Chi thêm tiền để phục vụ tăng trưởng, Alibaba liệu có giữ được tỷ lệ lợi nhuận cận biên "trong mơ" tại gần 44% sau thời điểm IPO, Nhật báo phố Wall đặt câu hỏi.

Jack Ma - Chủ tịch công ty thương mại điện tử Alibaba. Ảnh: WSJ

Sau đợt niêm yết suôn sẻ, công ty thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba dễ dàng lọt top những công ty công nghệ đắt giá nhất thế giới.

Nhưng khoảng thời gian sau IPO mới là yếu tố quyết định để đánh giá độ thành công thực sự của đợt chào bán này. Câu hỏi được đặt ra hiện giờ là: Liệu Alibaba có thể tiếp tục tăng trưởng mà không phải “hy sinh” biên lợi nhuận lý tưởng như hiện tại?

Nói cách khác, công ty này có thể khéo léo chuyển đổi mô hình kinh doanh sang nền tảng di động mà không bị các đối thủ khác từ Trung Quốc ngáng chân?

Chiến lược xoay vần

Cổ phiếu của Alibaba tăng 38% trong phiên giao dịch đầu tiên vào thứ Sáu ngày 19/9 trên sàn giao dịch chứng khoán New York, đẩy giá trị vốn hóa thị trường lên 231 tỷ USD, cao hơn cả Facebook và Amazon.com.

Đà leo dốc chóng vánh của cổ phiếu phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư đặt vào Alibaba – công ty huy động thành công gần 22 tỷ USD sau IPO, mức kỷ lục trong lịch sử kinh doanh nước Mỹ. Họ mong chờ Alibaba sẽ tiếp tục thu lãi dồi dào từ tầng lớp trung lưu đang bành trướng tại Trung Quốc.

Hiện tại, biên lợi nhuận hoạt động của công ty trụ sở Hàng Châu đang nằm ở nhóm cao nhất toàn ngành. Không như Amazon, Alibaba không trực tiếp bán sản phẩm. Doanh thu công ty chủ yếu đến từ phí quảng cáo của các gian hàng trên hai chợ trực tuyến Taobao và Tmall.

Nhờ nguồn thu quảng cáo và hoa hồng này, biên lợi nhuận hoạt động của Alibaba đang đứng ở mức 43,4%, vượt mặt eBay tại 18%, và Google tại 27%, không bàn đến Amazon khi công ty này đang chịu lỗ hoạt động tại 0,1%.

Chợ trực tuyến Taobao của Alibaba.

Tuy nhiên, mức lãi suất cận biên đáng mơ ước này đang bị đặt dưới sức ép khi công ty chi mạnh tay nhằm tích hợp thương mại điện tử với nền tảng di động.

Mặc dù vậy, chiến lược này đang tạm thời phát đi nhiều tín hiệu khởi sắc. Lượng người dùng ứng dụng di động đã tăng từ 136 triệu trong tháng 12 năm ngoái lên 188 triệu người trong tháng Sáu năm nay.

Khoảng 1/3 tổng lượng giao dịch tại gần 82 tỷ USD trong quý II của công ty đến từ điện thoại thông minh và máy tính bảng, vượt trội so với tỷ lệ 12% trong năm 2013.

Tuy nhiên, tăng trưởng trên thiết bị di động là con dao hai lưỡi. Trong sự kiện kêu gọi nhà đầu tư trước thềm IPO, Alibaba đã thừa nhận các thương lái chi ít tiền quảng cáo trên điện thoại hơn so với trên website máy tính, nhưng không tiết lộ con số cụ thể.

Rất nhiều thương lái bán hàng trên chợ Taobao và Tmall của Alibaba tham gia vào các đợt bán đấu giá từ khóa.

Ví dụ, khi người mua gõ từ “đồng hồ đeo tay”, một phần của kết quả trả về sẽ hiển thị sản phẩm của các thương lái trả giá cao nhất cho từ khóa này để rinh về vị trí đẹp.

