Là người nhiều năm lăn lộn trên thương trường, ông Hàng Vay Chi có một cái nhìn rất khác về kinh doanh: thành công không phải nhờ may mắn mà phải biết nắm bắt thời cơ, quyết tâm, dám làm những gì người khác sợ.
Không phải là liều lĩnh, cách kinh doanh của ông Hàng Vay Chi là sự đúc kết vô số kinh nghiệm thực tế xuyên suốt từ thời bao cấp cho đến khi các thương hiệu lớn trên thế giới vào Việt Nam đầu tư. Là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Việt Hương, ông Chi không để cho những kinh nghiệm bó buộc quyết định kinh doanh của mình mà chủ động đưa ra những ý tưởng, quyết định khá lạ trong mắt mọi người.
Phải đi trước nhiều bước
– Ông thường dấn thân vào những lĩnh vực mới manh nha trước khi nó trở thành xu hướng. Xin ông giải thích rõ hơn về quan điểm kinh doanh của ông?
Tôi có hai quan điểm làm kinh doanh. Thứ nhất là lúc đầu chưa có vốn thì chọn những ngành mới lạ, nhiều người còn lưỡng lự chưa dám đầu tư, bởi sẽ không có nhiều đối thủ. Thứ hai, khi đã tích lũy được nguồn vốn lớn, tôi chọn đầu tư những ngành đòi hỏi vốn lớn, khó làm, nâng tầm sân chơi để vượt hẳn những đối thủ khác.
– Ông quyết định đầu tư Khu công nghiệp Việt Hương 1 tại Bình Dương ở cùng thời điểm với Khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP) ngay kế bên. Đây có thể gọi là sự mạo hiểm hay không?
Có thể nói năm 1996, tôi là doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực khu công nghiệp. Quả thật, nhiều người lo lắng cho quyết định này của tôi khi một bên là doanh nghiệp tư nhân tiềm lực mỏng phải đối đầu với một công ty đa quốc gia giàu nguồn lực. Nhưng lúc đó tôi nghĩ rằng, trong một khu rừng có cọp, báo và cả hươu, nai vẫn sống được thì mình chắc chắn sống được!
– Vậy ông làm cách nào để “sống được”?
Xây dựng và đầu tư khu công nghiệp không có bí quyết gì cả, có khách thì có lời, ngược lại không có khách là lỗ. Mỗi người một cách làm, nhưng tôi chọn dịch vụ để phục vụ nhà đầu tư. Nghĩa là, tôi “hầu” nhà đầu tư bất kỳ vấn đề gì. Tại sao lại như vậy? Giá cả không phải là yếu tố quyết định thu hút nhà đầu tư, bởi vì giá đất nằm trong cơ cấu đầu tư không chiếm tỷ trọng đáng kể. Một nhà đầu tư nước ngoài đem tài sản, sự nghiệp đến Việt Nam thì phải tạo cho họ sự an tâm khi làm ăn. Tất nhiên, chính sách vĩ mô của Nhà nước là yếu tố quyết định, đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút nhà đầu tư. Với vai trò là chủ khu công nghiệp, tôi lo cho họ những vấn đề về mặt luật pháp, hành chính như: thành lập công ty, khai báo hải quan, thuế hoặc giúp họ vay vốn ngân hàng. Nhìn chung, họ nhờ bất cứ điều gì là tôi làm một cách nhiệt tình, đúng hẹn, đúng cam kết, nếu chưa thực hiện được, tôi cũng phải gặp họ giải thích lý do rõ ràng và cùng bàn phương án khác để giải quyết.
– Khi xây dựng Khu công nghiệp Việt Hương 1, ông nhắm đến phân khúc khách hàng nào và cách thức ông thu hút nhà đầu tư?
Thời điểm đó, doanh nghiệp Đài Loan sang thăm dò đầu tư tại Việt Nam khá nhiều, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tức là phải có vốn điều lệ từ 5-10 triệu USD. Các doanh nghiệp này chỉ đầu tư một khi nắm chắc cơ hội thành công. Do đó, tôi không chào mời họ mua đất tại khu công nghiệp mà nếu mua họ cũng e ngại do suất đầu tư sẽ tăng lên rất nhiều. Tôi thuê kỹ sư Đài Loan quy hoạch và xây dựng hàng loạt nhà xưởng theo đúng tiêu chuẩn bên Đài Loan và mời họ vào thuê.
