Chuỗi cà phê Soho đang tăng trưởng tốt, môi giới đầu tư nước ngoài cũng "xuôi chèo mát mái" thì bỗng dưng Nguyễn Nam Huy lại rẽ sang con đường gai góc khi lập công ty sản xuất phần mềm và cho ra đời các sản phẩm máy tính bảng "made in Vietnam". Trước lời bàn tán "tham vọng quá!" của bạn bè, Huy bảo: "Nếu không có những người tham vọng và ôm giấc mơ lớn, làm sao thế giới có được Facebook và Google?".
Ông Nguyễn Nam Huy - Tổng giám đốc Công ty CP NAHI Việt Nam
* Có nghĩa anh thừa nhận tham vọng của mình không nhỏ?
- Trong đời người, ai cũng có những giấc mơ và tham vọng. Với tôi, đó là làm ra những sản phẩm phần mềm và tìm ra các giải pháp công nghệ có ích cho xã hội và cộng đồng. Trên thế giới đã có các ứng dụng kết nối hữu ích như Viber và Microsoft cũng mang lại cho con người lợi ích vô kể.
Những người trẻ Việt Nam với tham vọng, tri thức và quyết tâm thì chắc chắn không có gì là không thể. Tôi không biết mình có quá tham vọng không nhưng đã ôm giấc mơ thì không thể bước lùi.
Thú thật, khi thấy tôi chọn lĩnh vực này, nhiều người cảnh báo: "Với sản phẩm công nghệ, để nghiên cứu và sản xuất thành công đã là một đoạn trường, được thị trường đón nhận lại càng không đơn giản". Thế nhưng tôi vẫn quyết tâm theo hướng đi này vì hai lẽ, thời đi học tôi chơi... game rất giỏi và tốt nghiệp MBA ngành công nghệ thông tin.
* Vậy là anh sẽ sản xuất các phần mềm cho game? Liệu có mâu thuẫn với tham vọng "tạo ra sản phẩm có ích cho cộng đồng" khi xã hội đang cảnh báo tình trạng nhiều trẻ em mê chơi game dẫn đến nhiều hệ lụy không tốt?
- Chính vì hiện nay có nhiều game không tốt, ảnh hưởng đến hành vi và nhân cách trẻ em nên tôi mới nghiên cứu sản xuất game. Khi trò chuyện với bạn bè, tôi thường thấy họ bày tỏ lo lắng: Khó kiểm soát con cái khi trẻ em ngày càng có nhiều điều kiện tiếp cận các thiết bị công nghệ, chơi games quá nhiều dẫn đến cận thị, béo phì, chưa kể một số games bạo lực còn dẫn đến nhiều hệ lụy xấu.
Vì vậy, khi nghiên cứu máy tính bảng dành cho trẻ em - NAHI Kids, tôi đã ứng dụng bộ công cụ quản lý thông minh hỗ trợ bố mẹ trong việc theo dõi các nội dung và các games trên máy, quy định thời gian bé được chơi máy. Ngoài ra, máy còn là công cụ học tập theo kiểu "vừa chơi vừa học" thông qua những game nhỏ như làm toán, vẽ hình, tô màu, xếp chữ và có thêm ứng dụng hình ảnh, phim hoạt hình, nhạc thiếu nhi...
Khi sản phẩm đầu tiên ra mắt, nhiều bạn bè "chẳng ngại" nói thẳng: "Sẽ không cho con sử dụng máy tính bảng". Thế nhưng sau này chính họ lại tìm đến nhờ tôi tư vấn để mua NAHI Kids vì... không thể quản lý các con chơi games trên điện thoại, iPad. Đó cũng là động lực rất lớn để tôi tin sản phẩm của mình có ứng dụng hữu ích và tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm tiếp theo với nhiều giá trị cao hơn.
* Nhưng đến bây giờ NAHI Kids "made in Vietnam" vẫn có vẻ... khó ra thị trường?
- Thông thường, các công ty công nghệ phải trải qua hai năm đầu nghiên cứu sản phẩm, sau đó thăm dò thị trường rồi mới tăng vốn đầu tư sản xuất. Vì vậy, những năm qua NAHI chỉ tập trung vào nghiên cứu sản phẩm chứ không đẩy mạnh kinh doanh. Khi sản phẩm đã hoàn hảo chúng tôi mới xây dựng chiến lược bán hàng, quảng bá sản phẩm và mở kênh phân phối.