Giá thầu có nhiều mức độ, tùy vào khoản thương lái cảm thấy hợp lý để trả cho Alibaba mỗi lần có một khách nhấp chuột vào sản phẩm của họ. Thường các thương lái sẽ trả từ 49 – 81 cent cho một cú nhấp chuột. Ngoài từ khóa, nhiều thương lái cũng trả tiền để đặt quảng cáo hàng trên trang chủ của Taobao và Tmall.

Trong đợt kêu gọi nhà đầu tư, lãnh đạo Alibaba đã nhận được câu hỏi: Liệu mô hình thương mại điện tử trên điện thoại có mang lại nhiều lợi nhuận như mô hình truyền thống? Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo công ty khẳng định khi khách hàng dành nhiều thời gian sử dụng ứng dụng smartphone của Taobao để xem và mua hàng, các thương lái sẽ bắt đầu trả giá cao hơn cho từ khóa trên di động, từ đó doanh thu sẽ trở nên dồi dào hơn.

Đối thủ "lăm le" cướp khách

Ngoài các yếu tố nội tại, nhiều yếu tố ngoại lai cũng đang đe dọa miếng bánh lợi nhuận của Alibaba. Tencent – công ty trực tiếp đối đầu Alibaba tại quê nhà – đang đẩy mạnh cạnh tranh trên cùng một con đường khi kết nối ứng dụng nhắn tin điện thoại vào dịch vụ thương mại điện tử của công ty.

WeChat và Mobile QQ – hai ứng dụng nhắn tin của Tencent – có tổng số lượng người dùng khổng lồ tại 900 triệu. Khi được kết nối với chợ trực tuyến, người dùng hai ứng dụng này có thể thao tác nhanh gọn nhiều hoạt động giao dịch, như mua vé xem phim hay đặt taxi,… bên cạnh mua sắm trực tuyến.

Đầu năm tay, Tencent đã mua 15 cổ phần của JD.com – công ty thương mại điện tử lớn thứ hai Trung Quốc xét về lượng giao dịch, và tích hợp chợ trực tuyến của JD.com vào nền tảng tin nhắn.

Chưa dừng lại ở đó, Tencent còn tìm cách tiếp cận nhiều thương lái vốn đang buôn bán trên Alibaba để chào mời các gói bán hàng giá cả phải chăng, thậm chí miễn phí.

Ông Marco Ma – chủ công ty bán xe đạp Factory Five tại Thượng Hải - là một trong những người nhận được lời mời từ Tencent qua ứng dụng WeChat, trùng hợp thời điểm ông thiết kế lại cửa hàng trên ứng dụng di động Taobao, sử dụng phần mềm được Alibaba cung cấp.

“Tencent tiếp cận với tôi, nói WeChat đang dần trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hiện đại, nên việc tích hợp nó với một nền tảng thương mại đơn giản là một bước đi hợp lý”, ông kể lại.

Ông đã rao bán một số sản phẩm qua WeChat từ tháng Tám, bên cạnh duy trì sạp hàng trên Taobao. Nhưng tính đến nay, gian hàng trên Taobao vẫn nhộn nhịp hơn hẳn, ông cho hay.

Theo các số liệu, tạm thời chưa có công ty nào có thể de đọa đáng kể đến ngôi vương của Alibaba trong lĩnh vực thương mại điện tử. Ứng dụng di động của Taobao xử lý tới 86% hoạt động mua sắm qua smartphone và máy tính bảng trong quý II tại Trung Quốc, theo số liệu của công ty iResearch.

Tuy nhiên trong tương lai, Tencent có thể là một đối thủ đáng gờm nếu khách hàng cảm thấy thích thú với ý tưởng mạng xã hội và thương mại được kết nối với nhau, bà Cynthia Meng – chuyên gia tại công ty Jefferies nhận xét.

“Nếu mọi người dành nhiều thời gian sử dụng WeChat và Mobile QQ, thời gian dành cho các ứng dụng khác sẽ bị co hẹp”, bà chỉ ra.

Lề Phương (BizLIVE)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.