan tâm nhiều đến tiềm năng kinh tế, quy mô của dự án và về việc bạn có thực sự hiểu rõ về thị trường của mình hay không. Bạn phải trả lời một cách tự tin về những số liệu tài chính, phương pháp thu hút khách hàng… Nếu bạn không làm được điều đó, mọi người sẽ dễ mất tập trung vì họ không thấy được sự hấp dẫn ở dự án.

5. Thư giãn

“Việc thuyết trình chỉ mất có 5 phút thôi, vì thế hãy thư giãn đi!”. Điều này nghe có vẻ như “nói dễ hơn làm”. Bởi vì thực tế, Stuart Lansdale đã không ngần ngại thú nhận rằng anh đã đi ra đi vào WC hơn 10 lần trước khi lên sân khấu thuyết trình.

“Khi bạn đã chuẩn bị chu đáo tất cả mọi yếu tố, hãy hết sức thoải mái khi bước lên sân khấu. Bạn đã tiêu tốn gần như 100% thời gian và sức lực, đã phải làm việc thâu đêm suốt sáng vì dự án, do đó 5 phút sắp tới chỉ là thời điểm bạn đại diện cho nhóm để truyền đạt niềm đam mê, nỗ lực của mình và ‘mê hoặc’ thế giới. Nếu 'đứa con tinh thần' của bạn không tốt, bạn đã không có cơ hội được trình bày trước mọi người như thế này, thế nên bạn hoàn toàn có quyền tự hào về dự án start-up của mình”, Stuart Lansdale chia sẻ.

Bích Trâm (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.