Chuỗi cửa hàng bán lẻ British Home Stores (BHS) của Anh chuẩn bị tan rã và đang phải vật lộn với khoản nợ hơn 1,3 tỷ bảng Anh, trong đó bao gồm 571 triệu bảng Anh nợ lương hưu của các nhân viên Công ty trong cả quá khứ lẫn hiện tại.
Tỷ phú Anh Philip Green đang phải vật lộn với khoản nợ 1,3 tỷ bảng Anh khi chuỗi cửa hàng BHS chuẩn bị tan rã, trong đó bao gồm 571 triệu bảng Anh nợ lương lương hưu của các nhân viên
Thật khó có thể tin rằng, thương hiệu này đã từng nằm trong hệ thống bán lẻ hàng thời trang hùng mạnh nhất của Philip Green, một trong những tỷ phú giàu nhất Vương quốc Anh.
Philip Green được biết đến như là một tấm gương sáng cho các doanh nhân khởi nghiệp đến từ “xứ sở sương mù”. Sinh ngày 15/3/1952 trong một gia đình gốc Do Thái ở phía Nam Luân Đôn. Bố mất sớm, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Philip Green luôn ý thức được rằng, cần phải cố gắng để vươn lên trong cuộc sống.
Green bắt đầu con đường khởi nghiệp bằng việc sửa chữa cửa hàng tạp hóa cũ của gia đình thành một cửa hiệu bán quần áo thời trang nhỏ, chủ yếu nhập quần áo từ các nhà máy ở khu vực Viễn Đông để vừa đưa vào bán lẻ, vừa phân phối cho các cửa hiệu bán lẻ khác tại Luân Đôn. Để có đủ vốn kinh doanh, ông đã phải đi vay 20.000 bảng.
Nắm bắt thị hiếu tốt, Green đã giúp cửa hàng nhỏ của mình ngày càng mở rộng quy mô. Không chỉ tìm những đầu mối nhập khẩu hàng, ông còn chủ động liên kết với các đối tác bản địa để xây dựng nhà máy sản xuất ngay tại quốc gia đó. Với tính quyết đoán và khéo léo của Green, hầu hết các bản hợp đồng lớn với các đối tác nước ngoài đều được tiến hành một cách nhanh chóng. Những năm đầu thập niên 70, cửa hiệu của Green đã thiết lập được nguồn hàng và đảm bảo cung cấp cho thị trường 10 thương hiệu thời trang nổi tiếng với nguồn khách hàng ngày một đông.
Sau những bước tăng trưởng rất nhanh đó, Green thành lập Công ty Amber Day, phân phối không chỉ các mặt hàng thời trang thông thường, mà còn cả các thương hiệu quần áo, giầy thể thao hàng đầu thế giới.
Tới cuối những năm 90, cái tên Philip Green nổi lên như một “hiện tượng” trong lĩnh vực bán lẻ tại Anh. Để cạnh tranh với các đối thủ lớn lúc bấy giờ, Green đã lên kế hoạch thâu tóm một số chuỗi cửa hiệu lớn khác trên thị trường. Cơ hội đã đến với ông khi chuỗi cửa hiệu BHS đã có nhiều năm thống lĩnh trên thị trường bán lẻ đang rơi vào giai đoạn tụt dốc, ban lãnh đạo đã phải giao bán BHS với mức giá 200 triệu bảng. Chớp lấy thời cơ này, Green đã dồn toàn bộ số vốn đang có khoảng 50 triệu và sau đó vay thêm 150 triệu để tiến hành ngay thương vụ mua lại.
Ông còn tiếp tục thâu tóm Arcadia Group, một trong những tên tuổi lớn trên thị trường bán lẻ của Anh sở hữu một loạt các cửa hiệu danh tiếng như Burton, Evans, Outfit, Topshop..., Arcadia Group đã dần trở thành một đầu mối đặc biệt quan trọng trong chuỗi cửa hiệu bán lẻ của Green, góp phần không nhỏ tạo nên hệ thống bán lẻ thời trang lớn nhất tại Anh.
Tuy nhiên, thời cơ đã không ở yên mãi với Green. Từ năm 2010, BHS bắt đầu đi lệch khỏi quỹ đạo phát triển. Trong bối cảnh những thương hiệu bán lẻ hàng đầu đều phải liên tục thay đổi để đáp ứng thị hiếu không ngừng tăng của khách hàng, cũng như vật lộn với sự tham gia của những tên tuổi mới tiềm năng như Zara, Aldi, thì BHS đã không thể theo kịp tốc độ phát triển của thời trang. Trong 5 năm, ước tính BHS đã mất hơn 800.000 khách hàng mua sắm tại các cửa hàng bán lẻ của mình và bị nhiều hãng thời trang khác “qua mặt”, trong đó có thể kể đến Primark, H&M, John Lewis, TK Maxx, Sainsbury…
Đầu năm 2015, ông trùm bán lẻ Philip Green rốt cuộc đã buộc phải “phủi tay” đối với BHS. Ông bán lại BHS với giá chỉ… 1 bảng Anh cho Dominic Chappell, một nhà đầu tư đã 3 lần bị phá sản. Thương vụ “không tưởng” này là minh chứng rõ rệt nhất cho tương lai mờ mịt của BHS.
"Tôi không nghĩ rằng có một thiên tài bán lẻ nào đó ở ngoài kia có thể phục hồi doanh nghiệp này, bởi nó đã đi đến cuối vòng đời tự nhiên của nó rồi", Richard Hyman, một nhà phân tích bán lẻ độc lập cho biết. Hyman dự đoán rằng, chuỗi bán lẻ này sẽ lụi bại và rồi biến mất hẳn khỏi thị trường như trường hợp của Woolworths trước đó.
Dự đoán ấy có vẻ đang đúng trong thời điểm hiện tại, khi hệ thống 163 cửa hàng và 11.000 nhân công của BHS đang rơi vào thế nguy hiểm, trong khi ông chủ cũ Philip Green thì bị chỉ trích vì thoái thác trách nhiệm với khoản thâm hụt lương hưu 571 triệu bảng Anh. Cố gắng của Green khi đưa 1.000 nhân viên cũ của BHS vào “đế chế” Arcadia của ông hiện tại cũng không thấm tháp vào đâu so với con số 11.000 người sắp thất nghiệp của BHS. Nếu không tìm được đối tác mua lại nào nữa, đây sẽ là thương hiệu lớn nhất bị biến mất kể từ vụ Woolworths năm 2008.
Mai Thảo (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.