Ông Đỗ Minh Phương, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết nhà mạng này sẽ bắt đầu triển khai thử nghiệm 4G vào tháng 10/2015. Khi sử dụng 4G, khách hàng của Viettel phải đổi SIM mới có thể dùng được.
Viettel sẽ cung cấp thử nghiệm 4G có thu phí.
Ông Đỗ Minh Phương cho biết, nhà mạng sẽ xin phép Bộ TT&TT cho tiến hành thử nghiệm 4G có thu phí. Viettel bắt đầu triển khai thử nghiệm 4G vào tháng 10/2015. Mạng 4G trước mắt phủ đến cấp thị xã, huyện và các tỉnh, thành phố. Đến cuối 2015 chậm nhất là quý I/2016 Viettel sẽ có 12.000 trạm 4G trên toàn quốc. Khi cung cấp dịch vụ 4G, quan điểm của Viettel là chỉ phân biệt cước thoại và dữ liệu chứ không phân biệt đâu là 3G và 4G. Như vậy, có thể hiểu giá cước 4G mà Viettel cung cấp không cao hơn 3G. Khi sử dụng 4G, khách hàng của Viettel sẽ phải đổi SIM mới có thể dùng được.
Mới đây, ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng giám đốc Viettel đã đưa ra kiến nghị, Bộ TT&TT xem xét cấp giấy phép cung cấp dịch vụ 4G cho Viettel ngay trong năm 2015 để Viettel có thể tự bỏ vốn đầu tư và chính thức triển khai 4G từ năm 2016.
Viettel đã được Bộ TT&TT cấp giấy phép thử nghiệm dịch vụ 4G ở băng tần 1600Mhz và nhà mạng này đã triển khai thử nghiệm từ cuối năm 2014 đến nay. Nhưng theo ông Lê Đăng Dũng, Bộ TT&TT nên xem xét bỏ qua giai đoạn cấp phép thử nghiệm, thay vào đó tiến hành cấp giấy phép cung cấp dịch vụ chính thức, sau đó cho doanh nghiệp đấu giá băng tần để triển khai cung cấp dịch vụ ngay từ đầu năm 2016.
Lý do khiến Viettel đưa ra kiến nghị trên là: cùng với việc song song với thử nghiệm 4G ở Việt Nam, Viettel cũng đang thử nghiệm 4G ở Lào, Camuchia. Việt Nam đã chậm triển khai 4G so với nhiều nước ASEAN, do đó việc kéo dài thời gian thử nghiệm sẽ khiến Việt Nam càng đi chậm hơn. Vì vậy, đề nghị Bộ TT&TT cấp giấy phép 4G cho Viettel trong năm 2015 để nhà mạng này được triển khai đầu tư, được cấp băng tần luôn trong năm nay.
Một lý do khác nữa là giải quyết được bài toán lãng phí đầu tư bởi nếu triển khai 4G chậm các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư cho 2G và 3G. Nếu có giấy phép 4G doanh nghiệp sẽ không đầu tư thêm cho 3G nữa mà cung cấp 4G luôn, tránh lãng phí tài nguyên tần số cũng như vốn đầu tư của doanh nghiệp.
Cũng theo ý kiến của Viettel, băng tần 700Mhz đang được phân bổ cho truyền hình thực tế gây lãng phí rất lớn, Bộ TT&TT nên nghiên cứu phân chia băng tần cho doanh nghiệp viễn thông để triển khai 4G sẽ làm lợi hàng trăm tỷ đồng cho nhà nước.
Ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện cho rằng, việc cấp phép chính thức 4G cần phải tính toán đến thời điểm nào là phù hợp và theo tính toán của Cục Tần số vô tuyến điện cấp phép 4G vào năm 2016 sẽ hợp lý hơn, do đó Cục Tần số vô tuyến điện đề nghị Bộ TT&TT vẫn giữ quan điểm sẽ cấp phép 4G vào năm 2016. Hiện tại, Cục Tần số vô tuyến điện đang xây dựng quy định về đấu giá băng tần 2600Mhz cho 4G.
Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương cho rằng, một đặc điểm của 4G rất quan trọng đối với các nhà mạng là có giá thành rẻ hơn 3G. Vì vậy, nếu nhà mạng chỉ cần đặt giá 4G bằng với giá 3G thì đã có lợi nhuận tốt. Theo nghiên cứu của Boston Consulting Group (BCG), tốc độ chuyển tải dữ liệu của 4G LTE so với 2G tăng 12.000 lần và giá thành giảm 99%. Như vậy, khi triển khai 4G có giá thành thấp khách hàng sử dụng dữ liệu nhiều hơn sẽ đem lại nguồn doanh thu tốt cho nhà mạng.
Theo ông Qiu Heng, Phó Chủ tịch các Mạng TDD của Huawei, việc triển khai 4G sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế cho quốc gia, đem lại lợi ích cho nhà mạng và người dùng nhưng các mạng di động không nên đặt giá 4G quá cao so với 3G. Chúng ta nên để giá ví dụ 3G 1GB là 3 USD thì 4G 2GB là 4 USD. Như vậy, tổng giá 4G cao hơn nhưng giá mỗi bit lại rẻ hơn. Đó là một mô hình có thể đem lại thành công. Ở những nước đã triển khai 4G như Mỹ, Nhật, Trung Quốc thì mô hình đó đều hiệu quả, tức là giá cao hơn nhưng dung lượng lớn hơn nhiều. Trong mạng 4G thì tốc độ luôn là điều nổi bật, vì vậy các nhà mạng sẽ dùng cách đó để cạnh tranh.
Ông Qiu Heng khẳng định, việc triển khai 4G có lợi cho nền kinh tế của các quốc gia. Nếu mật độ băng rộng tăng 10% thì GDP có thể tăng 1%, như vậy 4G sẽ có lợi cho nền kịnh tế, cho nhà khai thác và người sử dụng.
Thái Khang (ICT News)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.