CafeLand - VistaJet là công ty máy bay tư nhân phát triển nhất thế giới được sở hữu bởi doanh nhân người Thụy Sĩ Thomar Flohr, tên tuổi của nó đã vượt qua cả NetJets của tỉ phú Warren Buffett. Với VistaJet, Flohr đã mang đến cho ngành hàng không một bước đột phá và phục vụ lợi ích thiết thực của khách hàng.

Thomas Flohr (bên trái) và chủ tịch của Bombardier Steve Ridolfi trong giao dịch lớn nhất lịch sử ngành hàng không.

VistaJet có trụ sở tại Thụy Sĩ và các chi nhánh tại London, Frankfurt, Beijing, Matxcova, Lagos, Dublin, Hong Kong, Malta và New York. Với đội ngũ nhân viên gồm 500 người và có tổng cộng 42 máy bay.

Điểm khác biệt giữa VistaJet với các hãng hàng không khác là nó được sở hữu 100% bởi một người chủ. VistaJet chưa từng một lần công bố lợi nhuận của nó. Tuy nhiên, Florh cho biết, năm ngoái, công ty của mình đã chuyên chở tổng số lượng 27.000 hàng khách trên 11.000 chuyến bay đến 137 đất nước và tăng doanh thu 27%. Năm ngoái, Vistajet đã kí kết một hợp đồng đặt hàng lớn nhất trong lịch sử hàng không khi mua 56 máy bay của Bombardier trị giá 7,8 triệu USD. Vistajet còn dự kiến mua thêm 86 chiếc máy bay trong thời gian tiếp theo.

Từ máy bay cá nhân đến phát triển một thương hiệu

Mọi chuyện bắt đầu khi Flohr mua chiếc máy bay riêng đầu tiên của mình vào năm 2003, thời gian không sử dụng nó, anh đã cho thuê lại, nhận thấy lợi nhuận, anh đã mua chiếc thứ hai không lâu sau và tham khảo ý kiến của các chuyên gia để phát triển một công ty kinh doanh cho thuê máy bay riêng, mà chính là VistaJet sau này.

Flohr vốn muốn tham gia vào thị trường máy bay cá nhân dưới hình thức fractional aircraft (khách hàng sẽ đóng góp 25% giá trị của máy bay và các chi phí bảo trì, vận hành). Tuy nhiên, anh nhận thấy không có hãng hàng không nào trên thế giới mang đến cho khách hàng một chuyến bay đáng với số tiền mà họ phải chi trả. Khách hàng phải trả 30.000 USD cho một chuyến bay như vậy nhưng họ chỉ được phục vụ cafe từ máy trong một chiếc cốc Styrofoam hay một miếng phomat trong một chiếc khay nhựa, tiếng ồn cũng là một nhược điểm nữa. “Tuy nhiên, với một chiếc máy riêng, tôi có thể đến 4 thành phố trong một buổi sáng và dùng bữa trưa hay bữa tối ở một nơi khác, bạn không thể hiểu cảm giác đó nếu chưa trải nghiệm trên một phi cơ riêng biệt.” Flohr nói.

Và vì vậy, VistaJet của Flohr ra đời, mang đến những chuyến bay tiện lợi, thoải mái và có thể đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng muốn đến bất kì đâu, điều mà trước đó chưa hãng hàng không nào làm được. Flohr đã đi ngược lại logic trong ngành khi không cho xây dựng trung tâm bay. Thay vào đó, anh cho sử dụng hơn 40 trung tâm dịch vụ trên toàn thế giới của Bombardier. Phi công của VistaJets sau khi hoàn thành nhiệm vụ phải quay lại các trung tâm này vì chuyến bay của VistaJet là chuyến bay một chiều.

Flohr lại tiếp tục mua về thêm 3 máy bay sau đó, các máy bay của VistaJet đều được khách hàng quan tâm và đặt hàng kín. Anh bắt đầu đầu tư hơn để thấy chứng minh tầm nhìn của mình về thị trường là đúng. Năm 2008, VistaJet đã mua lại Skyjet International của Bombardier để mở rộng mạng lưới của mình ra toàn cầu. Khủng hoảng kinh tế ập đến ngay khi Flohr vừa mua một loạt máy bay mới của Bombardier trị giá 1,2 tỷ USD. Không hề nản chí, Flohr đã cho giảm giá các chuyến bay và hạn chế hoạt động của một số máy bay nhất định. Nhờ vậy, VistaJet đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng.

