Nhiều đại gia có mặt trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam đã biến mất với túi tiền đầy ắp.
“Nô nức” rời sàn
Dù kinh doanh hiệu quả hay phải đối mặt với những khoản lỗ khủng, một số doanh nghiệp vẫn chọn cách hủy niêm yết hoặc buộc phải hủy niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán vì những mục đích riêng của mình.
Cuối 2014, đầu 2015 là khoảng thời gian nhiều doanh nghiệp “nô nức” rời sàn. Cổ phiếu ALP của Công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam là một trong những cổ phiếu gây được nhiều chú ý nhất khi tự chấm dứt cuộc chơi trên sàn Tp.HCM.
Theo đó, 30/12/2014 là phiên giao dịch cuối cùng của ALP, cổ phiếu lừng lẫy một thời trên thị trường OTC. ALP hủy niêm yết tự nguyện khi liên tục công bố những khoản lỗ lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm kể từ 2012.
Nguyễn Ngọc Mỹ, con gái Chủ tịch Alphanam
Cổ đông ALP thấu hiểu được nguyên nhân Alphanam liên tục đạt lợi nhuận âm. Đó là Alphanam có xu hướng đầu tư theo Warrant Buffet, rót vốn vào hàng loạt công ty thua lỗ với giá rẻ. Vì vậy, trong báo cáo hợp nhất, Alphanam phải hạch toán những khoản lỗ khủng của công ty con.
Dù thấu hiểu nhưng cổ đông không thông cảm. Chính vì vậy, thị giá của ALP tuột dốc và dừng ở mức 3.400 đồng/CP trong phiên giao dịch cuối cùng. Có thể thấy, thị giá ALP thấp hơn rất nhiều so với mệnh giá (10.000 đồng/CP).
Trong khi đó, MPC của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú rời sàn trong tư thế “ngẩng cao đầu” hơn. MPC hủy niêm yết dù lợi nhuận sau thuế 2014 là con số cao ngất ngưởng 755 tỷ đồng. MPC dừng cuộc chơi vì kế hoạch tăng vốn trên thị trường chứng khoán không thành.
MPC là trường hợp hi hữu rời sàn trong tư thế “ngẩng cao đầu”. Đầu năm 2015, nhiều cổ phiếu khác cũng dừng cuộc chơi trên thị trường chứng khoán nhưng chủ yếu là bị bắt buộc sau chuỗi năm kinh doanh bết bát.
Trong 4 tháng đầu năm 2015, bên cạnh MPC, có tới 6 mã phải dừng cuộc chơi. Đó là VNI (Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Việt Nam), HSI (Công ty Cổ phần Vật tư tổng hợp và Phân bón Hóa sinh), NHW (Công ty Cổ phần Ngô Han), HLA (Công ty Cổ phần Hữu Liên Á Châu), SBC (Công ty Cổ phần Vận tải và Giao nhận bia Sài Gòn), DBF (Công ty Cổ phần Lương thực Đông Bắc).
Biến mất với túi tiền đầy ắp
Đa số các cổ phiếu bị hủy niêm yết đều có điểm chung là công ty kinh doanh bết bát, các chủ sở hữu không còn nhiều tiền khi thị giá cổ phiếu xuống quá thấp. Tuy nhiên, MPC và ALP là những trường hợp cá biệt.
Dù tạm biệt thị trường chứng khoán ở mức giá rất thấp, chỉ 3.400 đồng/CP nhưng ALP vẫn đủ sức giúp các chủ sở hữu giữ được khối tài sản không hề nhỏ.
Cụ thể, với việc nắm giữ hơn 116 triệu cổ phiếu ALP, ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam có khối tài sản trị giá hơn 395 tỷ đồng. Với số tiền này, ông Hải có mặt trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Không lọt vào danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam nhưng hai con của ông Hải là Nguyễn Minh Nhật và Nguyễn Ngọc Mỹ cũng là triệu phú khi mỗi người sở hữu lượng cổ phiếu ALP trị giá 32,6 tỷ đồng.
Trong đó, ái nữ 9X Nguyễn Ngọc Mỹ của ông Hải thậm chí còn nổi tiếng hơn bố khi liên tục được báo chí nhắc tới. Cô được tôn vinh là tiểu thư vừa giàu có, giỏi giang và xinh đẹp.
Trong khi đó, MPC rời sàn trong tư thế “ngẩng cao đầu”. Sau khi thông tin MPC hủy niêm yết được công bố chi tiết, MPC giảm giá mạnh, xuống “đáy” 82.000 đồng/CP vào ngày 18/3. Thế nhưng, MPC đã có cú đảo chiều ngoạn mục khi công ty thủy sản Minh Phú công bố sẽ trả cổ tức 50% cho nửa năm 2014. Điều đó có nghĩa, cổ tức cả năm 2014 của công ty là 100%, tỷ lệ rất cao.
Đóng cửa phiên cuối cùng trong ngày 30/3/2015, MPC vọt lên 122.000 đồng/CP, tăng 40.000 đồng/CP, tương ứng gần 50% so với “đáy”. Đà tăng ngoạn mục này giúp tài sản của các cổ đông lớn của MPC cải thiện rất nhiều.
Cụ tới, tính theo thị giá MPC ngày 30/3, giá trị tài sản của bà Chu Thị Bình, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú là 2.132 tỷ đồng. Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Minh Phú sở hữu khối tài sản lên tới 1.947 tỷ đồng. Cả hai vợ chồng ông Quang, bà Bình đều có mặt trong Top 10 người giàu có nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Không chỉ có vậy, người thân của hai vị đại gia thủy sản này cũng “biến mất” với túi tiền đầy ắp. Lê Thị Dịu Minh, con gái ông Quang đang nắm giữ hơn 3 triệu cổ phiếu MPC với giá trị 385 tỷ đồng. Ông Lê Văn Điệp, em trai ông Quang là triệu phú với 240 tỷ đồng. Ông Chu Văn An, anh bà Bình cũng giàu có với 135 tỷ đồng.
Bảo Linh (VTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.