“Tiền lương là một trong các yếu tố giá thành, tiền lương cao thì việc hội nhập kinh tế, xuất khẩu sẽ khó khăn”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi trao đổi với báo chí trước thềm Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2015 đang diễn ra tại Thanh Hóa.

Theo điều 90 của Bộ luật Lao động, mức tiền lương tối thiểu là mức tiền lương thấp nhất của chủ lao động trả cho người lao động theo quy định của Chính phủ.

Ông Lợi nói, trong giá thành sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam, tiền lương chiếm 18%, trong khi khu vực ASEAN chỉ khoảng 16%. Nên phải làm sao cân nhắc hài hoà lợi ích của người lao động và chủ sở hữu lao động.

“Tôi rất muốn giữa VCCI và đại diện công đoàn nên xác định mức tiền lương tối thiểu tăng lên 10% là hợp lý”, ông nói.

Người lao động có thể “thiệt” một chút

Tại sao 10% lại là hợp lý, thưa ông?

Theo nghị quyết của Quốc hội thì năm 2016, CPI cố gắng dưới 5%, nhưng nay chưa đến 2%, nếu tính thêm một bước đến năm 2016, qua Tết, lạm phát khoảng 3 - 4%, năng suất lao động khoảng 3,7%. Nếu như với xu hướng phát triển 4 - 5%, thì hai yếu tố cấu thành tiền lương tối thiểu khoảng 7 - 8%.

Trước đây tôi cho rằng lương tối thiểu tăng 10 - 12% là hợp lý, nhưng qua phân tích vừa qua, tôi thấy CPI tăng không quá 2%, nên nếu nâng mức tăng lương tối thiểu của 2016 là 10% thì đảm bảo cho các doanh nghiệp tồn tại phát triển, tránh lợi bất cập hại, giữ việc làm cho người lao động, đảm bảo phát triển ổn định.

Người lao động có thể thiệt một chút, nhưng ở 10% thì cũng đảm bảo nhu cầu và lộ trình là đến năm 2018 lương tối thiểu mới đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu. Như vậy đảm bảo hài hoà lợi ích của ba chủ thể: người lao động, chủ lao động, và Nhà nước.

Không nên nói rằng sự đấu tranh giữa hai bên là xung đột, căng thẳng mà là sự hài hoà lợi ích , nên phải có sự thông cảm và chia sẻ giữa người lao động và chủ sử dụng lao động. Để giữ cho doanh nghiệp phát triển, người lao động có việc làm.

Lộ trình tăng lương tối thiểu từng năm rõ ràng, tuy nhiên VCCI cho rằng một số yếu tố về tăng lương chưa tính đến yếu tố thị trường, ông nghĩ thế nào?

Điều 91 trong Luật Bảo hiểm xã hội đã xác định đến năm 2018 thì mọi khoản đóng mới tính trên toàn bộ thu nhập. Hai năm tới chưa tính theo tiền lương đầy đủ, nên nói vậy là chưa chuẩn.

Nhưng hiện nay vẫn còn không ít băn khoăn về tính chính xác của con số về mức sống tối thiểu?

Theo điều 90 của Bộ luật Lao động, mức tiền lương tối thiểu là mức tiền lương thấp nhất của chủ lao động trả cho người lao động theo quy định của Chính phủ, đảm bảo ba yêu cầu: một là theo nhu cầu sống tối thiểu, đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, và ba là mức tiền lương trên thị trường lao động.

Hiện nay, thị trường lao động của Việt Nam đang hoàn thiện chưa đạt đến đỉnh cao nên cần có lộ trình, cần phải đảm bảo hài hòa lợi ích hai bên. Nếu đi quá, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Trong ASEAN, chi phí lao động của doanh nghiệp Việt Nam là 18%, cao hơn của ASEAN là 16%, tức là chi phí lao động của chúng ta cao hơn, còn năng suất lao động của ta quá thấp.

Nguyên tắc tiền lương là tốc độ tăng tiền lương phải thấp hơn tốc độ tăng năng suất lao động, để có quá trình tái sản xuất và thúc đẩy kinh tế phát triển.

Nếu chúng ta làm ít ăn nhiều thì không có tích luỹ, còn làm nhiều ăn ít thì không đáp ứng tái sản xuất sức lao động.

Doanh nghiệp cũng khó khăn

Cũng có ý kiến cho rằng năng suất lao động không hoàn toàn do người lao động quyết định, mà có thể do giới chủ không chịu đầu tư để tăng năng suất?

Năng suất lao động phải đáp ứng hai yêu cầu, một là kỹ năng của người lao động, hai là cải tiến tổ chức, công nghệ.

Nhưng đây là tiền lương tối thiểu, là mức thấp nhất chủ lao động trả trong điều kiện bình thường, nên không nên đặt hoàn toàn lương tối thiểu trong yêu cầu tăng năng suất lao động.

Theo đánh giá của ông thì nếu tăng lương 10% sẽ tác động thế nào đến ngân sách?

Tăng lương 10% thì cơ bản đáp ứng nhu cầu của người lao động, theo lộ trình. Nếu tăng quá thì doanh nghiệp khó khăn, thu hẹp, việc làm giảm, khi đó ngân sách cũng bị ảnh hưởng.

Tiền lương là một trong các yếu tố giá thành, tiền lương cao thì việc hội nhập kinh tế, xuất khẩu sẽ khó khăn.

Vừa qua có rất nhiều tranh cãi về mức sống tối thiểu để từ đó tính lương tối thiểu, vậy theo ông liệu có cần đội ngũ độc lập tính toán về mức sống tối thiểu?

Cách tính nhu cầu sống tối thiểu của các nước khác nhau. Một số nước tính theo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và 50% khẩu ăn theo, còn Việt Nam thì tính theo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và 70% khẩu ăn theo, như vậy là cao hơn 20% các nước khu vực.

Một đất nước năng suất lao động đang thấp, tiền lương thấp mà an sinh xã hội đi trước một bước sẽ ảnh hưởng đến tiền lương. Vấn đề là ưu tiên cho phát triển sản xuất.

Theo ông là nhu cầu sống tối thiểu của Việt Nam đang tính theo mức cao?

Đúng vậy, như tôi đã trình bày ở trên. Điều đó chúng ta phải suy nghĩ để tính toán. Nếu cao quá trong khi năng suất lao động thấp, thì sẽ có điểm nghẽn trong phát triển kinh tế, làm tăng trưởng chậm lại.

Người lao động cũng phải đáp ứng nhu cầu tái sản xuất sức lao động, nhưng doanh nghiệp cũng phải tồn tại để tạo việc làm. Chúng ta phải tạo nguồn thu cho ngân sách. Nếu không nuôi dưỡng nguồn thu qua doanh nghiệp, thì cũng sẽ không có ngân sách.

Chúng ta đang phải đối mặt nhiều thay đổi, đồng Nhân dân tệ giảm giá, tỷ giá VND/USD điều chỉnh…. doanh nghiệp phải đối mặt nhiều khó khăn, nên phải duy trì sự phát triển cho doanh nghiệp để nuôi dưỡng nguồn thu.

Nguyên Vũ (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.