Cách làm này khiến nhà đầu tư yên tâm hơn do chi phí đầu tư thấp, kinh doanh sẽ có nhiều cơ hội hơn, do dễ dàng chuyển đổi công năng. Họ cũng không e ngại phải mất thời gian bán hay mua đất. Ngoài ra, khi tôi xây nhà xưởng, cơ sở hạ tầng cho họ đồng nghĩa với việc chúng tôi cam kết đồng hành với doanh nghiệp chứ không phải bán đất xong rồi phủi tay. Khi kinh doanh thành công, họ sẽ sẵn sàng mua lại khu đất đó. Tôi cũng xin chính quyền địa phương cho thành lập một chi cục hải quan ngay trong khu công nghiệp này để giúp nhà đầu tư làm thủ tục xuất nhập hàng hóa thuận tiện hơn.
Tiền phải đẻ ra tiền
– Hiện nay đang có làn sóng chạy đua xây dựng khu công nghiệp dẫn tới tình trạng dư thừa nguồn cung. Theo ông, cần đối phó với tình trạng dư cung ra sao?
Thực tế mà nói, sản xuất kinh doanh không bao giờ bão hòa. Trong kinh doanh luôn luôn có cơ hội, quan trọng là mình có nhìn ra hay không. Nhà kinh doanh không bao giờ sử dụng từ bão hòa để định nghĩa thị trường.
– Xem ra ông nhìn mọi thứ khá lạc quan?
Kinh doanh là phải lạc quan, chứ bi quan thì vào sân chơi làm gì? Tức là mình phải tìm mọi cách xoay xở. Tôi kinh doanh hàng chục năm, chứng kiến thị trường thay đổi nhanh, hết phong trào này đến xu hướng khác khiến nhiều doanh nghiệp thành công, song không ít doanh nghiệp thất bại. Nhưng hãy xem kinh doanh là một sân chơi, thua là đi ra và coi đó là bài học cho mình.
– Vậy ông tồn tại trên thương trường đến hôm nay, phải chăng là vì ông luôn thành công?
Không phải tôi luôn luôn thành công mà chỉ là tôi ít thất bại thôi.
– Sau khi thành công với thương hiệu Việt Hương, dự định tiếp theo của ông là gì?
Lĩnh vực kinh doanh chính của tôi sẽ vẫn là khu công nghiệp. Tôi có kế hoạch tiếp tục mở rộng thêm diện tích khu công nghiệp Việt Hương 2 theo dạng cuốn chiếu, lấp đầy đến đâu mở rộng diện tích đến đó. Tuy nhiên, mục tiêu chính của tôi là sử dụng nguồn lực đầu tư bất động sản để phục vụ cho sản xuất. Quy trình của tôi hơi ngược. Thường người ta tích lũy vốn từ sản xuất rồi lấn sân sang bất động sản, còn tôi làm ngược lại bởi tôi nhìn nhận sản xuất vẫn là nền tảng và động lực phát triển chính cho kinh tế của đất nước. Quan điểm của tôi là bất động sản không tạo ra tích lũy xã hội. Do đó, tôi làm bất động sản không phải đi xây nhà, mà làm khu công nghiệp nhằm tạo ra những nguồn lợi mới, hay nói cách khác là tiền phải đẻ ra tiền.
– Trước đây ông cũng sản xuất bột canh, mỳ ăn liền mang nhãn hiệu Việt Hương và đã thất bại, có đúng không?
Năm 1984, đất nước còn nghèo, thiếu cái ăn nên tôi sản xuất mỳ ăn liền và bột canh. Khi ấy đã có thương hiệu mỳ ăn liền Miliket và Vifon, nhưng tôi dám cạnh tranh sòng phẳng với họ. Mỳ ăn liền Việt Hương bán rất chạy, hàng làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu nhờ giá rẻ và chất lượng đảm bảo. Thời điểm đó, nguồn nguyên liệu chính là bột mỳ, nhưng phải nhập khẩu và cần ngoại tệ. Nhiều doanh nghiệp chơi trò pha trộn vì thiếu nguyên liệu.