Song song đó vẫn tiếp tục đầu tư cải tiến, nâng cấp sản phẩm và nghiên cứu các sản phẩm mới. So với lộ trình đặt ra, hiện NAHI mới đạt 30% kế hoạch và chúng tôi vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các sản phẩm đầu tiên của NAHI đã đủ để kinh doanh và thực tế đã được thị trường và nhiều phụ huynh nhiệt tình đón nhận.
* Một số doanh nghiệp Việt Nam cũng có tham vọng làm sản phẩm "made in Vietnam", chẳng hạn như điện thoại di động, nhưng khi đưa sản phẩm ra thị trường thường hay bị "khen ít, chê nhiều", anh có chuẩn bị tinh thần cho điều này?
- Bất cứ sản phẩm nào khi mới ra đời cũng có nhiều ý kiến khen, chê. Song, nếu những lời chê có thiện chí, không mang tính gièm pha, đố kỵ thì vô cùng hữu ích. Bản thân tôi khi tung ra sản phẩm mới cũng rất muốn được nghe những lời khen, vì đó là động lực giúp nâng tinh thần mình lên.
Nhưng đồng thời cũng rất muốn được nghe những lời chê, những ý kiến đóng góp chân thành, vì đó chính là cách giúp sản phẩm luôn được cải tiến và hoàn thiện.
Hiện nay có rất nhiều sản phẩm và giải pháp phần mềm của Việt Nam đã thành công, được các công ty nước ngoài đánh giá cao và được ứng dụng rộng rãi trên thị trường. Ngay cả điện thoại sản xuất tại Việt Nam cũng có một số lượng người dùng và phân khúc nhất định.
Tôi tin sản phẩm của Việt Nam có chất lượng tốt, giá phải chăng, có nhiều ứng dụng hữu ích, giải pháp mới thì sẽ được đón nhận, đơn cử như NAHI 247 là sản phẩm đầu tiên trên thế giới dùng sức mạnh của cộng đồng để tạo ra giá trị cho cộng đồng và các thành viên tham gia nên cũng đang được nhiều nhà đầu tư đề nghị hợp tác sản xuất.
* Tự tin nhưng không có nghĩa anh không phải đối mặt với thách thức?
- Đúng vậy, thậm chí rất nhiều. Những năm đầu bộ máy chưa hoàn chỉnh, ngày nào tôi cũng có hàng đống công việc phải giải quyết và vô số nút thắt phải gỡ. Lúc đó tôi phải sắm rất nhiều vai, vừa quản lý, điều hành, vừa nghiên cứu công nghệ, vừa ra thị trường tìm thông tin, đi giao dịch, mua thiết bị, nhiều lúc còn kiêm luôn công việc marketing, văn phòng, làm hợp đồng, xuất nhập khẩu..., việc nào cũng đòi hỏi nhiều thời gian.
Đơn cử, chỉ một việc tìm nhà cung cấp phần cứng tôi cũng phải tìm kiếm và làm việc với hơn 200 đối tác mới chọn được hai nhà cung cấp. Và trong rất nhiều thách thức, nan giải lớn nhất của các công ty làm công nghệ là vốn và con người do nguồn nhân lực cho công nghệ thông tin hiện vẫn còn thiếu và ít kinh nghiệm.
Song, khi có sản phẩm thì một thách thức vô cùng khó nữa là phải có con người hiểu sản phẩm và có tâm. Bởi đây là sản phẩm công nghệ mới, lại của... Việt Nam, vốn thường bị "săm soi" rất kỹ, nếu không yêu, không hết lòng thì không thể đưa sản phẩm đến tay người dùng để họ hiểu hết những lợi ích và khác biệt của nó.
* Nhưng bằng cách nào anh truyền lửa cho nhân viên để họ cùng có tham vọng, yêu sản phẩm và cũng có giấc mơ như anh?
- Hãy làm bằng tất cả sự đam mê, sau đó phải chia sẻ. Song, muốn truyền lửa cũng phải theo nguyên tắc: Đúng người, đúng thời điểm vì một bộ máy cũng có giai đoạn cần thanh lọc, như một chiếc xe cũng có lúc phải thay bánh.
* Với những anh chị từng là CEO ở các tập đoàn công nghệ lớn, anh làm thế nào để "chiêu mộ” họ về với mình và truyền lửa cho họ khi tuổi đời và kinh nghiệm của anh đều thua họ?
- Để có sản phẩm tốt thì phải có đội ngũ giỏi, nhưng khi công ty còn non trẻ, chưa có thành tựu nổi bật thì việc "chiêu mộ” nhân sự giỏi quả không dễ. Và cách thu hút người tài của tôi không phải là đưa ra cho họ nhiều ưu đãi, lương bổng hậu hĩnh mà là cùng chia sẻ tham vọng, làm sao để họ thấy được giá trị sản phẩm mình làm ra có ý nghĩa đối với cộng đồng và tiềm năng phát triển.
