Tổng thống Philippines Benigno Aquino vừa hối thúc lãnh đạo các nước ASEAN đối mặt với mối de dọa từ những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino. Ảnh: Chinadailymail

"Chúng tôi muốn đề cao, ủng hộ và tuân thủ nguyên tắc luật pháp trong việc giải quyết những vấn đề lãnh thổ này, để quyền lợi của tất cả các nước liên quan sẽ được công nhận và tôn trọng", ông Aquino hôm nay nói tại sânbay Manila, trước khi tới Myanmar dự Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

"Bước đi này thể hiện niềm tin của chúng tôi, rằng một vấn đề ảnh hưởng tới tất cả các nước trong khu vực không thể giải quyết được một cách hiệu quả chỉ thông qua đối thoại giữa hai nước", tổng thống Philippines cho biết và nói thêm rằng vấn đề Biển Đông liên quan tới an ninh của Đông Nam Á.

Ông Aquino ngầm ý chỉ trích quan điểm của Trung Quốc chỉ thảo luận tay đôi trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông. Philippines, các nước có tranh chấp và Mỹ đều từng lên tiếng ủng hộ cách tiếp cận đa phương để tìm giải pháp cho vấn đề Biển Đông.

Manila hồi tháng 3 thảo đơn kiện lên tòa án quốc tế, yêu cầu tòa tuyên vô hiệu các tuyên bố chủ quyền, trong đó có yêu scsh 9 đoạn, của Trung Quốc trên Biển Đông. Reuters dẫn lời ông Aquino cho hay ông sẽ thảo luận về những tác động của vụ kiện trong khu vực với lãnh đạo các nước tại hội nghị ở Myanmar.

Myanmar đang tổ chức hội nghị cấp cao kéo dài hai ngày, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa các nước thành viên ASEAN là Việt Nam, Philippines với Trung Quốc, một thế lực lớn trong khu vực và cũng là một trong những đối tác kinh tế chính của tổ chức.

Các tàu Trung Quốc, được triển khai gần một giàn khoan mà nước này hạ đặt trái phép tại vùng biển Việt Nam, vừa qua trắng trợn đâm va, dùng vòi rồng uy hiếp tàu Việt Nam. Trong khi đó, Manila bắt giữ 11 thuyền viên trên tàu cá Trung Quốc vì đánh bắt trộm hàng trăm con rùa biển ở vùng biển mà nhiều nước đều có tuyên bố chủ quyền.

ASEAN có ký với Trung Quốc bản thỏa thuận về nguyên tắc ứng xử trên Biển Đông (DOC) năm 2002. Tuy nhiên văn bản này không có tính ràng buộc, và hai bên đang thảo luận xây dựng bộ quy tắc chặt chẽ hơn (COC).Ngoại trưởng Philippines hôm qua cho hay nước này sẽ đề nghị đẩy nhanh tiến trình đàm phán để có bộ quy tắc.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đang trải qua một bài thử thách về sự đoàn kết. Theo nguyên tắc đồng thuận, các vấn đề muốn được đưa vào lịch trình bàn thảo và bản tuyên bố phải được sự nhất trí của tất cả các thành viên. Hiện có nhiều dự đoán về khả năng vấn đề tranh chấp Biển Đông sẽ được nếu ra như thế nào tại sự kiện ngoại giao cấp cao này của Hiệp hội.

Cũng vì tranh chấp Biển Đông, hội nghị ASEAN năm 2012 tại Campuchia đã vấp phải sự kiện chưa từng có trong lịch sử tồn tại khi không ra được tuyên bố chung. Philippines khi đó đã phản đối nước chủ nhà khi Phnom Penhkiên quyết gạt nội dung tranh chấp giữa Bắc Kinh và Manila về một bãi cạn.

Trọng Giáp (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.