Có một người phụ nữ ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội cứ mải mê tìm kiếm các thị trường với mong muốn đưa được sản phẩm làng nghề Việt ra "biển lớn".
Chị Nguyễn Thị Lương kiểm tra hàng chuẩn bị "xuất ngoại" - Ảnh: VGP/Nguyễn Thắng
Chị Nguyễn Thị Lương ở xã Phú Túc (Phú Xuyên, Hà Nội), đã đưa sản phẩm làng nghề truyền thống vượt ra khỏi lũy tre làng, vươn đến trời Tây.

“Đổi mây tre, bèo tây lấy đô la”

Gia đình chị Lương có nhiều thế hệ gắn bó với làng Lưu Thượng, nơi có nghề đan cây tế và mây tre trên 300 năm. Cả cuộc đời người cha của chị theo nghề tổ tiên để lại, đến đời chị cũng không ngoại lệ. Chỉ có sự khác biệt là chị đã tận dụng thời cơ khi đất nước hội nhập để đưa sản phẩm làng nghề ra thị trường quốc tế. Và người phụ nữ này đã có trên 20 năm miệt mài với công việc xuất khẩu hàng thủ công làm từ mây tre và bèo tây ra nhiều nước trên thế giới.

Khởi nghiệp năm 1985, vợ chồng chị tậu 1 chiếc xe đạp đi chợ làm kế mưu sinh. Chị lên chợ Chuông ở huyện Thanh Oai bán buôn nguyên liệu làm nón, rồi lại xuôi Hà Nam đổ hàng bằng chiếc xe đạp thồ dã chiến.

Tình cờ một lần đi chợ, chị nghe mấy bạn hàng to nhỏ về chuyện một số làng nghề ở Ninh Bình xuất hàng mây tre đan ra nước ngoài. “Trong đầu tôi lóe lên một ý tưởng, làng mình cũng làm nghề đan guột, mây tre, sao mình không đưa sản phẩm ra thế giới”, chị Lương nói.

Cách đây 21 năm, chị Lương xuống Ninh Bình, đi qua nhiều làng nghề để tìm mối làm ăn. Mấy tháng trời lăn lộn, chị vỡ òa trong hạnh phúc khi nhận được đơn đặt hàng đầu tiên xuất sang Tiệp. Từ đó, chị quyết định làm ăn lớn. Thay vì đổ hàng cho mấy người bán lẻ ở các chợ trong và ngoài huyện, chị đưa sản phẩm làng nghề đến với nhiều nước trên thế giới. Mới đầu, chị xuất hàng sang một số nước châu Âu, rồi lan sang Nhận Bản, sang cả châu Mỹ. Mỗi năm, chị xuất đi trên 20 vạn sản phẩm làm từ mây tre và bèo.

Hơn 20 năm say mê với việc xuất khẩu hàng mây tre đan, chị đã góp phần mang lại sức sống mới cho làng nghề. Giờ đây, nghề mây tre đan đã vượt ra khỏi lũy tre làng, mở rộng ra toàn xã và được truyền đến nhiều xã khác trong và ngoài huyện Phú Xuyên.

Chị Đặng Thị Thúy Nhự, Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Phú Túc cứ tấm tắc khi nói về chị Nguyễn Thị Lương: “Chị ấy lặn lội đường ngang, ngõ dọc làm ăn với người nước ngoài. Chị ấy đã đổi mây tre, bèo tây lấy đô la”.

Chỉ tính năm 2013, chị đã xuất hơn 27 vạn sản phẩm từ mây tre đan, bèo tây với tổng giá trị gần 20 tỷ đồng. Công ty của chị giải quyết công việc thường xuyên cho 40 lao động.

“Chiều nay, tôi xuất gần một vạn sản phẩm sang một số nước châu Mỹ. Các đơn hàng với bạn hàng nước ngoài liên tục được kí kết. Những nông dân ở trong và ngoài huyện làm hàng cho công ty tôi không lo thiếu việc”, chị Lương cho biết.


Công nhân làm việc tại công ty của chị Lương - Ảnh: VGP/Nguyễn Thắng

Dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn

Nghề làm mây tre, bèo tây đan xuất khẩu đã giúp gia đình chị Lương đổi đời. Nhưng chị không tính chuyện làm ăn "thu va hà vén" cho riêng mình mà quyết định chia sẻ cơ hội làm giàu cùng người dân địa phương. Chị nghĩ đến việc truyền nghề cho lao động ở nông thôn. Thế nhưng, chuyện không đơn giản như vậy.

“Ngày trước, các cụ trong làng có ra “nghị quyết” người làng không được truyền nghề ra bên ngoài vì sợ người dân trong làng sẽ mất đường làm ăn. Cả làng không ai dám vi phạm luật này”, chị Lương chia sẻ.

Nhưng chị sốt ruột, đứng ngồi không yên bởi đơn hàng xuất khẩu chị ký được với số lượng lớn, tạo việc làm cho nhiều nông dân các xã lân cận, nhưng đành hủy hợp đồng vì nghề không được phép truyền ra ngoài.

Rồi chị đã mạo hiểm bước qua "lệ làng", việc mà chưa ai trong làng dám làm, lén đi dạy nghề bên ngoài, vừa có nguồn lao động cho việc cung cấp hàng, vừa giúp bà con nông dân có việc, thêm nguồn thu.

Bây giờ thì mọi chuyện đã khác, những năm gần đây, khách hàng tìm đến với làng nghề ngày một nhiều, người dân trong làng làm không xuể nền cần có nhiều lao động. Bởi vậy, các cụ trong làng đã "bước qua lời nguyền"...

Như được “cởi trói”, chị đi dạy nghề cho người dân ở nhiều xã không chỉ trong huyện Phú Xuyên mà còn mở rộng sang tỉnh Hòa Bình, Hà Nam. Kinh phí dạy nghề chị tự bỏ ra. Sau khi truyền nghề cho người dân, chị lại nhận bao tiêu sản phẩm cho họ.

“Có các làng trước là thuần nông, nhưng khi tôi đến truyền nghề và nhận bao tiêu sản phẩm làm ra đã phát triển thành làng nghề. Riêng ở trong huyện Phú Xuyên người dân ba xã Khai Thái, Bạch Hạ, Quang Lãng chuyên làm hàng cho tôi xuất khẩu”, chị Lương cho hay.

Chị Nguyễn Thị Tài ở xã Tri Trung, một mối cung cấp hàng cho chị Lương vui vẻ chia sẻ: “Chúng tôi làm ăn với nhau từ nhiều năm nay. Tôi thường xuyên tới chỗ chị Lương lấy mẫu về cho bà con trong xã làm. Ngoài làm ruộng, người dân có thêm nghề phụ, tăng thêm thu nhập nên rất phấn khởi”.

Với những thành tích trên, chị Lương đã được vinh danh là 1 trong 10 phụ nữ tiêu biểu của Thủ đô năm 2014.

Nguyễn Thắng (Chính phủ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.