Brazil là thị trường đầu tiên Xiaomi chọn để chinh phục Mỹ Latinh và chắp cánh tham vọng vươn tầm thế giới. Tuy nhiên, vùng đất đầy cơ hội này cũng tồn tại những thách thức cực lớn cho "gã khổng lồ" của lĩnh vực điện thoại thông minh (smartphone) đến từ Trung Quốc.

Hugo Barra nói rằng châu Mỹ - Latinh đem lại cơ hội lớn cho Xiaomi

Trong tháng 4 vừa qua, Xiaomi đã giới thiệu mẫu điện thoại mới Mi 4i tại Ấn Độ, thị trường smartphone lớn nhất của công ty Trung Quốc này. Trong bài viết của BBC hồi ngày 5/5, Phó Chủ tịch Hugo Barra của Xiaomi không hề che giấu tham vọng sẽ giúp hãng điện thoại này phát triển vươn khỏi khu vực châu Á.

Cơ sở nào cho tham vọng của Xiaomi?

Ấn Độ chính là nơi đầu tiên Xiaomi đặt cơ sở sản xuất ngoài Trung Quốc. Đó có thể là bước đệm cho họ nhanh chóng thực hiện ước mơ cạnh tranh với Apple và Samsung.

Trên thực tế, chặng đường ấy không quá xa trên lý thuyết. Xiaomi hiện nay đang là thương hiệu điện thoại lớn thứ ba thế giới về số lượng bán ra chỉ sau chính Apple và Samsung.

Đây là câu chuyện có thể khiến rất nhiều người bất ngờ vì chỉ sau 5 năm, từ một công ty khởi nghiệp (start-up) bình thường, Xiaomi đã trở thành một "gã khổng lồ" đích thực với giá thị trường 46 tỉ USD, tức vượt qua hàng loạt thương hiệu công nghệ như Uber, Snapchat hay thậm chí Palantir, theo Harvard Business Review.

Trong một thị trường trong nước quá béo bở như Trung Quốc, Xiaomi trong quý đầu tiên của năm 2015 đã chiếm 13,7% thị trường, chỉ xếp sau Apple (14,7%), theo thống kê do The Wall Street Journal dẫn ngày 8.6 qua.

Xiaomi cũng tuyên bố đạt doanh số bán hàng gấp đôi trong năm 2014 với 61 triệu chiếc smartphone được bán ra. Trong năm 2015, hãng này dự kiến sẽ đạt cột mốc 100 triệu chiếc.

Tại sao là Brazil?

Với sự phát triển nhanh chóng, Xiaomi đã đẩy mạnh chiến dịch vươn khỏi châu Á. Tuy nhiên không phải Mỹ hay châu Âu, mà khu vực Mỹ Latinh mới là lựa chọn đầu tiên của Xiaomi, khởi đầu tại Brazil.

Thành - bại của phương án này phụ thuộc rất nhiều vào Phó chủ tịch Hugo Barra, một người Brazil. BBC mô tả ông Barra là "một trường hợp hiếm hoi người Mỹ Latinh đứng đầu một công ty lớn tại Trung Quốc" trong bài viết ngày 30.6.

Lý giải về việc chọn Brazil và Mỹ Latinh, ông Barra cho biết: "Mỹ Latinh xét tổng thể là một cơ hội lớn. Nó là một thị trường rất lớn, nơi mọi người thay thế điện thoại tính năng của họ bằng những chiếc smartphone đầu tiên với tốc độ rất cao".

Trong toàn thể Mỹ Latinh, Brazil nổi bật là nơi có nhu cầu xứng đáng để "tấn công" hơn cả. Dù kinh tế Brazil chỉ tăng trưởng 0,1% trong năm ngoái, nhưng doanh số bán smartphone tại đây lại tăng đến 55%, một con số bất ngờ, theo BBC.

Ngoài ra, đất nước rộng lớn Brazil còn đang là thị trường mua điện thoại lớn thứ tư thế giới sau Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ. Và điểm đặc biệt nhất, BBC dẫn thông báo đầy lạc quan của Xiaomi trong kết quả khảo sát tháng trước cho thấy, có tới 45% người tiêu dùng tại Brazil vẫn còn xài điện thoại chức năng thay vì smartphone, một con số rất đáng kỳ vọng.

Thách thức thời đại

Dẫu là "miếng mồi ngon", song Brazil trên thực tế cũng là bài kiểm tra quan trọng và đầu tiên của Xiaomi trên đường vươn lên tầm quốc tế. Nói không ngoa, "sứ mệnh" của Xiaomi là làm thước đo để hàng hóa Trung Quốc lấy lại uy tín đã mất trong mắt người tiêu dùng toàn cầu.

Trong bài viết ngày 30.6, BBC chỉ ra rằng đa phần người Brazil vẫn không thiện cảm với hàng Trung Quốc, thậm chí là "miệt thị".

Nếu như tại Ấn Độ, Trung Quốc nói chung và Xiaomi nói riêng đã tương đối thành công với chiến dịch giá thành thấp và tâm lý không mấy ám ảnh vì tên thương hiệu uy tín, thì Brazil lại khác.

Thống kê cho thấy người Brazil rất chuộng các nhãn hàng nổi tiếng. Chỉ riêng 6 thương hiệu như Apple, Samsung, Motorola, Sony, Microsoft... chiếm tới 95% doanh thu tại xứ Samba. Chính vì thế, sẽ rất khó để một thương hiệu lạ xâm nhập vào đây.

"Xiaomi sẽ phải mất một số thị phần từ những thương hiệu toàn cầu mạnh mẽ như trên, vốn đã tồn tại ở đây ít nhất 10 năm qua", Leonardo Munin, nhà nghiên cứu thị trường Brazil cho biết.

Thêm vào đó, nếu Xiaomi thành công tại Trung Quốc, nhanh chóng phát triển nhờ tiết kiệm chi phí quảng cáo, mặt bằng nhờ chỉ tập trung bán hàng trực tuyến, thì Brazil không phải nơi đáp ứng điều đó. Chỉ có 15% số lượng điện thoại bán ra ở Brazil được thực hiện theo phương thức kinh doanh trực tuyến, theo BBC.

Xiaomi chính vì vậy đã có kế hoạch bán độc quyền qua internet thông qua các cửa hàng chi nhánh tại địa phương.

BBC dẫn lời một chuyên gia phân tích thị trường kết luận rằng ông Hugo Barra mặc dù là một người Brazil, nhưng dường như vẫn chưa thực sự hiểu thị trường Brazil, thậm chí chưa chắc hiểu được Xiaomi có những gì để cạnh tranh trong chiến dịch "tấn công" Brazil và Mỹ Latinh.

The Wall Street Journal dẫn lại chi tiết vào ngày Xiaomi ra mắt Mi 4i tại Ấn Độ hồi tháng 4, nơi giám đốc điều hành Lei Jun nói dõng dạc rằng tham vọng của ông là đưa Xiaomi bước ra toàn cầu. Và theo ông, Trung Quốc sẽ không còn dính liền với những mặt hàng giá rẻ hoặc bắt chước người khác.

"Nhiệm vụ của Xiaomi là thay đổi cách nhìn của thế giới về các sản phẩm của Trung Quốc", ông Jun Lei nói.

Có điều, giờ đây ông Hugo Barra phải làm việc đầu tiên: Thay đổi cách nhìn của những người đồng hương Brazil về hàng hóa Trung Quốc.

Giang Lang (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.