Liên tục 14 năm qua, các đại gia Thái bền bỉ đưa quần áo, đôi tông, chiếc chậu, ca múc nước hay nước rửa bát, dầu gội đầu, gói mỳ tôm... quay lại Việt, thế chân dần hàng Trung Quốc. Hàng Thái từ lâu đã len lỏi vào từng ngõ ngách Hà Nội. Người Thái - từ đại gia cho tới các doanh nghiệp nhỏ, đã vạch ra một chiến lược bài bản để tìm cách chiếm lại thị trường Việt Nam.

Bán hàng kiểu Thái

Đều đặn 2 lần một năm, hội chợ hàng Thái được tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM, điều mà không ít các đơn vị tổ chức triển lãm phải thèm thuồng. Rõ ràng, sức hút của hàng Thái đối với người Việt không hề giảm. Vẫn là bộ quần áo, đôi tông, chiếc chậu, ca múc nước hay nước rửa bát, dầu gội đầu, gói mỳ tôm,... nhưng người Việt vẫn chuộng.

Đây là một cách tiếp cận người tiêu dùng và thị trường phổ biến của người Thái. Liên tục trong 14 năm qua, các thương nhân, nhà đầu tư và các doanh nghiệp Thái Lan đã thực sự nhận ra tiềm năng ngày càng to lớn của thị trường Việt Nam và bền bỉ lấy lại thị trường mà trước đây họ đã làm mưa gió nhưng lại bị hàng Tàu đánh bật.


Sản phẩm Thái Lan lấn át hàng trong nước

Bà Usa Wijarurn, Tham tán Thái Lan tại Việt Nam, nhận xét thị trường Việt Nam đang thu hút nhiều doanh nghiệp nhỏ vừa vừa tại Thái Lan do lợi thế về thị trường, như gần 90 triệu dân, phần lớn là dân số trẻ với xu hướng tiêu dùng hiện đại. “Việt Nam chắc chắn là một thị trường đáng mơ ước và thu hút đối với bất kỳ một đối tác nào có quan tâm đến phát triển giao thương toàn cầu”, bà cho hay.

Trong nửa đầu năm 2015, kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Thái Lan đạt mức 5,4 tỷ USD, tăng gần 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2014 và mục tiêu mà chính phủ 2 nước thống nhất đặt ra sẽ là 20 tỷ USD vào năm 2020.

Thực tế, không phải đến thời điểm này người Thái mới đầu tư vào Việt Nam. Trước đó, hàng loạt “đại gia” Thái đã mở đường cho hàng Thái xâm nhập bằng cách mua lại cổ phần của các DN, mở rộng đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ. Các nhà phân phối lớn đặt mục tiêu 5 năm, 10 năm, chứ không đầu tư theo kiểu “mì ăn liền”.

Điển hình là Tập đoàn bán lẻ BJC (Thái) bỏ ra 876 triệu USD mua lại hệ thống bán sỉ Metro Cash&Carry. Phú Thái bán 51% vốn cho Thai Corporation Internation (Tập đoàn BJC) với hệ thống 42 cửa hàng Family Mart. Sau khi mua lại, BJC đã đổi tên 42 cửa hàng thành B’smart và mở thêm nhiều cửa hàng khác.

Mới đây, doanh nghiệp Thái mua 49% cổ phần Nguyễn Kim. Power Buy là thành viên thuộc Central Group, được điều hành bởi gia đình tỉ phú Thái Lan Chirathivat. Power Buy hiện là một trong những nhà bán lẻ hàng điện máy, điện tử hàng đầu Thái Lan với hơn 80 cửa hàng trên toàn quốc.

Central Group đã phát triển hệ thống trung tâm thương mại thời trang gồm 2 trung tâm Robins tại Hà Nội và TP.HCM.

Thâu tóm và dọn bãi đón đầu

Theo đánh giá của một chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh, khủng hoảng kinh tế và chính trị tại Thái Lan những năm gần đây đã khiến nhiều doanh nghiệp nước này muốn mở rộng ra nước ngoài để tăng thị phần, bù đắp sự thiếu hụt của thị trường nội địa. Họ nhắm tới những nước láng giềng và Việt Nam là sự lựa chọn hấp dẫn.

Sự đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp Thái trong thời gian gần đây cho thấy họ đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho việc Việt Nam ra nhập TPP. Ngoài ra, cuối năm 2015 là thời điểm Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) với một thị trường chung lên tới 600 triệu người là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Thái Lan khi nhiều loại hàng hoá nhập khẩu sẽ được miễn thuế.

Không chỉ vậy, các doanh nghiệp Thái còn xác định chiến lược đầu tư theo chuỗi giá trị khép kín ngoài các ngành bán lẻ. Tập đoàn Charoen Pokphand (C.P) đã đầu tư vào Việt Nam từ năm 1993 với nhà máy sản xuất thức ăn gia súc đầu tiên. Ngoài thức ăn gia súc, công ty này hiện đang chiếm 30% nguồn cung trứng gà và 5% thịt lợn trong cả nước.

Tập đoàn SCG (Thái Lan) cũng đang tích cực trong các hoạt động M&A. Hôm 29/7, SCG chính thức xác nhận thông tin về việc mua lại 80% cổ phần Công ty Cổ phần Bao bì Tín Thành. Như vậy, với động thái mua lại phần lớn cổ phần của Batico, SCG đang tích cực nâng cao kim ngạch sản xuất ngành bao bì và củng cố thêm vị trí hàng đầu trong việc cung cấp giải pháp bao bì tại thị trường Đông Nam Á.

Trước đó, tập đoàn này đã mua lại 85% cổ phần của Công ty cổ phần Prime Group (Prime Group), một trong những doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng lớn của VN với giá trị 5.120 tỉ đồng (khoảng 240 triệu USD).

Cuối năm ngoái, tập đoàn Thai Beverage của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã đề xuất về việc mua lại 40% cổ phần của Sabeco với giá 80.000 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, Sabeco được định giá khoảng 2,4 tỷ USD, và Thai Beverage sẽ phải chi ra khoảng gần 1 tỷ USD cho thương vụ này.

Nhìn vào chiến lược mở rộng thị trường một cách bài bản ở Việt Nam có thể dễ dàng nhận thấy những bước đi được tính toán kĩ lưỡng của doanh nghiệp Thái. Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, cảnh báo: “Trong tương lai, hàng Thái Lan sẽ lấn át hàng Việt nếu các doanh nghiệp Việt không nhanh nhạy xây dựng hệ thống bán lẻ, phân phối, nâng cao chất lượng sản phẩm”.

Duy Anh (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.