Đoàn tàu chở thi thể các nạn nhân chuyến bay định mệnh MH17 đã rời khỏi vùng chiến sự ở đông Ukraine. Trong khi đó chuyên gia Mỹ xem hình ảnh để phân tích rằng MH17 thật sự bị tên lửa bắn rơi.

Reuters đưa tin hôm qua Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thông báo đoàn tàu chở 282 thi thể nạn nhân rời khỏi vùng chiến sự ở miền đông Ukraine tới thành phố Kharkov, nơi chính quyền Kiev kiểm soát. Từ đây, các nạn nhân xấu số sẽ được đưa về Amsterdam (Hà Lan).

Một máy bay vận tải Hercules của Hà Lan đã tới Kharkov để thực thi nhiệm vụ này. Một nhóm 28 chuyên gia pháp y từ Hà Lan, Đức, Mỹ và Anh cũng đã có mặt để kiểm tra các thi thể.

Các chuyên gia Malaysia có mặt tại Donetsk khẳng định hai hộp đen mà phe ly khai giao nộp chỉ bị hư hại nhẹ. Nhóm quan sát viên quốc tế cuối cùng cũng được tiếp cận hiện trường án mạng trên cánh đồng ở làng Grabovo.

Tuy nhiên từ Úc, Thủ tướng Tony Abbott vẫn bức xúc cáo buộc: “Chúng ta đang chứng kiến hành vi hủy hoại bằng chứng ở quy mô công nghiệp. Điều đó phải chấm dứt”.

Tàu chở các thi thể đã về đến thành phố Kharkov nơi chính quyền Kiev quản lý vào hôm qua - Ảnh: Reuters

Dấu vết tên lửa siêu thanh

Theo báo New York Times, một mảnh vỡ của chiếc Boeing 777-200 cho thấy dấu vết từ tác động của tên lửa siêu thanh.

Hãng tư vấn quốc phòng IHS Jane’s phân tích các hình ảnh chụp mảnh vỡ máy bay tại hiện trường và kết luận một quả tên lửa siêu thanh đã nổ tại cự ly gần máy bay khi nó đang bay ở độ cao 10.000m.

Sức ép từ vụ nổ cộng với các mảnh tên lửa bắn xuyên qua máy bay đang di chuyển với tốc độ 800 km/g khiến nó bị xé nát trên không. Mảnh vỡ mà New York Times chụp được là một phần thân máy bay.

Trên mảnh thân máy bay này có rất nhiều lỗ thủng nhỏ. Chuyên gia vũ khí Reed Foster của IHS Jane’s khẳng định các mảnh tên lửa bắn đi với tốc độ cực cao đã xuyên thủng phần thân máy bay này, tạo ra các lỗ nhỏ.

Theo ông Foster, dấu vết hư hại từ một vụ nổ động cơ máy bay sẽ hoàn toàn khác biệt. Đó là những vết xước vỡ dài, mảnh, chạy chéo các mảnh thân máy bay.

Quan sát của IHS Jane’s hoàn toàn trùng khớp với đặc tính của tên lửa đất đối không được thiết kế để tiêu diệt máy bay quân sự di chuyển ở tốc độ cao.

Thay vì va vào máy bay, loại tên lửa này bay theo quỹ đạo chặn đầu mục tiêu, phát nổ ở phía dưới, tạo ra một đám mây mảnh vỡ.

IHS Jane’s cho biết với các hình ảnh chụp được ở hiện trường, không thể xác định được loại tên lửa cụ thể nào đã bắn rơi máy bay. Tuy nhiên tên lửa Buk (SA-11) do Nga sản xuất có đầy đủ đặc điểm và tính năng như thế.

Tên lửa Buk dài 5,48m, nặng 680kg trước khi rời bệ phóng, có thể đạt tốc độ siêu thanh và tấn công mục tiêu ở độ cao tối đa 22.000m. Đầu đạn tên lửa chứa 20kg thuốc nổ có sức công phá cao.

Sức ép từ vụ nổ đầu đạn tên lửa lan tỏa ở khoảng cách 30-100m. Các kỹ sư Liên Xô thiết kế loại tên lửa này để bắn trúng loại máy bay chiến đấu nhỏ, nhanh và linh hoạt của quân đội phương Tây. Kể cả khi máy bay tránh được sức ép vụ nổ đầu đạn thì các mảnh vỡ tên lửa cũng sẽ phá hủy nó.

Đấu khẩu căng thẳng

Đến giờ vẫn chưa thể xác định thủ phạm bắn máy bay, nhưng những lời cáo buộc gay gắt đang liên tiếp bay qua lại giữa Kiev và Matxcơva.

Theo Itar-Tass, hôm qua trung tướng Andrei Kartapolov, đại diện quân đội Nga, khẳng định dữ liệu rađa của Matxcơva cho thấy một máy bay chiến đấu của Ukraine, có thể là một chiếc Su-25, đã bay cách chiếc Boeing của Malaysia Airlines từ 3-5km trước khi nó gặp nạn.

Ông Kartapolov cũng cho biết vệ tinh của Nga phát hiện quân đội Ukraine triển khai hệ thống tên lửa Buk ở phía đông nam nước này, bao gồm vùng Luhansk từ ngày 14-7.

Một hệ thống Buk khác cũng có mặt ở vùng Zaroshchinskoye, cách thành phố Donetsk 50km về phía đông. Trung tướng Kartapolov còn cáo buộc đoạn video quay cảnh xe chở tên lửa Buk tại biên giới Ukraine - Nga là ngụy tạo và trên thực tế được quay ở thành phố Krasnoarmeisk do chính quyền Kiev kiểm soát.

Phản ứng lại, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố quân đội Ukraine không hề triển khai máy bay chiến đấu tại Donetsk ngày 17-7.

“Đây là một tuyên bố giả dối của Nga” - ông Poroshenko nhấn mạnh. Báo Wall Street Journal dẫn lời một quan chức Mỹ khẳng định máy bay chiến đấu Ukraine không thể hoạt động ở độ cao 10km, nơi chiếc MH17 bị bắn hạ.

Trong khi đó, Đại sứ quán Mỹ tại Kiev ra thông báo rằng đoạn băng ghi âm giữa một tay súng ly khai với một sĩ quan tình báo Nga sau khi MH17 bị bắn hạ là thật.

Báo Washington Post đưa tin tình báo Ukraine đã có trong tay ảnh và các bằng chứng cho thấy ba hệ thống Buk lặng lẽ rời địa phận quân ly khai kiểm soát để trở về Nga chỉ 12 giờ sau khi máy bay rơi.

Những giả thiết nguyên nhân máy bay MH17 rơi

Hiếu Trung (Tuổi trẻ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.