James Harris Simons bước vào lĩnh vực tài chính bằng bản lĩnh và trí tuệ của một thiên tài toán học. Ông trở thành nhà phân tích định lượng tài chính nổi tiếng nhất thế giới, sở hữu khối tài sản hàng tỷ USD và còn được biết đến bởi sự hào phóng, đầu tư mạnh cho sự phát triển của khoa học và toán học.
Tỷ phú James Harris Simons.
James Harris Simons sinh năm 1938 trong một gia đình Do Thái ở Brookline, Massachusetts, Mỹ. Năm 14 tuổi, trong dịp nghỉ lễ Giáng sinh, ông làm thuê cho một cửa hàng cung cấp vật dụng làm vườn. Ban đầu, công việc của ông là quản lý kho hàng hóa nhưng nhanh chóng bị hạ cấp xuống làm nhân viên lau dọn, quét sàn do tính đãng trí. Ông thường xuyên quên vị trí của các món đồ. Cuối kì nghỉ, ông thôi việc tại cửa hàng. Ông chủ khi đó vô cùng ngạc nhiên, khó tin khi cậu nhân viên “hay quên” của mình tuyên bố: muốn được học ngành toán tại Học viện công nghệ Massachusetts (MIT) danh giá.
James Harris Simons đã chứng minh mình nói được làm được. Điểm thi xuất sắc cùng với thư giới thiệu của giáo viên trường trung học phổ thông đã giúp ông trở thành sinh viên của ngôi trường uy tín. Ông tốt nghiệp MIT sau 3 năm và mất thêm 3 năm sau đó để nhận bằng tiến sĩ của trường Đại học Berkeley, California. Chính tại Berkeley, ông gặp gỡ với thần đồng toán học Trung Quốc, tiến sĩ Chern. Bộ đôi cùng nhau nghiên cứu, tạo nên một bước đột phá lớn trong lý thuyết trường lượng tử ba chiều bằng việc xây dưng cụ thể một dạng vi phân đặc biệt. Cống hiến đó hiện nay được gọi là lý thuyết Chern-Simons.
Hoàn thành việc học và nghiên cứu ở Berkeley, ông trở lại Massachusetts dạy toán tại MIT, sau đó là Harvard. Năm 1964, ông làm việc tại Viện Phân tích Quốc phòng (Institute for Defense Analyses), giúp giải mã và truy lùng các mối đe dọa quân sự tiềm năng cho Cục An ninh Quốc gia (National Security Agency). Năm 1968, ông chuyển tới SUNY Stonybrook làm trưởng khoa Toán. Năm 1976, ông thắng Oswald Veblen Prize, giải thưởng danh giá nhất về lĩnh vực hình học của Hiệp hội Toán học Mỹ.
Con đường trở thành nhà đầu cơ thông thái nhất
Mặc dù đã đạt được những thành tự lớn trong lĩnh vực toán học và giảng dạy, James Harris Simons quyết định theo đuổi sự nghiệp tài chính. Năm 1978, ông xây dựng quỹ đầu tư Monemetrics, tiền thân của công ty cực thành công sau này: Renaissance Technologies (năm 1982). Ban đầu, James không nghĩ tới việc sử dụng toán học vào công việc kinh doanh, tuy nhiên qua thời gian, ông nhận ra các mô hình, thuật toán quản lý có thể hỗ trợ đắc lực cho việc phân tích dữ liệu.
Tư duy đổi mới của ông thay đổi hoàn toàn bức tranh đầu tư của thị trường tài chính khi đó. Ông đã tuyển chọn rất nhiều lập trình viên, chuyên gia vật lý, xử lí tín hiệu, thống kê và tất nhiên không thể thiếu các nhà toán học. Phố Wall vốn tưởng chỉ dành cho những người làm/nghiên cứu về tài chính nay có thêm sự xuất hiện của những người được cho là “ngoại đạo”, chưa hề có kinh nghiệm về thị trường tài chính. Thế nhưng đây lại chính là bí quyết thành công của James Harris Simons và Renaissance Technologies.
James cùng các cộng sự thu thập các số liệu tài chính và sử dụng các công thức toán học cực kì phức tạp để phân tích, đưa ra dự đoán, tiến hành giao dịch trên thị trường thế giới. "Môi trường làm việc tốt và những cộng sự thông minh có thể giúp bạn đạt được những thành tựu lớn" – Simons chia sẻ.
James được mệnh danh là “Quant King” (ông vua định lượng) – đại diện thành công nhất của những nhà phân tích định lượng, sử dụng toán học cao cấp trong lĩnh vực tài chính. Tạp chí Financial Times 2006 gọi ông là “tỉ phú thông minh nhất thế giới”.
Năm 2015, ông xếp thứ 67 trong bảng xếp hạng các tỉ phú thế giới và thứ 32 bảng xếp hạng tỉ phú Mỹ của tạp chí Forbes. Cũng theo Forber, ông chủ của Renaissance Technologies là nhà kinh doanh – quản lý quỹ đầu cơ có thu nhập cao thứ 2 thế giới với 1,67 tỷ USD. Tính đến 15/02/2016, tổng giá trị tài sản ròng của cá nhân ông đã lên tới 15,5 tỷ USD.
“Quant King” và vợ, bà Marilyn Simons.
Một trái tim hào phóng
Không chỉ là một tỷ phú giàu có với những chiến lược kinh doanh, đầu tư thông minh, James Harris Simons còn được biết đến bởi sự hào phóng và hết mình cho sự phát triển của khoa học và toán học.
Năm 1994, ông cùng với vợ là bà Marilyn Simons thành lập Quỹ Simons (Simons Foundation) hỗ trợ cho các nghiên cứu khoa học, giáo dục và sức khỏe. Ông đã đóng góp hơn 1 tỷ USD cho hoạt động của quỹ.
Thêm vào đó, ông còn thành lập quỹ Math of America nhằm mục đích khuyến khích và hỗ trợ cho các giáo viên khoa học, toán học thực hiện tốt vai trò giảng dạy đồng thời nâng cao năng lực bản thân.
Nguyễn Nguyễn (Trí thức trẻ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.