Hôm nay, Tòa phúc thẩm, TAND TP HCM tiếp tục đưa Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm ra xét xử

8h50: Trả lời VKS Huyền Như cũng thừa nhận, đối với những trường hợp Như cầm cố thẻ tiết kiệm của nhân viên ACB và Navibank tại Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng không đảm bảo quy định của Ngân hàng Vietinbank.

“Hành vi này của bị cáo gian dối với ai”, thẩm phán Tú Oanh đặt câu hỏi.

“Bị cáo đã gian dối với đồng nghiệp. Các đồng nghiệp đã tin tưởng bị cáo nên mới bị dẫn đến hoàn cảnh này”, Huyền Như nói.

8h35: Tham gia thẩm vấn, VKS đặt câu hỏi:

VKS: Khi thực hiện cầm cố những thẻ tiết kiệm này có đúng với quy định của Ngân hàng Vietinbank không?

Đoàn Lê Du: Dạ, không

VKS: Thế có vi phạm không?

Đoàn Lê Du: Dạ có.

Trả lời VKS, đại diện Vietinbank tại tòa cho biết, hành vi của Du vi phạm quy định số 069 của Vietinbank về quy định cho vay cầm cố bằng thẻ tiết kiệm

Từ đầu năm 2007, Huỳnh Thị Huyền Như, lúc đó là cán bộ tín dụng Vietinbank, Chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã vay trên 200 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức và cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản tạiTP. HCM, Đà Nẵng, Bà Rịa Vũng Tàu, Đà Lạt, Quảng Nam, An Giang. Đến năm 2010, do kinh doanh thua lỗ và phải trả lãi suất cao, nên mất khả năng thanh toán...

Để có tiền trả nợ, từ tháng 3/2010 đến tháng 9/2011, Huỳnh Thị Huyền Như đã giả danh Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP Hồ Chí Minh để huy động tiền của các cá nhân và đơn vị để chiếm đoạt. Để thực hiện được mục đích của mình, Huỳnh Thị Huyền Như đã nhờ người (không xác định được lai lịch, địa chỉ) làm giả 08 con dấu đứng tên các cơ quan đơn vị như: Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè và các công ty như Công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên, An Lộc, Đức Minh Quang, Bảo hiểm Toàn Cầu, Saigonbank-Berjaya.

Làm giả tài liệu của 02 ngân hàng Vietinbank và nhiều đơn vị, cá nhân khác để lừa đảo chiếm đoạt tiền của 09 công ty, 03 ngân hàng và 03 cá nhân tổng số tiền: 3.986.254.481.860 đồng, cụ thể:
Công 26 ty Phúc Vinh 608.994.236.822đ, Công ty Thịnh Phát 788.905.578.222đ, Công ty Hưng Yên 200.169.459.665đ, Ngân hàng TMCP Á Châu 701.898.000.000đ, Công ty An Lộc 170.350.000.000đ, Công ty CP CK Phương Đông 380.000.000.000đ, Công ty CP Bảo Hiểm Toàn Cầu 125.000.000.000đ, Công ty Thái Bình Dương 80.000.000.000đ, Công ty TNHH ZenPlaza 45.500.000.000đ và Công ty CP CK Saigonbank-Berjaya 210.000.000.000đ, Ngân hàng TMCP Nam Việt 200.000.000.000đ, Ngân hàng VIB, Chi nhánh TP.HCM 180.000.000.000đ, Giã Thị Mai Hiên: 274.623.595.151 đồng, anh Phạm Anh Huấn 3,93 tỷ đồng và bà Lê Thị Kim Tuyến 07 tỷ đồng.

8h10: Tòa bắt đầu làm việc. Chủ tọa thông báo sáng nay sẽ xem xét tội: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng

Bị cáo Đoàn Lê Du (SN 1980, quê Kiên Giang) - Cựu Trưởng phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng thuộc Vietinbank Chi nhánh TP HCM được chủ tọa yêu cầu đứng lên vành móng ngựa để trả lời thẩm vấn

Trước tòa, Đoàn Lê Du cho hay, Du không cố ý phạm tội. Du cho biết, cái sai của bị cáo là giải ngân nhưng không gặp khách hàng, trái với quy định của Ngân hàng. “Do Huyền Như là đồng nghiệp nên tạo lòng tin với bị cáo. Những “khách hàng” này đều là của Như”, Du khai.

“Biết sai thì cố ý hay là vô ý?”, thẩm phán Tú Oanh đặt câu hỏi.

Du ngập ngừng: Dạ cố ý ạ.

Du cho rằng, đấy là những khoản vay bình thường, không có vấn đề, không biết những sai phạm nào phía sau của Như.

