Nguyễn Tuấn Quỳnh hiện là thành viên hội đồng quản trị của ba công ty, gồm: Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Công ty cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn và Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam. Anh mới nhận chức Tổng giám đốc của Công ty cổ phần Alpha Books và là người sáng lập của một số công ty khác. Ngoài ra, anh còn giữ vị trí Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh.

Giữ nhiều chức vụ quan trọng như vậy nhưng trông anh không quá bận rộn. Sáng nay, chúng tôi vẫn dễ dàng tìm gặp anh ở quán cà phê quen thuộc trên đường Tú Xương, quận 1 và trên trang Facebook của anh vẫn xuất hiện những dòng chia sẻ tích cực về con người, cuộc sống như mọi ngày.

Động lực nào để anh dành thời gian chia sẻ những câu chuyện, chiêm nghiệm tích cực trên Facebook gần như mỗi ngày?
Tôi có đến hai động lực chính. Thứ nhất, việc ghi lại những suy nghĩ, cảm xúc và trải nghiệm của mình là một cách trau dồi kỹ năng viết lách. Tôi vốn rất mê nghề báo, một nghề có sức hấp dẫn kỳ lạ. Nhờ có chút năng khiếu viết nên thời sinh viên, tôi đã viết khá nhiều đề tài về giáo dục, du lịch, kinh tế, tùy bút, sáng tác thơ… Nhuận bút đủ cho tôi trang trải chi phí thời đại học cũng như những ngày đầu mới ra trường. Mê viết nhưng tôi đã không đủ “can đảm” để theo nghề báo, chỉ thấy mình phù hợp với công việc kinh doanh hơn.
Trở lại câu chuyện về động lực dành thời gian cho Facebook, tôi viết những lời tích cực nhằm lan tỏa những suy nghĩ tích cực đến với mọi người. Tôi nhận được nhiều lời cảm ơn vì đã mang lại niềm tin vào cuộc sống cho người khác. Đôi khi, những câu chuyện nho nhỏ hay lời động viên giản đơn lại giúp cho người khác vượt qua nỗi khó khăn, tuyệt vọng. Vì vậy, mỗi buổi sáng, tôi muốn cùng những người bạn trên mạng xã hội bắt đầu ngày mới bằng thái độ tích cực thông qua những lời yêu thương mà tôi chia sẻ.
Ở tuổi gần 50, anh mới quyết định rẽ ngang, trở thành Tổng giám đốc của Alpha Books. Nhiều người thắc mắc về quyết định “chia tay” ngành xăng dầu mà anh đã gắn bó hơn 20 năm…
Có nhiều lý do khiến tôi quyết định “chia tay” ngành xăng dầu, nhưng không phải do những bất đồng với ban lãnh đạo như người ta đồn đoán. Công ty cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn (SFC) đã có sự thay đổi cơ cấu cổ đông đáng kể trong năm 2014 khi cổ đông lớn nhất của công ty này là Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) thoái vốn hơn 50%, đồng thời Công ty Xăng dầu và Dịch vụ Hàng hải (STS) trở thành cổ đông nắm giữ 50,99% vốn điều lệ của SFC. Công ty STS là một đầu mối nhập khẩu xăng dầu lớn và có uy tín nên họ hỗ trợ cho SFC rất nhiều. Từ khi có sự trợ lực từ STS, việc kinh doanh của SFC khá ổn định và phát triển tốt. Tôi từ nhiệm Tổng giám đốc của SFC vì muốn tạo điều kiện cho thế hệ kế nghiệp được thử thách ở vị trí lãnh đạo trong công ty, cũng là cơ hội để tôi có những trải nghiệm trong lĩnh vực mới. Dù không còn là Tổng giám đốc nhưng tôi vẫn là thành viên của Hội đồng quản trị của SFC. Với tôi, SFC là một mái nhà thân yêu và chia tay không có nghĩa là ngừng quan tâm, gắn bó…
Tôi trở thành “anh lính mới” trong lĩnh vực phát hành sách, đó là một quyết định khiến tôi trăn trở ít nhiều. Thật may, ở tuổi 50 mà tôi vẫn còn hăm hở để học hỏi cái mới chứng tỏ tôi vẫn còn khá năng động, không bị “ù lì” theo tuổi tác. Tuy nhiên, mọi thứ trong ngành sách đối với tôi đều mới mẻ nên cần đầu tư thời gian để nghiên cứu, học tập. Ngày xưa, tôi không mất nhiều thời gian để giải quyết công việc vì đã có hơn 20 năm kinh nghiệm. Nhưng bây giờ, ngay cả việc trả lời một lá thư điện tử tôi cũng phải cân nhắc, suy nghĩ kỹ càng. Tôi vốn không phải là người giỏi giang, thông minh, nên muốn làm tốt một việc nào đó cũng cần nỗ lực nhiều hơn người khác! May sao tôi đã có sự sắp xếp tốt ngay từ đầu nên không bị “chết ngộp” trong công việc, chỉ hơi bận rộn so với thời gian trước. Nhưng tôi luôn tự trấn an mình là: “Tôi lu bu nên tôi tồn tại!”. Và người bận rộn thì không còn thời gian để khóc lóc hay phàn nàn.
