Với cùng một thủ đoạn: Dùng pháp nhân của những Cty tự thành lập, lập hồ sơ khống mua bán sắt thép; cùng một tài sản nhưng đem thế chấp cho nhiều ngân hàng, người mang danh hiệu: “Doanh nghiệp tiêu biểu, doanh nhân tiêu biểu” - đại gia thép Hải Phòng Phạm Văn Thụ cùng con trai là Phạm Hải Thanh đã lừa đảo 9 ngân hàng trên 500 tỉ đồng.
Nhiều ngân hàng... vào một rọ

Kinh doanh thua lỗ, để có tiền trả nợ, Phạm Văn Thụ đã nhắm tới việc lừa đảo các ngân hàng. Nạn nhân đầu tiên của vị “đại gia” này là OCB chi nhánh Hà Nội (OCB Hà Nội). Vào cuối năm 2010, với tư cách là Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng GĐ Cty Thái Sơn, Phạm Văn Thụ đã làm văn bản gửi tới OCB Hà Nội đề nghị vay 100 tỉ đồng, thời hạn 12 tháng. Với tên tuổi đang nổi như cồn lúc bấy giờ (vừa được vinh danh là doanh nghiệp tiêu biểu, doanh nhân tiêu biểu của cả nước - PV) nên đề nghị vay tiền của Cty Thái Sơn đã được OCB Hà Nội chấp thuận.

Ngày 8.2.2011, ông Vũ Đức Thực - Phó GĐ OCB Hà Nội - cùng ông Thụ ký hợp đồng tín dụng cho Cty Thái Sơn vay 100 tỉ đồng với tài sản đảm bảo là hàng hóa tồn kho và hàng hóa hình thành từ vốn vay (thép công nghiệp, thép cuộn, thép hình, thép ống). Để thực hiện được ý đồ, Phạm Văn Thụ đã điều con trai là Phạm Hải Thanh đang làm GĐ Cty thép Minh Thành Sài Gòn (một Cty con của Cty Thái Sơn) làm Tổng GĐ Cty Thái Sơn để làm tiếp việc vay tiền của OCB Hà Nội. Theo chỉ đạo của Thụ, Phạm Hải Thanh chỉ đạo Cty Thái Sơn lập 7 bộ hồ sơ mua bán sắt thép khống giữa Cty Thái Sơn với Cty thép Thanh Sơn, Cty Đức Hiếu và Cty Hải Nam (đều là những Cty do Phạm Văn Thụ lập ra – PV).

Trong đó Trương Hồng Thơ - GĐ Cty Hải Nam - ký 2 hợp đồng bán khống 2.836,2 tấn thép các loại trị giá 43,6 tỉ đồng cho Phạm Hải Thanh - TGĐ Cty Thái Sơn; Dương Hoàng Sơn - GĐ Cty sắt thép Thanh Sơn - ký 2 hợp đồng bán khống 2.335,85 tấn sắt thép cho Cty Thái Sơn... Sau khi có những bộ hồ sơ mua bán sắt thép khống, được cán bộ OCB Hà Nội thẩm định không phát hiện sai sót, từ ngày 4.8.2011 - 9.9.2011, OCB Hà Nội đã giải ngân cho Cty Thái Sơn vay 99,8 tỉ đồng theo 8 khế ước nhận nợ. Khi đến hạn trả nợ, Cty Thái Sơn cũng đã không trả được món nợ này
Tương tự, Phạm Văn Thụ đã chỉ đạo Nguyễn Thị Thanh Huyền- GĐ Cty Thiên Tân Phú; Phạm Thế Huyên - GĐ Cty Thiên Nam Phú; Bùi Đức Thìn - GĐ Cty An Dương; Nguyễn Quang Tĩnh - GĐ Cty Hương An... lập hồ sơ khống để vay tiền của Lienviet Postbank chi nhánh Thăng Long (LPB Thăng Long) và đã được ngân hàng này cho vay 100 tỉ đồng. Không chỉ dừng ở đó, Phạm Văn Thụ cũng đã chỉ đạo Phạm Hải Thanh lập các hồ sơ khống để lừa đảo SEA Bank chi nhánh Hải Phòng 27 tỉ đồng; chiếm đoạt của Eximbank chi nhánh Hải Phòng gần 4 tỉ đồng; chiếm đoạt của Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải chi nhánh Hải Phòng trên 75 tỉ đồng...
Một lô hàng, thế chấp 9 ngân hàng

Không chỉ lập hợp đồng mua bán sắt thép khống để được coi là tài sản hình thành trong hợp đồng, hợp thức hồ sơ vay tiền để chiếm đoạt tiền của các ngân hàng, Phạm Văn Thụ còn dùng một tài sản đem đi thế chấp cho nhiều ngân hàng khác nhau để lừa đảo. Đơn cử lô hàng 9.339,92 tấn sắt thép, Phạm Văn Thụ đã chỉ đạo các nhân viên làm phiếu nhập kho, ký hợp đồng dịch vụ bảo vệ, mua bảo hiểm hỏa hoạn để làm tài sản thế chấp vay tiền OCB Hà Nội.

Thế nhưng khi quá hạn trả nợ, Cty Thái Sơn không trả được, ngân hàng định phát mại số tài sản trên để thu hồi nợ mới tá hỏa ra số tài sản này được cầm cố cho nhiều tổ chức tín dụng khác. Quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã xác định riêng với lô hàng này Cty Thái Sơn ngoài cầm cố cho OCB Hà Nội còn cầm cố, thế chấp cho PVFC, Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải chi nhánh Hải Phòng, GPBank, Vietcombank Hải Phòng, HDbank Thăng Long, BIDV Thành Đô; Ngân hàng Đông Á chi nhánh quận 5; SEA Bank Hải Phòng, Eximbank Hải Phòng…

Theo lời khai của Phạm Văn Thụ thì để thế chấp được một lô hàng cho nhiều tổ chức tín dụng, trước khi cán bộ ngân hàng đến kiểm tra, Phạm Văn Thụ đã chỉ đạo các nhân viên thủ kho, bảo vệ thực hiện xóa ký hiệu trên sắt thép, xóa niêm phong kho của ngân hàng đã nhận thế chấp trước đó để gian dối, đánh lừa ngân hàng mới nhận thế chấp.

Dưới sự chỉ đạo của Phạm Văn Thụ, Phạm Hải Thanh còn lợi dụng sơ hở của cán bộ ngân hàng, bán ngay tài sản đã thế chấp. Cụ thể trong lô hàng 5.723,69 tấn sắt thép nhập khẩu được thế chấp cho Ngân hàng TMCP Đông Á chi nhánh quận 5. Khi ngân hàng này giao bộ chứng từ cho Cty Minh Thanh (do Phạm Hải Thanh làm GĐ - PV) để làm thủ tục hải quan, chuyển hàng thế chấp về kho chỉ định, lợi dụng lúc cán bộ ngân hàng lơ là việc giám sát, Phạm Hải Thanh đã không vận chuyển lô hàng về kho chỉ định của ngân hàng mà bán luôn cho một số DN có nhu cầu mua.
Trong vụ án có 11 bị cáo thì có 7 bị cáo bị Viện KSND Tối cao truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với khung hình phạt tới mức tù chung thân. Những bị cáo này đều là GĐ các Cty và có quan hệ họ hàng, thân thích với Phạm Văn Thụ. 4 bị cáo còn lại là cán bộ ngân hàng đã bị truy tố về tội "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và” tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Vụ án sẽ được TAND TP. Hải Phòng đưa ra xét xử trong thời gian tới.
Sơn Đà (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.