Những ngày này, bà con ở xã Vĩnh Trung (huyện Tịnh Biên, An Giang) thường đi soi nhái - một nghề tuy vất vả nhưng dễ kiếm ra tiền. Loại nhái bà con soi bắt là nhái cơm, thường sống thành đàn, xuất hiện quanh năm trên đồng ruộng, nhưng nhiều nhất từ đầu mùa mưa đến tháng 11 (âm lịch).

Soi nhái lúc nửa đêm.

Khi ruộng dưới bắt đầu ngập nước, họ hàng nhà nhái rủ nhau lên ruộng trên (nơi chân núi) kiếm ăn, lúc nước rút lại trở xuống đồng tiếp tục sinh sôi nẩy nở. Những ngày mưa dầm, tại ấp Vĩnh Hạ (xã Vĩnh Trung) có tới hàng trăm người sống bằng nghề soi nhái để cung cấp nhái thịt cho 5 cơ sở sản xuất khô nhái.

Anh Võ Văn Liền - một trong những người khởi xướng nghề soi nhái - kể: “Khi trời vừa nhá nhem, loài nhái cất lên bản hợp xướng rền đồng, người soi tha hồ chụp bắt. Nông dân vùng Bảy Núi vì thiếu đất canh tác nên coi soi nhái là một nghề “kiếm cơm” khá ổn định nhất. Bình quân một người siêng năng mỗi đêm có thể bắt được từ 1 - 3 thiên nhái, mỗi thiên bán được 140.000 đồng (khoảng 50.000 đồng/kg)”.

Mỗi ngày, sau buổi cơm chiều, những người soi nhái xách đồ nghề ra đồng soi đến nửa đêm. Bình quân mỗi người phải lội bộ hàng chục cây số đi - về. Dụng cụ soi gồm một bóng đèn bình gắn nơi trán (để ánh sáng luôn chiếu về phía trước), một cây vợt và giỏ đựng nhái. Trong đêm tối đòi hỏi người soi phải thật nhanh tay, lẹ mắt, theo dõi cử động của từng con nhái trước khi chụp. Khi đầy vợt, người soi mở miệng túi cho nhái vào giỏ rồi tiếp tục lần mò từ ruộng này qua ruộng khác. Những đêm sáng trăng, người soi thường thất thu vì nhái thấy bóng người nhảy lung tung rất khó chụp.

Nhái soi được mang về phân loại lớn nhỏ. Những con lớn nhất mang ra chợ bán nhái thịt. Những con nhỏ nhất bán cho người nuôi cá, nuôi rắn. Số còn lại lột da, móc ruột phơi khô. Bình quân 4kg nhái tươi cho một kg khô nhái. Giá khô nhái từ 250.000 - 400.000 đồng/kg (tùy thời điểm). Chị Trần Thị Mai Xuân - một người sản xuất khô nhái ở xã Vĩnh Trung - cho biết, mùa mưa mỗi ngày gia đình chị làm được 15kg khô; còn mùa nắng khoảng 4 - 5kg, không đủ hàng để giao. Khô nhái xuất phát từ nước bạn Campuchia đưa sang. Bà con vùng Bảy Núi khéo tay, chế biến tinh tế nên không bao lâu khô nhái Việt Nam trở thành món ngon nổi tiếng.

Khô nhái là món “lai rai” hấp dẫn, ít món khô nào qua mặt được. Theo chị Mai Xuân, muốn khô đạt chất lượng cao phải ướp nhái với tiêu, ớt, muối cho thấm đều trước khi phơi. Khô nhái ngon nhất là chiên, người ăn có thể nhai cả xương và thịt; vừa thơm, ngọt dịu, vừa cay cay, mằn mặn, béo, giòn…

Thiên Phúc (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.