Cho đến thời điểm này anh có hài lòng với quyết định rẽ ngang của mình chưa, không “khóc lóc hay phàn nàn” gì chứ?
Tôi rất thích ngành sách và cho rằng mình đã lựa chọn đúng đắn. So với ngành xăng dầu thì ngành này cho lợi nhuận không lớn, lại chịu sự cạnh tranh khốc liệt. Nhưng được mang đến những đầu sách có giá trị cho xã hội là một việc làm có ý nghĩa nhân văn mà không phải công việc nào cũng có được.
Làm xuất bản sách cho tôi cơ hội được đọc nhiều hơn, đúng với sở thích từ nhỏ. Thời gian trước, một tháng tôi chỉ đủ thời gian để đọc một, hai cuốn sách thì nay, chỉ trong vòng hơn một tháng tiếp quản vị trí mới, tôi đã đọc rất nhiều. Tuy đây là công việc bắt buộc của người duyệt sách nhưng đọc càng nhiều càng giúp bổ sung được những kiến thức hữu ích.
Nhiều nhân viên đã khóc trong ngày anh rời công ty cũ, hẳn anh là một người sếp rất được lòng cấp dưới của mình?
Theo tôi, người quản lý giỏi không chỉ quản trị công ty một cách minh bạch, có hiệu quả mà phải thật sự quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân viên. Tôi rất chú trọng việc chăm sóc đội ngũ nhân viên vì họ chính là người tạo ra lợi thế cạnh tranh cũng như lợi nhuận và sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Trong nhiều quyết định liên quan đến công việc, tôi thà “chịu thiệt” một chút chứ không để cấp dưới của mình bị mất đi quyền lợi chính đáng.
Tôi tôn trọng tất cả mọi người làm việc cùng công ty, cả cấp trên, cấp dưới lẫn những nhân viên ở cấp bậc thấp nhất. Tôi yêu quý họ thật lòng. Vì với tôi, công việc nào cũng có giá trị nhất định, không có công việc cao quý hay thấp hèn. Tôi hiếm khi la mắng nhân viên ngay cả khi họ phạm lỗi nghiêm trọng. Tôi hiểu rằng việc “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” là cách để nhân viên nhìn nhận khuyết điểm nếu có và tìm ra biện pháp khắc phục hậu quả. Điều này tôi rút kinh nghiệm từ chính gia đình của mình…
Người quản lý giỏi không chỉ quản trị công ty một cách minh bạch, có hiệu quả mà phải thật sự quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân viên. Tôi rất chú trọng việc chăm sóc đội ngũ nhân viên vì họ chính là người tạo ra lợi thế cạnh tranh cũng như lợi nhuận.
Đó phải chăng là cách dạy dỗ nghiêm khắc từ cha mẹ anh?
Không đâu, đó là bài học từ cách giao tiếp giữa ba và mẹ tôi. Khi còn trẻ, mẹ tôi nhìn nhận sự việc rất đúng đắn nhưng hay nói chuyện một cách gay gắt khiến ba tôi không hài lòng, vì vậy ông ít khi làm theo ý bà. Điều đó cho thấy cách giao tiếp để nhận sự cảm thông là vô cùng quan trọng, cả trong gia đình lẫn nơi công sở.
Cách giao tiếp và đối nhân xử thế tôi cũng học được nhiều nhờ tham gia hoạt động đoàn đội, hoạt động xã hội từ rất sớm. Môi trường hoạt động tập thể rèn cho tôi cái nhìn bao dung, cảm thông và hy sinh cho người khác, không đặt nặng “cái tôi” vì mục tiêu chung.
Năm năm trở lại đây, anh dành khá nhiều thời gian cho việc giảng dạy và chia sẻ với các bạn trẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp. Liệu đây có phải là một bước chuẩn bị cho kế hoạch nghỉ hưu?
