Tại kỳ họp Quốc hội lần này, Chính phủ sẽ trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, theo đó sẽ tăng loại thuế này với các mặt hàng: rượu, bia, dịch vụ casino…BizLIVE đã phỏng vấn ông Bùi Đức Thụ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội về vấn đề này.

Ông Bùi Đức Thụ: Ảnh: Hà Anh.

Thưa ông, theo đề xuất của Chính phủ, mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đánh vào các mặt hàng rượu, bia khá cao. Ông có quan điểm thế nào về đề xuất này ?

Về nguyên tắc thuế TTĐB nhằm hạn chế tiêu thụ một số mặt hàng như: rượu, bia, thuốc lá, casino… mà ta không khuyến khích tiêu dùng.

Đề xuất tăng thuế TTĐB với rượu, bia… tôi thấy không hợp lý vì căn cứ để đánh thuế là trên cơ sở đánh giá tác hại của mặt hàng đó với sức khỏe con người, vào độ cồn.

Hiện nay, bia có độ cồn từ 6-8 độ, nay đánh thuế hơn gấp đôi tôi cho là không phù hợp.

Nếu căn cứ vào độ cồn và sự nguy hại với sức khỏe thì thực tế, ngày nay, bia là loại đồ uống, có tính chất giải khát phổ biến của người lao động.

Chúng ta lại đánh quá cao vào cái đó có phù hợp không? Bia đánh mức thuế cao như vậy, cao gấp đôi mức thuế đánh vào casino - một dịch vụ có tính chất là đánh bạc.

Tôi cho rằng, nên tính mức thuế hợp lý hơn với bia và chỉ đồng ý nâng thuế TTĐB lên mức cao với dịch vụ kinh doanh casino.

Theo ông, việc điều chỉnh tăng cao các mức thuế này sẽ có những tác động thực tế nào ?

Thuế đánh quá cao thì đó là phần thưởng lớn cho những đối tượng trốn lậu thuế bất hợp pháp.

Không chỉ người dân có thể chuyển qua sử dụng đồ bia, rượu tự nấu có thể nguy hại đến sức khỏe hơn mà họ còn sử dụng hàng buôn lậu.

Trong điều kiện đường biển ta dài như vậy, đường biên giới đất liền cũng dài trên 3.000 km khó kiểm soát thì việc đánh thuế cũng cần phải tính đến khả năng quản lý.

Nếu thuế càng cao, sẽ vô hình chung khuyến khích buôn lậu, làm hàng giả ngày càng nhiều.

Bài học cho việc nâng thuế TTĐB với hàng thuốc lá dẫn đến buôn lậu rất trầm trọng (thất thoát 5.000 tỷ đồng/năm) vẫn còn nguyên đó.

Cho nên, tôi cho rằng, chính sách thuế TTĐB không nên chỉ coi như giải pháp tài chính mà phải đặt trong môi trường kinh tế vĩ mỗ, điều kiện quản lý, thực tiễn ở Việt Nam.

Hiện nay, yêu cầu tăng thu ngân sách rất cao, liệu chính sách này có bổ sung được nguồn thu đáng kể để đáp ứng yêu cầu này không, thưa ông ?

Nếu chỉ vì cân đối ngân sách mà để tăng thu thì chỉ cân đối được trước mắt thôi chứ dài hạn nó sẽ làm cho hoạt động kinh tế trong lĩnh vực đó thui chột và chính nó tác động tiêu cực đến nguồn thu và làm cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực đó khó khăn, hoạt động không bình thường.

Chính phủ nên xác định rõ hơn mục tiêu để cân nhắc liều lượng cho hợp lý.

Mặc dù yêu cầu tăng thu lớn, đảm bảo cân đối ngân sách nhưng nó cũng phải phù hợp với khả năng chịu đựng của doanh nghiệp, thực tế của nền kinh tế.