Khác biệt tạo nên thành công

Vậy tại sao nhiều doanh nhân lại muốn dùng dịch vụ của VistaJet thay vì mua cổ phần cho chuyên cơ fractional jet (một trong những chương trình của Netjets). Với fractional jet, những khách hàng có nhu cầu bay 200 giờ mỗi năm phải trả 24% giá trị của chuyên cơ và chi phí vận hành, bảo trì. Tuy nhiên, với dịch vụ của VistaJet, họ chỉ cần trả một mức giá rẻ hơn nhiều cho mỗi giờ bay. Nếu khách hàng bay khoảng 200 giờ mỗi năm, họ chỉ phải trả trước một phần năm số tiền cọc cho cả năm như khi thuê một căn hộ. Khách hàng không hề chịu một chi phí rủi ro nào cả. Đây là sư khác biệt giúp VistaJet tăng trưởng trung bình 20 đến 25% mỗi năm.

Mở rộng mạng lưới

Trong khi không có doanh nghiệp nào trong ngành này lựa chọn đầu tư vào thị trường mới nổi thì VistaJet lại đi ngược lại. Ngay khi NetJets rút khỏi Trung Đông, Florh đã quyết định đưa công ty thâm nhập các thị trường thuộc hệ thống Liên Xô cũ, các nước Châu Á và Châu Phi. Theo Florh, tiềm năng của những thị trường nay chưa được quan tâm đúng tầm.

Với hệ thống máy bay mới vừa được nhập về, Flohr đang ấp ủ tham vọng mở rộng phạm vi bay đến các khu vực miền sâu trên thế giới. Để đánh giá chính xác kế hoạch này, anh đã tự mình bay đến 27 thành phố trên thế giới bao gồm Ulan Bator, Mongolia, Vladivostok, Russia và Luanda, Angola. Anh thực hiện kế hoạch này với tổng số giờ bay là 36 tiếng thay vì 5 ngày trên các chuyến bay thông thường và qua đó truyền đi thông điệp “hãy sử dụng thời gian của bạn một cách thông minh nhất.”. Không những vậy, tất cả các máy bay của VistaJet hiện nay đều được trang bị internet tốc độ cao và Menu thực đơn được đầu bếp nhà hàng Nobu thực hiện, tất cả điều này để giúp khách hàng cảm nhận như họ đang ở trong một văn phòng cao cấp trên mây.

VistaJet cũng đã thâm nhập vào thị trường Mỹ vào tháng 3 sau thỏa thuận với Jet Aviation, một chi nhánh của General Dynamics, Mỹ được đánh giá là thị trường hàng không quy mô nhất toàn cầu. “Ngay trong tháng đầu tiên, công ty đã khá thành công. Dịch vụ của chúng tôi được công nhận là tốt nhất, các khách hàng đều ngạc nhiên bởi hệ thống nội thất bên trong máy bay và sự chú ý đến từng chi tiết”, Flohr nói

Với thành công hiện tại, Flohr tin rằng VistaJet có đủ cơ sở để tiếp tục tăng trưởng mức 20-25% trong vòng 3 đến 4 năm tới.

Vẫn tiếp tục sở hữu 100%?

Từ năm 2011, nhiều ngân hàng và các quỹ đầu tư tư nhân (private equity) ngỏ ý muốn sáp nhập hoặc mua lại VistaJet nhưng Flohr vẫn chưa quan tâm đến điều này. Anh vẫn tin đây là giai đoạn cần tập trung 100% sở hữu để phát triển kinh doanh. “Tương lai, VistaJet sẽ không thể thuộc sở hữu của 1 cá nhân nhưng sẽ cần những công ty có cùng chung chiến lược và giá trị đạo đức để phát triển VistaJet.” Flohr nói.

Đỗ Hương (Forbes)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.