Tôi chưa từng nghĩ đến việc nghỉ hưu. Mục tiêu của đời tôi là chia sẻ với người xung quanh, cả vật chất lẫn tinh thần. Ở tuổi gần ngũ tuần, tôi thấy mình đang già đi rất nhanh. Tôi muốn dành quỹ thời gian ít ỏi còn lại để chuẩn bị kiến thức và khích lệ tinh thần cho thế hệ đi sau. Chính vì vậy, tôi đã dành nhiều thời gian để viết báo, chia sẻ trải nghiệm của mình. Đối với người trẻ, những bước đầu tiên trên quãng đường đời luôn mang lại rất nhiều thử thách và cũng lắm nỗi chông gai, vì những kiến thức được học ở trường và ngoài thực tế rất khác nhau. Tôi thấy mình có trách nhiệm chia sẻ với các bạn trẻ đang dò dẫm trên con đường khởi nghiệp và mong muốn tìm thấy mục tiêu sống của đời mình.
Anh có nhận xét gì về làn sóng khởi nghiệp cũng như tinh thần làm chủ của các bạn trẻ tại Việt Nam?
Dòng chảy khởi nghiệp đã “bùng nổ” tại Việt Nam trong vòng bốn, năm năm trở lại đây và nhanh chóng phát triển một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, hiệu quả khởi nghiệp lại không cao. Theo một thống kê “bỏ túi” thì trong hai năm trở lại đây, cứ 100 người khởi nghiệp có đến 80% đứng trước nguy cơ giải thể trong năm đầu tiên. Có ba nguyên nhân chính là thiếu vốn, thiếu kiến thức về quản trị điều hành doanh nghiệp và thiếu kinh nghiệm thực tế trong môi trường kinh doanh.
Tôi không phải là người “sính ngoại” nhưng rất ủng hộ việc đưa môn kinh doanh vào chương trình đào tạo trung học, giống như chương trình lớp 9 của Trường Việt Úc mà con gái tôi theo học. Trong đó, học sinh được dạy cách lập phương án kinh doanh, hiểu biết về các mô hình kinh doanh và thực tập về chiến lược kinh doanh. Tôi đánh giá rất cao chương trình học này và cho rằng đây là môn học cần thiết để giúp các em học sinh hiểu về kinh doanh và có những định hướng nghề nghiệp sớm.
Theo một thống kê “bỏ túi” thì trong hai năm trở lại đây, cứ 100 người khởi nghiệp có đến 80% đứng trước nguy cơ giải thể trong năm đầu tiên. Có ba nguyên nhân chính là thiếu vốn, thiếu kiến thức về quản trị điều hành doanh nghiệp và thiếu kinh nghiệm thực tế trong môi trường kinh doanh.
Cách làm khá phổ biến hiện nay là các bạn trẻ xây dựng dự án kinh doanh rồi kêu gọi nguồn đầu tư. Anh có cho đây là cách khởi nghiệp khả thi?
Một dự án kinh doanh muốn thu hút nhà đầu tư thì cần đảm bảo ba yếu tố là: ý tưởng kinh doanh khả thi, môi trường kinh doanh thuận lợi và đội ngũ thực hiện dự án tốt. Các nhà đầu tư hiện nay thường than phiền là họ chưa có niềm tin đối với đội ngũ thực hiện dự án.
Các bạn trẻ ngày nay rất tự tin, mạnh mẽ để tự tạo ra việc làm cho bản thân mình và cho nhiều người khác nhưng lại thiếu chỉ số vượt khó. Trong khi đó, nhà đầu tư thường đánh giá cao chỉ số vượt khó của các bạn khởi nghiệp, mà quan trọng nhất là thái độ sống tích cực, biết yêu thương, hỗ trợ và giúp đỡ người khác, biết nhìn ra những mặt tích cực nơi người, nơi đời và biết sẵn lòng học hỏi từ người khác. Thái độ tích cực không những mang lại nhiều ích lợi lớn lao cho đời sống của mỗi cá nhân, mà còn có sức lan rộng, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người chung quanh. Hầu hết các bạn trẻ khởi nghiệp đều hướng đến mục tiêu lợi nhuận cao. Làm giàu là mục tiêu chính đáng, nhưng cố gắng làm giàu thật nhanh rất dễ dẫn đến thất bại trong khởi nghiệp.
Anh cũng từng làm giàu rất nhanh khi trở thành triệu phú đôla từ năm 35 tuổi?
Tôi từng được thưởng tiền khi làm quản lý tốt nhưng tôi chưa từng giàu có. Thật lạ là dù tôi đã trải qua một tuổi thơ khốn khó, ăn cơm độn bo bo, vất vả từ nuôi heo, bò, thỏ, đến đào trùn, trồng bắp, trồng đậu… nhưng tôi không có động lực muốn làm giàu bằng mọi giá. Tôi chỉ luôn muốn làm thật tốt mọi công việc được giao.
Tôi cũng khó trở thành người giàu có vì tôi rất ham chơi. Tôi mê đi du lịch, khám phá những vùng đất mới và muốn trải nghiệm cuộc sống ở mức tối đa. Tôi may mắn vì có điều kiện để trải nghiệm, để khám phá và nhờ vậy phần nào hiểu mình, hiểu đời. Càng đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, tôi càng nhận ra sự hiểu biết và tâm hồn của mình chật hẹp và tự thấy mình kém cỏi, cần phải trải nghiệm và dấn thân nhiều hơn nữa.