Chính lòng nhiệt thành và sự thuyết phục, dĩ nhiên là "có lý” của tôi, đã khiến các anh chị tin tưởng hợp tác, tham vọng của tôi dần trở thành tham vọng của họ và bây giờ đã lan tỏa ra cả tập thể NAHI.
* Giả sử có người anh mời về làm việc vào thời điểm NAHI mới thành lập nhưng họ từ chối, rồi khi thấy Công ty phát triển, họ muốn quay lại, lúc đó anh có... tự ái và có muốn thu nhận họ không?
- Tôi thấy mừng chứ không có gì phải tự ái, vì điều đó chứng tỏ tôi đã đi đúng hướng và NAHI luôn cần người giỏi để phát triển nên tôi trân trọng sự hợp tác của tất cả mọi người.
Quan điểm của tôi là muốn thành công thì phải trọng nhân tài, không thể có sản phẩm lớn nếu không có bộ máy phối hợp nhịp nhàng và có cùng chí hướng, vì vậy, người lãnh đạo không nên để ý những điều nhỏ nhặt và càng không nên để bị chi phối bởi tình cảm cá nhân.
* Xin phép hỏi anh một câu tế nhị: Là con của một quan chức cấp cao, "bệ đỡ” này giúp anh có những bước khởi nghiệp thuận lợi và có lẽ công việc kinh doanh với anh cũng không quá bị áp lực về doanh thu?
- Một số người cũng hỏi tôi như vậy nhưng đó là khi họ chưa hiểu về tôi. Thực tế, tất cả những gì tôi đang làm là giấc mơ của riêng tôi, ngay cả vốn liếng cũng do tôi tích lũy từ thời du học. Những năm học ở Mỹ, tôi đã thích kinh doanh, tự lập, tôi từng đi làm thuê, mua hàng ở Mỹ, bán ở Úc, sau đó làm môi giới bất động sản và môi giới đầu tư.
Sau khi về Việt Nam, tôi mở chuỗi cửa hàng kinh doanh cà phê và tiếp tục làm môi giới bất động sản. Do vậy, các đối tác làm việc với NAHI bây giờ là từ các mối quan hệ làm ăn với tôi từ nhiều năm trước chứ không phải từ mối quan hệ của ba tôi hay gia đình.
* Anh vừa tiết lộ đang có nhiều công ty nước ngoài muốn hợp tác, cụ thể là góp vốn vào NAHI, vậy nếu sản phẩm của NAHI thành công thì dấu ấn của người đầu tiên tạo ra sản phẩm "made in Vietnam" sẽ không còn?
- Với công ty công nghệ thông tin thì sớm muộn gì cũng phải là công ty phục vụ đại chúng, vì mục tiêu của chúng tôi là làm ra sản phẩm tốt, có ích cho cộng đồng, doanh nghiệp.
Mà đã tốt thì sẽ có nhiều nhà đầu tư muốn góp vốn, khi đó sản phẩm mới được phát triển rộng rãi. Và đó chính là tài sản lớn nhất trong cuộc đời tôi muốn để lại cho xã hội, gia đình và nhất là con cháu của tôi về sau có được niềm tự hào. Khi NAHI thành công cũng có nghĩa là tôi và cả tập thể NAHI đã thàng công.
* Thường các doanh nghiệp khi có nhiều lợi nhuận mới trích ra làm từ thiện, riêng NAHI mỗi năm dành 5% doanh thu để đóng góp vào các hoạt động từ thiện xã hội và thường xuyên tổ chức cho nhân viên hiến máu nhân đạo, phải chăng vì trong sản phẩm NAHI 247 có chương trình kết nối cộng đồng làm từ thiện nên anh lấy NAHI "làm nền"?
- Người Á Đông xưa nay quan niệm, khi thành công rồi phải tạo lợi ích cho gia đình, dòng tộc trước khi trả ơn cho xã hội. Thời sinh viên tôi cũng từng nghĩ sau này đi làm, có nhiều tiền sẽ đóng góp cho các hoạt động thiện nguyện.
Tuy nhiên, khi du học, tôi đã thay đổi suy nghĩ: Không cần đợi đến khi thành đạt, có nhiều tiền mới làm từ thiện, vì vậy, với số tiền dành dụm từ đi làm thêm, tôi đã thường xuyên đóng góp cho các tổ chức nhân đạo ở Úc và cho quỹ giúp đỡ trẻ em nghèo ở các nước. Tôi vẫn giữ quan điểm này khi mở công ty và thực hiện với những sản phẩm mình có.