Nhưng tôi nhất quyết không làm điều đó vì tôi tâm niệm chỉ có chất lượng tốt mới đảm bảo thắng trên thương trường. Tôi sản xuất bột canh đem đổi lấy nông sản rồi mang nông sản đi xuất khẩu lấy ngoại tệ để mua bột mỳ. Nhưng đến thập niên 1990, đất nước mở cửa, các đại gia nước ngoài vào thị trường nên tôi phải né họ bằng cách ngừng sản xuất luôn, vì biết không thể cạnh tranh bằng máy móc và nguồn vốn. Mặc dù tôi tự chế tạo máy sản xuất mỳ ăn liền, nhưng là máy bán tự động, so sao được với máy tự động của họ. Cái này gọi là biết điểm dừng chứ không phải thất bại!
– Vậy ý tưởng khu công nghiệp của ông được hình thành như thế nào?
Khi sản xuất mỳ ăn liền tôi thấy cực quá, đủ thứ chuyện phải lo, tôi nghĩ tại sao không làm khu công nghiệp với vai trò “nhà cái”. Chữ “nhà cái” mang hơi hướng casino, tạo ra sân chơi để mời mọi người vào giải trí và ai cũng phải nộp tiền cho nhà cái. Làm khu công nghiệp cũng tương tự.
Tôi làm bất động sản không phải đi xây nhà mà làm khu công nghiệp nhằm tạo ra những nguồn lợi mới, hay nói cách khác là tiền phải đẻ ra tiền
– Làm khu công nghiệp chắc có lời lớn?
Trước đây làm khu công nghiệp quy mô 100 ha sẽ lời khoảng 10 triệu USD. Sau đó, có quá nhiều người cùng làm, cạnh tranh tăng lên thì lời còn khoảng 7-8 triệu USD. Hiện nay, tỷ lệ lợi nhuận chỉ vào khoảng 30% trên suất đầu tư. Nhưng làm khu công nghiệp còn có khoản tiền dịch vụ không cao lắm, khoảng vài chục nghìn đô la/tháng, nhưng đều đặn.
– Kinh doanh đa lĩnh vực, làm cách nào ông điều hành thành công tất cả các doanh nghiệp đó?
Thành bại nằm ở nhân sự. Đó là chìa khóa giải quyết mọi bài toán. Tôi rất coi trọng người giỏi, trả lương rất cao cho các vị trí chủ chốt, kể cả nhân sự nội địa lẫn nước ngoài, có chế độ xe hơi, bảo hiểm, con cái đi học miễn phí. Quan điểm chọn trợ lý của tôi là không phải làm cho hết giờ mà phải làm hết việc. Có rất nhiều người làm cho công ty tôi trên 30 năm. Tôi xuống nhà máy, điều đầu tiên là ngồi vào bàn ăn với công nhân, để xem bếp có nấu đúng theo yêu cầu của tôi hay không, đảm bảo đủ chất, no và ngon.
Tất nhiên để điều hành một công ty thành công còn phải biết cơ cấu tài chính tốt, phải biết phán đoán, tự tìm ra thị trường, đó mới là bản lĩnh của một doanh nhân. Tôi cho rằng kinh doanh không có chữ “hên”, bởi vì ai cũng có cơ hội bằng nhau.
– Cho đến thời điểm này ông đã nghĩ đến chuyện dừng lại chưa?
Điểm dừng của tôi đã được lên kế hoạch 3 năm nay. Tôi đang tìm người kế nghiệp, nhưng không hẳn là con cháu. Quan điểm của tôi rất rõ ràng, con cháu làm được việc thì mới cho làm, nên ở công ty tôi ít có người thân lắm. Con cháu không làm được việc thì có khi phá hỏng luôn công ty, nên tôi thà cho tiền để nó ra ngoài đầu tư cái khác may ra lại ăn nên làm ra.
– Xin cảm ơn ông!
Ông Hàng Vay Chi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Việt Hương
* Năm 1984, thành lập Tổ sản xuất tập thể tổ hợp Việt Hương, sản xuất mỳ ăn liền, bột canh.
* Năm 1996, xây dựng Khu công nghiệp Việt Hương 1, tổng diện tích 46 ha, đã lấp đầy.
* Năm 2005, đầu tư Khu công nghiệp Việt Hương 2, tổng diện tích 300 ha, có hơn 50 doanh nghiệp đầu tư.
* Năm 2009, đầu tư nhà máy sản xuất vải jean. * Doanh thu hàng năm của Việt Hương khoảng từ 700-800 tỷ đồng.
Đăng Lãm (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.