CafeLand - Doanh nghiệp khi thực hiện đầu tư ra nước ngoài cần lưu ý một số quy định về điều kiện, thẩm quyền chấp thuận và cấp phép, nghĩa vụ, …

Thứ nhất, về điều kiện, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau đây khi đầu tư ra nước ngoài theo hình thức đầu tư trực tiếp (tức doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư và tham gia quản lý hoạt động đầu tư):

a) Có dự án đầu tư ra nước ngoài

b) Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam;

c) Được cơ quan nhà nước quản lý đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo hình thức đầu tư gián tiếp (mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu,… mà không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư), doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của pháp luật về ngân hàng, chứng khoán, cũng như những quy định khác có liên quan.

Thứ hai, về thẩm quyền chấp thuận và cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với (i) các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ngân hàng, kinh doanh bảo hiểm, tài chính, tín dụng, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông có vốn từ 300 tỷ đồng Việt Nam trở lên; (ii) dự án đầu tư có vốn từ 600 tỷ đồng Việt Nam trở lên sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư; và (iii) các dự án khác không cần chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ ba, về thời hạn triển khai dự án đầu tư, trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, doanh nghiệp phải được nước tiếp nhận chấp thuận đầu tư và trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày dự án đầu tư được nước tiếp nhận chấp thuận, doanh nghiệp phải triển khai thực hiện dự án. Quá thời hạn này, doanh nghiệp phải có văn bản đề nghị chấm dứt dự án gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc có văn bản nêu rõ lý do và đề nghị kéo dài thời hạn triển khai dự án. Tuy nhiên, việc gia hạn triển khai dự án đầu tư cũng chỉ được thực hiện không quá 2 lần, mỗi lần không quá 6 tháng.

Thứ tư, về tuyển dụng lao động, doanh nghiệp được trực tiếp hoặc thông qua tổ chức giới thiệu việc làm để tuyển dụng lao động Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và của nước tiếp nhận đầu tư để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người lao động Việt Nam tại nước ngoài.

Thứ năm, về nghĩa vụ tài chính, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định pháp luật. Cụ thể, doanh nghiệp phải thực hiện kê khai, nộp thuế và đề nghị hoàn thuế (nếu có) đối với các loại thuế theo quy định sau:

- Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu: Hàng hóa bao gồm máy móc, thiết bị, bộ phận rời xuất khẩu ra nước ngoài , khi thanh lý hoặc kết thúc dự án nếu nhập trở lại Việt Nam thì không phải nộp thuế nhập khẩu và được xét hoàn lại số thuế xuất khẩu đã nộp (nếu có).

- Thuế giá trị gia tăng (GTGT): Hàng hóa là máy móc, thiết bị, bộ phận rời và vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu được áp dụng thuế suất 0% và được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Hàng hóa xuất khẩu dưới hình thức tạm xuất, tái nhập; nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT khi nhập khẩu. Hàng hóa là máy móc, thiết bị, bộ phận rời khi thanh lý hoặc kết thúc dự án nếu được phép nhập khẩu trở lại Việt Nam là đối tượng áp dụng thuế GTGT theo quy định pháp luật hiện hành.

- Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN): Doanh nghiệp có thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại nước ngoài phải thực hiện kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và nước ngoài (nếu có) và pháp luật về thuế TNDN của Việt Nam; kể cả trường hợp doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế TNDN theo quy định của nước ngoài. Mức thuế suất thuế TNDN đối với các khoản thu nhập từ nước ngoài là 25%. Trường hợp khoản thu nhập tại nước ngoài đã chịu thuế TNDN ở nước ngoài, khi tính thuế TNDN phải nộp tại Việt Nam, doanh nghiệp được trừ số thuế đã nộp ở nước ngoài, nhưng số thuế được trừ không vượt quá số thuế TNDN tính theo quy định của Luật thuế TNDN Việt Nam.

Lưu ý, ngoài những nghĩa vụ tài chính nêu trên, doanh nghiệp còn phải thực hiện các nghĩa vụ khác như: báo cáo tình hình hoạt động của dự án đầu tư, thanh lý dự án đầu tư theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư ngay sau khi kết thúc dự án đầu tư, trường hợp có lợi nhuận thì phải chuyển toàn bộ lợi nhuận và các khoản thu nhập khác từ dự án đầu tư về Việt Nam,…

Doanh nhân CafeLand kết hợp với Công ty Luật PLF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.