Từ một nông dân nghèo, ông Dương Văn Thanh dựng nên trang trại trồng và kinh doanh khóm (hay còn gọi là dứa gai) lớn nhất ĐBSCL với diện tích trên 100 ha, doanh thu mỗi năm trên 80 tỷ đồng.

Lão nông Dương Văn Thanh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở huyện Gò Quao (Kiên Giang). Ông tham gia cách mạng đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, rồi lập gia đình và trụ lại ở đất Hậu Giang.

Ông Thanh kể, xưa kia vùng này hoang vắng, cây rừng um tùm không bóng người, đất đai bị nhiễm phèn nặng đến nỗi dưới nước không có con cá nào sống, trên bờ không thể trồng cây gì, nên ít người dám vào khai hoang. Có 1,3 ha đất được nhà nước cấp sau giải phóng, hai vợ chồng bỏ công thao chua rửa phèn, nhưng trồng cây gì cũng chết sạch.

Đang loay hoay không biết phải sản xuất ra sao thì tình cờ, ông thấy phía sau nhà có một bụi khóm tuy không được chăm sóc nhưng vẫn phát triển tốt, cho trái ăn rất ngọt. Chính từ đó ông bật lên ý tưởng trồng loại cây này. Vợ chồng ông bắt đầu ngày đêm cày cuốc, liên liếp trồng khóm. “Năm đầu tiên trồng nhưng không có vốn, bạn tôi phải giúp toàn bộ số tiền mua giống cho ruộng khóm 1,3ha. May mắn là ngay vụ đầu tôi đã thu trên 20 tấn khóm, hai vợ chồng mừng muốn khóc”, ông Thanh chia sẻ.

Xuất thân từ nông dân nghèo, ông Thanh trở thành tỷ phú khóm với doanh thu mỗi năm trên 80 tỷ đồng. Ảnh: Ngọc Trinh.

Có trong tay số tiền bán khóm trái, cộng thêm tiền bán giống cho bà con trong xóm, ông tiếp tục đầu tư vào loại cây này. Khi cuộc sống gia đình đã hết chật vật, ông mua thêm đất lân cận mở rộng diện tích trồng khóm. "Lúc nghèo, có thời gian đi trồng khóm thuê, tôi đã học được một số kỹ thuật, cộng thêm kinh nghiệm rút tỉa qua nhiều vụ nên năm nào ruộng khóm của nhà tôi cũng cho năng suất cao. Có thể nói từ năm 1980, tôi đã thành công trong việc xử lý cho khóm ra hoa đồng loạt", ông chia sẻ.

Dẫn chúng tôi tham quan trang trại khóm bạt ngàn, con đường bê tông rộng 1,2m vừa để vận chuyển khóm vừa là bờ bao, xe gắn máy chạy mất gần 30 phút mới giáp hết ruộng, ông Hai Thanh cho biết, cây khóm thích nhất là vùng đất phèn, người trồng không tốn nhiều công chăm sóc, vì chúng có sức chịu đựng hạn tốt, cây ít sâu bệnh mà lại cho trái ngon và ngọt. Khóm từ lúc trồng đến thu hoạch chỉ mất ít nhất 18 tháng, mà có thể ăn từ 7-8 năm mới phải cải tạo, trồng mới lại.

Diện tích rộng bạt ngàn, ông Thanh hàng ngày thường đi thăm ruộng khóm bằng xe gắn máy.

Hiểu rõ và thấy tìm năng của khóm rất lớn, ông tiến thêm một bước là làm lái khóm, vận chuyển bỏ mối cho bạn hàng khắp các tỉnh ĐBSCL và TP.HCM. Từ những chuyến ghe ngược xuôi đây đó, ông làm quen được nhiều bạn hàng và nhận thấy nhu cầu tiêu thụ khóm Cầu Đúc của Hậu Giang rất lớn. Đến năm 1995, ông chuyển sang mua xe tải mang khóm đi giao cho bạn hàng ở chợ và các công ty chế biến nông sản từ Cà Mau đến Bình Dương. Nhờ vận chuyển bằng xe có thể đi xa nên số lượng giao cũng tăng gấp 4-6 lần chở ghe.

Thấy nhu cầu và mối lái ngày càng rộng, ông nghĩ đến ý tưởng thuê đất mở trang trại trồng khóm Cầu Đúc. Năm 2003, ông Hai Thanh thành lập Doanh nghiệp tư nhân Dương Thanh, chuyên sản xuất và tiêu thụ khóm. Năm 2006, ông quyết định ký hợp đồng thuê hẳn 100 ha đất với thời gian 20 năm, để mở trang trại trồng khóm. “Vùng đất phèn này ngoài khóm ra thì chẳng còn trồng được cây gì nữa. Để có được 100 ha khóm cho trái như ngày hôm nay, tôi đã mất rất nhiều công sức cải tạo đất”, ông Hai Thanh bộc bạch.

Chưa dừng lại ở đó, ông còn bỏ ra gần 3 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng, đào kênh, xây dựng toàn bộ hệ thống đê bao khép kín, làm đường bê tông kiên cố bao trọn trang trại để chủ động nguồn nước tưới tiêu cũng như vận chuyển khi thu hoạch. Vùng thu mua của ông cũng được mở rộng ra toàn huyện.

Khóm Cầu Đúc thường được trồng vào tháng 5 - 6 dương lịch để tận dụng nguồn nước mưa, giúp tiết kiệm chi phí bón phân và nước tưới. Khi khóm được 15 tháng thì xử lý ra hoa, một tháng sau tiếp tục bón nhiều loại phân có kali giúp trái ngọt hơn. Khoảng 4 tháng từ khi xử lý ra hoa sẽ thu hoạch trái đợt 1. Năng suất khóm của trang trại ông đạt từ 20 - 25 tấn/ha/năm, bình quân mỗi trái nặng từ 1,2-1,5kg.

Theo ông Thanh, những năm gần đây, khi cây khóm phát triểm mạnh, vào mùa rộ thường rớt giá thê thảm. Rút được kinh nghiệm này, ông xử lý cây cho trái nghịch vụ, có thể chia ra 4 đợt thu hoạch trong năm. Nhờ rải vụ mà khóm luôn bán được giá cao gấp 3-4 lần so với vụ thuận (tháng 4-5 âm lịch). Cách xử lý ra trái nghịch vụ của ông rất đơn giản, khi khóm sắp ra hoa thì bón thúc phân NPK, khóm sẽ cho trái muộn 3-4 tháng sau.

Hiện mỗi năm DN tư nhân Dương Thanh bỏ mối cho các nhà máy chế biến ở ĐBSCL và TP.HCM trên 25.000 tấn khóm, tính ra trung bình mỗi ngày tiêu thụ khoảng 30 -70 tấn, với doanh thu khoảng 80 tỷ đồng/năm. Doanh nghiệp ông cũng đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 60 lao động tại chỗ với mức lương 3,5 đến 4,5 triệu/tháng. Ông Hai Thanh cho biết, ông cũng đang trồng thêm 20 ha khóm ở Tây Ninh và có kế hoạch thuê đất mở rộng lên hàng trăm ha khóm tại vùng đất này.

Ngọc Trinh (Zing)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.