Không chỉ mê đi đây đi đó, tôi còn đam mê bóng đá nữa. Khoảng một tuần nữa tôi lại có mặt ở nước Anh để không bỏ lỡ trận đấu của câu lạc bộ Manchester yêu thích. Một doanh nhân quen biết từng nói với tôi là anh cũng muốn có những chuyến đi thú vị như tôi nhưng không thể thực hiện được. Như nhiều doanh nhân thời bận rộn khác, anh ấy không thiếu tiền, chỉ thiếu thời gian. Tôi nghĩ rằng tiền bạc không mua được những khoảnh khắc hạnh phúc hay những trải nghiệm trong cuộc đời nên tôi chỉ sống cho từng khoảnh khắc, tận hưởng cuộc sống bất cứ lúc nào có thể. Như khi có một chiếc áo mới, tôi sẽ thay ngay chiếc áo cũ chứ không để dành một dịp đặc biệt như cách nhiều người vẫn làm.
Dù tôi đã trải qua một tuổi thơ khốn khó, ăn cơm độn bo bo, vất vả từ nuôi heo, bò, thỏ, đến đào trùn, trồng bắp, trồng đậu… nhưng tôi không có động lực muốn làm giàu bằng mọi giá.
Làm nhiều và chơi cũng không ít, làm sao để anh có đủ thời gian cho cả chuyện làm lẫn chuyện chơi?
Thật ra tôi cũng phải đánh đổi những ngày cuối tuần bên gia đình để có thời gian cho việc giảng dạy và làm giám khảo cho các chương trình khởi nghiệp. Mẹ tôi, một phụ nữ Huế nghiêm trang và khó tính, cũng thường “càm ràm” là tôi làm việc quá nhiều, không quan tâm đến sức khỏe. Nhưng tôi tự thấy mình sắp xếp công việc rất tốt mà sức khỏe vẫn đảm bảo đấy thôi.
Thời học đại học là quãng thời gian tôi tham gia rất nhiều thể loại hoạt động: đi học, đá banh, làm thêm, dạy kèm, hoạt động Đoàn, tham gia nghiên cứu khoa học, viết báo, sáng tác, đi chơi với bạn gái… Và điều đáng nói là tôi luôn tìm đủ thời gian để làm cả mớ việc như thế. Đến bây giờ dù bận rộn trăm công nghìn việc, tôi vẫn chú ý rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian rất đơn giản. Tôi luôn lên kế hoạch cụ thể các việc cần làm trong ngày và phân loại thành các mục: việc phải làm ngay, việc sẽ làm và việc không cần thiết. Mỗi ngày tôi coi lại kế hoạch, đưa các việc sẽ làm đã ghi hôm qua vào danh sách làm ngay trong ngày, rồi ghi tiếp các việc sẽ làm cho ngày mai ngày kia. Với các việc không cần thiết, tôi sẽ gạt bỏ khỏi danh sách để không nặng đầu và mất thời gian. Đó là cách để tôi có thể làm việc hiệu quả mà trông vẫn thong dong.
Trông anh càng thong dong hơn với chiếc xe đạp thể thao vào những buổi sáng đầu tuần. Điều thú vị của việc đi làm trên chiếc xe đạp là gì?
Đi xe đạp có nhiều điều thú vị lắm. Trước đây, khi ngồi trên chiếc xe hơi, tôi thường xuyên phải chú ý quay kiếng lên vì sợ bụi. Còn bây giờ, vừa đạp xe vừa hít thở khí trời và hít luôn bụi khói, tôi thấy cũng không có vấn đề gì đáng ngại, chỉ thấy mình được hòa mình trong không gian tươi mới của Sài Gòn buổi bình minh.
Những ai đã đi xe đạp rồi mới hiểu thế nào là mỏi gối chồn chân khi leo dốc. Hạnh phúc đôi khi đơn giản là được thả dốc, nghỉ chân sau một đoạn đường gò lưng leo dốc. Khi đạp xe tôi hay nghĩ đến nguyên tắc sống đơn giản hơn. Thế giới hiện đại đang quay cuồng với biết bao nhiêu thứ phức tạp đang làm cho cuộc sống con người trở nên rối rắm và lẩn quẩn. Vì vậy, giá trị của sự đơn giản ngày càng được đề cao. Tôi đã đọc ở đâu đó rằng cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên phong phú không phải nhờ tích cóp hay sở hữu nhiều thứ mà vì biết buông bỏ những gì không cần thiết, để đời thêm nhẹ gánh, giản đơn. Còn hạnh phúc không phải là kiếm thật nhiều tiền mà đơn giản là sáng muốn đi làm và tối muốn về nhà!
Cảm ơn anh về buổi trò chuyện thú vị!
Xuân Lộc (DNSGCT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Nguyễn Tuấn Quỳnh: Sống đời chia sẻ