Thuế mà thay đổi nhiều dễ tạo ra đầu cơ, Thuế nên ổn định để doanh nghiệp có thể định hướng, tiên liệu được. Chứ nếu điều chỉnh lớn, quá đột ngột, gây sốc với nền kinh tế thì nó sẽ ảnh hưởng.

Riêng chính sách thuế với sản xuất ôtô, ông thấy có đề xuất của Chính phủ có điểm gì chưa ổn ?

Thuế TTĐB với ô tô có lộ trình rồi, mình sửa đổi có lộ trình chứ không tạo nên cú sốc với nhà sản xuất.

Tất nhiên việc tăng thuế với sản xuất ô tô trong bối cảnh 9 tháng đầu năm 2/3 số doanh nghiệp báo không có lãi, 47.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động…thì thời điểm chúng ta xử lý tăng thuế này là sẽ gây khó khăn thêm cho doanh nghiệp.

Cái này Chính phủ trình, Quốc hội sẽ phải cân nhắc. Thu ngân sách là một mục đích nhưng có mục đích khác là chúng ta phải hỗ trợ được sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển.

Riêng với ngành sản xuất ô tô, tôi cho rằng trong nhiều năm qua, mặc dù có chính sách ưu đãi cho chương trình nội địa hóa sản xuất ô tô, trong đó có những chính sách ưu đãi về thuế nhưng nhưng ngành công nghiệp ô tô không thành công, vẫn là gia công, lắp ráo là chủ yếu, giá trị gia tăng thấp.

Trong hội nhập quốc tế, 2018, chúng ta sẽ gia nhập hoàn toàn vào WTO về công nghiệp ô tô, thuế suất bằng 0% thì cạnh tranh trong lĩnh vực này rất lớn, đe dọa sự tồn tại ngành ô tô của Việt Nam. Cho nên, nếu không có chính sách phù hợp trong thời gian tới chúng ta sẽ còn phải trả giá.

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, Việt Nam khó sản xuất toàn bộ một chiếc xe nhưng có thể sản xuất được một số chi tiết như săm lốp do ta có nguồn nguyên liệu cao su rất lớn và rẻ. Vấn đề ta phải lựa chọn khâu nào mà trong chuỗi sản xuất đó để có thể tham gia.

Theo tờ trình của Chính phủ điều chỉnh tăng thuế suất đối với mặt hàng thuốc lá theo lộ trình: từ ngày 1/1/2016 tăng từ 65% lên 70%; từ ngày 1/1/2019 tăng từ 70% lên 75%. Với mức tăng này, Chính phủ đặt mục tiêu giảm tỷ lệ thuốc lá của nam giới hiện ở mức 47,7% xuống 39% vào năm 2020.

Với mặt hàng rượu, Chính phủ đề nghị tăng từ mức thuế suất thuế TTĐB hiện hành từ 50% lên thuế suất 65% (tăng 15%) đối với rượu từ 20 độ trở lên; tăng từ mức thuế suất 25% lên thuế suất 35% (tăng 10%) đối với rượu dưới 20 độ.

Với mặt hàng bia, Chính phủ đề nghị tăng thuế TTĐB từ ngày 1/7/2015 từ mức 50% hiện hành lên 55%; từ ngày 1/1/2017 tăng lên 60%; từ ngày 1/1/2018 tăng lên 65%.
Hà Anh (BizLive)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • “Thuế tiêu thụ đặc biệt quá cao là phần thưởng cho kẻ trốn lậu thuế”

    “Thuế tiêu thụ đặc biệt quá cao là phần thưởng cho kẻ trốn lậu thuế”

    23/10/2014 10:35 PM

    Tại kỳ họp Quốc hội lần này, Chính phủ sẽ trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, theo đó sẽ tăng loại thuế này với các mặt hàng: rượu, bia, dịch vụ casino…BizLIVE đã phỏng vấn ông Bùi Đức Thụ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội về vấn đề này.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.