Trong vòng 3 tháng, các quan chức hàng đầu nước này phải đóng tất cả tài khoản ngân hàng và thanh lý hết tài sản ở nước ngoài, nếu không muốn bị đuổi việc.

Sergei Ivanov - Chánh văn phòng Tổng thống cho biết hàng nghìn công chức Nga sẽ có thời hạn từ nay đến ngày 1/7 để kê khai thu nhập và tài sản. Sau đó, bất cứ người nào bị phát hiện còn giữ tài sản cấm sẽ mất việc ngay lập tức.

Luật này được ký ngày hôm qua (2/4) để "chống quốc tế hóa" nền kinh tế Nga, nhiệm vụ Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đặt ra tháng 12 năm ngoái. Theo nhiều nhà hoạch định chính sách, việc này không chỉ để giải quyết tham nhũng mà còn giúp kinh tế Nga ít chịu ảnh hưởng từ bên ngoài.

Ông Putin không cho phép quan chức Nga gửi tiền ở nước ngoài. Ảnh: AP

Konstantin Kostin, cựu Phó giám đốc phụ trách chính sách trong nước của Điện Kremlin cho biết: "Đây là hành động dân tộc hóa giới thượng lưu trong nước. Trong suốt một thời gian dài, rất nhiều người giàu có coi Nga là nơi kiếm tiền, rồi sau đó lại gửi hết của cải đi và định cư ở nước khác. Dĩ nhiên, tình trạng này không thể giải quyết chỉ bằng một điều luật, mà phải bằng ý chí chính trị và sự đồng thuận của cả xã hội".

Trong một bài phát biểu tháng 12 năm ngoái, ông Putin cho biết: "Tinh thần trách nhiệm đối với đất nước không xuất phát từ khẩu hiệu và diễn văn, mà hình thành khi người dân công nhận chính phủ là minh bạch".

Tuy nhiên, thực hiện được việc này lại là điều tương đối khó khăn. Kirill Kabanov, Giám đốc Ủy ban Phòng chống Tham nhũng quốc gia cho biết: "Những kẻ quan liêu, tham nhũng sẽ tìm mọi cách để bảo vệ mình".

Hai dự luật dựa trên bài phát biểu năm ngoái của ông Putin vẫn chưa được thông qua tại Hạ viện Nga. Vì vậy, động thái lần này rõ ràng là nhằm gây sức ép chính trị. Ông Kabanov nói: "Luật tài sản nước ngoài sẽ được thông qua, nhưng không phải trong thời gian dự kiến. Dù vậy, nó cũng là bằng chứng cho giới thượng lưu thấy quyết tâm của Tổng thống".

Ksenia Sorokina, biên tập viên tại tạp chí Snob (Nga) cho biết: "Giới thượng lưu Nga thường đưa rất nhiều tiền ra nước ngoài, rồi gửi gia đình sang. Và khi về hưu, họ cũng tới đó sống. Luật trên sẽ trực tiếp đánh vào sự nghiệp của những quan chức cấp cao".

Tuy nhiên, việc này cũng vẫn còn một số lỗ hổng. Trên Interfax, Yevgeny Shkolov, một quan chức cấp cao trong chính quyền tổng thống Putin cho biết doanh thu các công ty do người nhà công chức đứng tên sẽ không phải kê khai.

Tài sản nước ngoài bắt đầu trở thành mối quan tâm tại Nga kể từ khi cuộc khủng hoảng tại Síp nổ ra. Để nhận được 10 tỷ euro cứu trợ, Síp phải cân nhắc đánh thuế tiền gửi ngân hàng lên tới 10%. Vấn đề là, riêng tầng lớp thượng lưu Nga đã đóng góp khoảng 20 tỷ euro, tương đương hơn một phần ba tiền gửi của người nước ngoài tại đây. Tổng thống Putin đã chỉ trích kế hoạch này là "bất công, nghiệp dư và nguy hiểm". Cuối cùng, thuế tiền gửi cũng không được Quốc hội Síp thông qua vì sự phản ứng dữ dội của người dân.

Thùy Linh (VnẺxpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.