Nhiều hãng hàng không cho biết họ thiệt hại hàng trăm tỷ đồng khi tăng phí môi trường, do đó kiến nghị bỏ khoản thu này hoặc tính vào giá vé.

Việc giá xăng dầu thế giới hạ nhiệt trong năm 2014 là một thuận lợi của ngành hàng không, khi nhiên liệu máy bay JetA1 cũng giảm theo, có lúc còn 62 USD một thùng. Tuy nhiên, khi giá giảm, thuế nhập khẩu lập tức tăng lên 25%, còn lúc giá nhiên liệu tăng lên 75 USD vào tháng 3 vừa rồi, thuế không được điều chỉnh kịp thời. Đó là nhận định của Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành tại hội thảo mới đây về những khó khăn của ngành do Cục Hàng không tổ chức.

Cùng lúc đó, phụ thu phí môi trường tăng từ 1.000 lên 3.000 đồng mỗi lít. Theo ước tính của đại diện Vietnam Airlines, ảnh hưởng của việc tăng phí môi trường với hãng là 750 tỷ đồng, với Jetstar Pacific là 150 tỷ đồng và với Vietjet Air là 350 đến 400 tỷ đồng.

"Hàng không là ngành có hiệu quả kinh tế thấp. Ngay cả với Vietjet Air, hãng thông báo có lãi nhưng tôi cho rằng vẫn rất khó khăn", ông Dương Trí Thành nhận định. Với lý do này, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines đề xuất Cục Hàng không, Bộ Giao thông kiến nghị Chính phủ có ý kiến với Bộ Tài chính để đưa ra những điều chỉnh phù hợp. Ông góp ý rằng khoản phí môi trường có thể được xem là khoản thu bổ sung để đưa vào trong giá vé trực tiếp áp lên hành khách.

VNA-4960-1426913561.jpg

Phí môi trường tăng có thể khiến các hãng hàng không gánh thêm khoản chi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, đại diện Vietnam Airlines nhận định.

Đồng tình với Vietnam Airlines, trong bản kiến nghị của mình, đại diện Jetstar Pacific cho rằng thuế, phí xăng dầu, môi trường đang gây khó khăn cho các hãng. Trong bối cảnh thuế, phí xăng dầu chiếm tỷ lệ cao trong chi phí giá thành, ông Tạ Hữu Thành, Phó tổng giám đốc Jetstar Pacific nêu kiến nghị Cục Hàng không, Bộ Giao thông có tiếng nói trong việc duy trì thuế áp lên xăng máy bay ở mức 7%. Với thuế môi trường, Jetstar Pacific đề nghị không áp dụng đối với các hãng.

Bên cạnh các kiến nghị về mặt tài chính, đại diện các hãng hàng không cũng nêu nhiều khó khăn mà họ đang gặp phải về hạ tầng sân bay, quản lý bay.

Về cơ sở hạ tầng, tình trạng ách tắc tại các sân bay lớn đang ngày một nghiêm trọng. Đại diện Vietnam Airlines cho biết không chỉ cao điểm Tết, vào thời gian thông thường ở sân bay Tân Sơn Nhất, máy bay phải mất nửa tiếng cho thời gian lăn ra lăn vào. Còn ở sân bay nhỏ, nhiều hãng phàn nàn về việc bố trí mặt bằng không phù hợp.

Đại diện VASCO kiến nghị sân bay Cà Mau, Rạch Giá cần sắp xếp lại khu vực quán ăn, nhà hàng để không làm mất mỹ quan chung. Vào mùa cao điểm du lịch ở sân bay Cam Ranh, lượng khách tăng gấp 3 lần bình thường gây tình trạng quá tải. Nếu sân bay không sử dụng thêm lao động mùa vụ sẽ phục vụ không xuể.

Năng lực quản lý bay cũng là vấn đề với nhiều hãng hàng không. Báo cáo của Vietnam Airlines cho rằng trong cao điểm Tết vừa qua, nhiều chuyến của hãng chậm do kiểm soát viên không lưu điều hành đường bay dài hơn kế hoạch bay. Cụ thể, trong giai đoạn cao điểm Tết 15 đến 23/2 vừa rồi, hãng có 540 chuyến đến chậm tại ba sân bay Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất. Trong số này, 67,1% chuyến chậm đến Tân Sơn Nhất là do không lưu. Tỷ lệ tại Nội Bài cũng ở mức cao 41,4%. Vì lý do này, các chuyến bay của hãng bị kéo dài trung bình 17 đến 20 phút.

Thanh Bình (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.