Ý nghĩa lớn nhất trong hoạt động kinh doanh của chúng tôi là không chỉ mang đến cho trẻ em những kiến thức công nghệ mà qua các trò chơi "chơi mà học, học mà chơi" lành mạnh, chúng tôi còn kết nối với thế giới bên ngoài để xây dựng kiến thức, văn hóa, kỹ năng sống... cho các em để mai sau các em bước vào đời tốt hơn.
Cụ thể như sản phẩm NAHI 247, chúng tôi đã ứng dụng các trò chơi với nhiều kiến thức về lịch sử, văn hóa, Anh văn, toán học..., giúp người chơi thu nạp được nhiều kiến thức về khoa học xã hội và tự nhiên.
Bên cạnh đó, thông qua các game giải trí, người chơi chiến thắng không chỉ được nhận quà của các nhãn hàng tài trợ mà còn được tích lũy gạo để đổi thành tiền và sử dụng tiền này đóng góp cho các quỹ giúp đỡ trẻ em mồ côi, khuyết tật, người già neo đơn, hay khuyến khích mọi người tham gia hiến máu nhân đạo...
* Việc kết hợp làm từ thiện với games trong NAHI 247 nghe nói còn thể hiện một quan điểm khác của anh về hoạt động thiện nguyện?
- Đúng. Trong một chuyến đi tặng quà từ thiện với một tổ chức nhân đạo của Mỹ, nhìn thấy nhiều trẻ em và người nghèo đứng xung quanh, tôi đã lấy bánh ra chia cho họ.
Nhưng lúc đó, một anh bạn người Mỹ ngăn lại, nói: "Đó không phải là cách làm tốt". Sau đó anh ta hô hào mọi người cùng ra xe mang những thùng quà vào trong sân, rồi mới chia cho mọi người.
Nhìn thấy mọi người hăm hở, vui vẻ nhận quà, khác với cách làm kêu tên ai người đó lặng lẽ đến nhận một cách buồn tẻ như chúng tôi thường làm, tôi hiểu ra từ thiện không chỉ là đến phát quà mà hãy mời gọi người được nhận quà cùng tham gia, đóng góp công sức, lúc đó họ mới thấy quý món quà mình được nhận.
Vì vậy, khi nghiên cứu NAHI 247, tôi cũng đưa triết lý này vào sản phẩm: Mọi người vừa được chơi games, vừa có thêm kiến thức bổ ích và khi thắng cuộc sẽ có tiền để làm từ thiện. Phía doanh nghiệp cũng thêm kênh kết nối với người dùng để vừa quảng bá sản phẩm, vừa đóng góp cho cộng đồng.
* Quan niệm làm từ thiện là từ tâm, là tự nguyện đóng góp nhưng anh lại không đồng tình với cách làm từ thiện âm thầm của ông Johnathan Hạnh Nguyễn, một doanh nhân mà anh ngưỡng mộ, anh có thể lý giải vì sao?
- Tôi ngưỡng mộ chú Hạnh vì ông là một doanh nhân thành đạt, có nhân cách và tư chất, đặc biệt ông là người rất có tâm với cộng đồng và đóng góp rất nhiều cho công tác từ thiện xã hội với hàng trăm tỷ đồng.
Tuy nhiên, tôi không đồng tình với cách đóng góp âm thầm của ông, vì xã hội vẫn rất cần những người có tấm lòng và nhiều cánh tay cùng chung nhau đóng góp, do vậy, việc làm tốt cũng cần cho xã hội biết để nhân rộng. Đó cũng là điều tôi tâm huyết và đem vào các sản phẩm của mình.
* Cảm ơn anh về buổi trò chuyện và chúc anh sẽ luôn thành công với tham vọng lớn của mình.
Lữ Ý Nhi (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • TGĐ NAHI Việt Nam: Đã ôm giấc mơ thì không lùi bước

    TGĐ NAHI Việt Nam: Đã ôm giấc mơ thì không lùi bước

    27/08/2015 8:58 AM

    Chuỗi cà phê Soho đang tăng trưởng tốt, môi giới đầu tư nước ngoài cũng "xuôi chèo mát mái" thì bỗng dưng Nguyễn Nam Huy lại rẽ sang con đường gai góc khi lập công ty sản xuất phần mềm và cho ra đời các sản phẩm máy tính bảng "made in Vietnam". Trước lời bàn tán "tham vọng quá!" của bạn bè, Huy bảo: "Nếu không có những người tham vọng và ôm giấc mơ lớn, làm sao thế giới có được Facebook và Google?".

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.