    Nguyễn Tuấn Quỳnh: Sống đời chia sẻ

    05/04/2018 1:19 PM

    So với nhiều gương mặt doanh nhân, tên tuổi Nguyễn Tuấn Quỳnh được cộng đồng chú ý hơn vì anh có rất nhiều hoạt động dành cho cộng đồng.

  • Tôi làm nhiều mà chơi cũng không ít

    Tôi làm nhiều mà chơi cũng không ít

    04/09/2015 10:30 AM

    Nguyễn Tuấn Quỳnh hiện là thành viên hội đồng quản trị của ba công ty, gồm: Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Công ty cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn và Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam. Anh mới nhận chức Tổng giám đốc của Công ty cổ phần Alpha Books và là người sáng lập của một số công ty khác. Ngoài ra, anh còn giữ vị trí Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh.

  • Trải nghiệm tìm giá trị

    Trải nghiệm tìm giá trị

    27/05/2013 9:45 AM

    Được biết đến như một trong những doanh nhân trẻ có khả năng đảm nhiệm cùng lúc nhiều cương vị khác nhau, ở những DN khác nhau, cuối năm 2012, doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh khiến nhiều người ngạc nhiên khi anh từ nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc CTCP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ). Sau đó, trái ngược với dự định “nghỉ hưu”, anh nhận lời đảm nhiệm một vị trí mới tại SFC - Cty CP nhiên liệu Sài Gòn. Những trải nghiệm mới khiến “nhân sự cấp cao” như anh khó có thể nghỉ ngơi.

  • Làm 'ông chủ' cũng phải được đào tạo

    Làm 'ông chủ' cũng phải được đào tạo

    21/10/2012 11:08 AM

    Chúng ta đòi hỏi CEO kinh nghiệm, bằng cấp, năng lực nhưng thành viên HĐQT chỉ cần trên 18 tuổi. Lương CEO vài trăm triệu còn HĐQT chỉ vài triệu vì cổ đông nghĩ việc của họ rất đơn giản.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.