Theo bản án cấp sơ thẩm: Từ ngày 13/5/2011 đến tháng 10/2011, khi được Huỳnh Thị Huyền Như đặt vấn đề giải quyết cho khách hàng của Như vay tiền tại đây, thế chấp bằng thẻ tiết kiệm gửi tiền tại Vietinbank chi nhánh TPHCM, nhưng khách hàng không có mặt do bận; đề nghị cho vay trước rồi bổ sung thủ tục hồ sơ sau; Đoàn Lê Du đã chỉ đạo nhân viên Phòng giao dịch lập 51 hồ sơ tín dụng cho vay đứng tên 16 cá nhân vay tổng cộng 239,94 tỷ đồng; thế chấp bằng 37 thẻ tiết kiệm trị giá 246,85 tỷ đồng mang tên 12 cá nhân là nhân viên Ngân hàng ACB; Nam Việt có tiền gửi tại Vietinbank chi nhánh TPHCM; trong đó chỉ có 6 cá nhân được Như nhờ đứng tên vay trên 13 khoản vay 70,44 tỷ đồng là có mặt tại Phòng giao dịch để ký trong hồ sơ tín dụng; còn lại đều không có mặt người vay, người có tài sản bảo lãnh để ký vào hồ sơ khi vay; sau khi giải ngân xong mới chuyển lại hồ sơ cho Như để bổ sung chữ ký.

Tài liệu điều tra xác định 37 thẻ tiết kiệm mang tên 12 cá nhân là ký hợp đồng tiền gửi tại Vietinbank chi nhánh TP HCM nhưng không nhận các thẻ tiết kiệm; mục đích dùng thế chấp vay tiền tại Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng. 10 cá nhân đứng tên vay tiền và 12 người đứng tên tài sản bảo lãnh đều không làm thủ tục vay tiền và bảo lãnh việc vay tiền nêu trên tại Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng; chữ ký của những người này trên các Hợp đồng 62 tín dụng là do Như tự ký giả (Kết luận giám định số 3101/C54-P5 ngày 26/12/2011).

Hành vi của Đoàn Lê Du chỉ đạo việc cho vay không có mặt khách hàng vay; người có tài sản bảo lãnh đã vi phạm quy định tại Hướng dẫn cho vay tiêu dùng có bảo đảm bằng số dư tiền gửi, sổ/thẻ tiết kiệm, giấy tờ có giá; được ban hành theo Quyết định số 069/QĐ-NHCT19 ngày 25/1/2010 của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam; dẫn đến việc Như thực hiện trót lọt việc lừa đảo bằng thủ đoạn dùng thẻ tiết kiệm mang tên 12 nhân viên Ngân hàng ACB, Nam Việt để dùng thế chấp vay tiền tại Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng, ký giả chữ ký của người vay và người có tài sản bảo lãnh, chiếm đoạt được 239,94 tỷ đồng.

8h00: Các bị cáo có mặt đầy đủ chuẩn bị cho phiên tòa bắt đầu làm việc.

Ngày 18/12, Tòa phúc thẩm, TAND TP HCM tiếp tục đưa Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm ra xét xử.

Trong ngày hôm qua, ngày thứ 4 xét xử phúc thẩm, Tòa đã thẩm vấn Huyền Ngư và các bị cáo tội Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; thẩm vấn đại diên ACB về việc thực hiện ủy thác...

HĐXX cũng đã thẩm vấn hành vi lừa đảo của Huyền Như tại Ngân hàng Navibank.

Theo bản án sơ thẩm, sau khi biết ACB có nguồn tiền muốn gửi vào Vietinbank chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh để lấy tiền lãi cao hơn (lãi chênh ngoài hợp đồng), nhưng theo nguyên tắc ngân hàng này không được đem tiền đến ngân hàng khác gửi để lấy lãi cao hơn nên ACB (cũng như Navibank) đã phải dùng đến các nhân viên của mình, uỷ thác cho họ đem tiền đến gửi tại Vietinbank chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy, thông qua bà Huỳnh Thị Ngọc Ánh – Phó phòng kế toán ACB, lấy danh nghĩa huy động vốn cho Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, làm giả hợp đồng tiền gửi, ký giả chữ ký của Võ Anh Tuấn – Phó Giám đốc Vietinbank –chi nhánh Nhà Bè đóng dấu giả Vietinbank – chi nhánh Nhà Bè để huy động 50 tỷ đồng của ACB thông qua hai người gửi.

Huyền Như tại phiên xét xử phúc thẩm

Chưa dừng lại ở đó, ACB tiếp tục sử dụng 17 nhân viên của mình, uỷ thác cho họ đem số tiền 668,908 tỷ đồng gửi vào Vietinbank với lãi suất 14%/năm, lãi ngoài từ 3,8 đến 4%/năm, để Như chiếm đoạt.

Để chiếm đoạt đựơc số lượng tiền khổng lồ của ACB, Như đã dùng thủ đoạn “Câu, nhử” đó là trích trả ngay hơn 10 tỷ đồng tiền lãi ngoài hợp đồng cho ACB.

Ngoài việc làm giả 16 lệnh chi, ký giả chữ ký của 09 chủ tài khoản để làm thủ tục tất toán và chiếm đoạt số tiền hơn 81 tỷ đồng, Như làm giả lệnh chi, ký giả chữ ký của các chủ tài khoản để chuyển hết số tiền từ tài khoản tiền gửi tiết kiệm của các nhân viên ACB đi trả nợ và chiếm đoạt số tiền còn lại trong tài khoản tiền gửi của các nhân viên ACB../.

Nhóm Phóng viên (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.