Quan hệ thương mại trực tiếp giữa hai nước còn ở mức thấp, song các chuyên gia cho rằng nên Việt Nam nên thận trọng với ảnh hưởng ở quy mô châu Âu và cần xem Hy Lạp là bài học.

Không lâu sau mốc 22h00 GMT ngày 30/6 (tức 5h sáng 1/7 theo giờ Hà Nội), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) xác nhận Hy Lạp đã không trả đúng hạn khoản vay 1,5 tỷ euro, khiến quốc gia này chính thức rơi vào trạng thái nợ quá hạn và không còn nhận được sự bảo hộ từ các chương trình giải cứu của châu Âu. Viễn cảnh Hy Lạp rời khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) cũng được nghĩ tới nhiều hơn.

Trao đổi với VnExpress về vấn đề này, ông Trương Văn Phước - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng khi eurozone chao đảo, chắc chắn thị trường tài chính toàn cầu sẽ phản ứng tiêu cực. Từ cuối tuần trước, chỉ số chứng khoán các thị trường lớn đa phần chìm trong sắc đỏ, đồng euro mất giá mạnh so với đôla Mỹ. Tuy nhiên, những phản ứng xấu này không kéo dài, bởi đa số nhà đầu tư vẫn bám vào hy vọng châu Âu và Hy Lạp sẽ đạt được thỏa thuận để giữ cho sân chơi eurozone ổn định. Các chỉ số Dow Jones, MSCI châu Á – Thái Bình Dương đã xanh trở lại trong phiên mới đây.

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Hy Lạp giày dép, thủy sản, điện thoại...

“Sau cuộc khủng hoảng tại Mỹ và châu Âu vào năm 2007 – 2008, các quốc gia đã có kinh nghiệm để đối phó với các cơn bão tài chính. Họ điều hành chính sách vĩ mô theo hướng cẩn trọng hơn, hạn chế tác động lây nhiễm từ các cú sốc bên ngoài”, ông Phước cho biết.

Với Việt Nam, vị chuyên gia này khuyến nghị các nhà đầu tư nên bình tâm vì tác động từ biến cố Hy Lạp lên thị trường tài chính sẽ chỉ trong ngắn hạn và là điều dễ hiểu. “Việt Nam đã hội nhập, song quy mô nền kinh tế còn nhỏ, thị trường vốn mở cửa hạn chế, chúng ta cũng đã áp dụng các biện pháp kiểm soát dòng vốn chặt chẽ nên dù có vay nợ, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam sẽ không chịu tác động lớn”, ông Phước cho biết.

Trong khi đó, theo ông Lương Văn Khôi - Trưởng ban Kinh tế thế giới thuộc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), nếu kịch bản xấu nhất là Hy Lạp rời eurozone xảy ra, quan hệ thương mại và đầu tư từ khu vực này với Việt Nam có thể bị ảnh hưởng. “Hy Lạp là nền kinh tế nhỏ trong châu Âu, song việc vỡ nợ chắc chắn khiến eurozone bị khủng hoảng. Nhu cầu hàng hóa từ Việt Nam cũng như dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của khu vực sẽ bị tác động”, ông Khôi đánh giá.

Năm 2014, Việt Nam xuất sang Hy Lạp hơn 185 triệu USD (chiếm 0,1% tổng kim ngạch xuất khẩu), chủ yếu là giày dép, thủy sản, điện thoại và các linh kiện… Tuy nhiên, cả eurozone hiện đang chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước với 22 tỷ USD trong năm ngoái. Tổng vốn đầu tư cam kết của khu vực vào Việt Nam đến tháng 6/2015 đạt gần 16 tỷ USD, chiếm 6% tổng vốn cả nước.

Cuộc khủng hoảng Hy Lạp tiếp tục là hồi chuông cảnh báo cho vấn đề nợ công, vốn đang là mối đe dọa sự phát triển bền vững của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đồng hồ nợ công toàn cầu của Economist cho thấy tính đến ngày 1/7/2015, nợ công của Việt Nam ở mức 90,4 tỷ USD, chiếm 46,4% GDP, tăng 10% so với cùng thời điểm năm ngoái. Con số này vẫn nằm trong phạm vi an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế là 65% GDP.

Theo tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nếu nhìn vào con số thống kê, nguy cơ Việt Nam rơi vào khủng hoảng nợ công không cao, song vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro về vấn đề bội chi ngân sách và khả năng thanh toán nợ trong trung và dài hạn.

“Trong tương lai ngắn hạn nợ công của Việt Nam có thể vượt ngưỡng 65% GDP, khả năng trả nợ rất khó khăn và hạn chế, xét trên những rủi ro về nợ công, quản lý nợ công và vấn về thâm hụt ngân sách”, ông Thiên cho hay.

Khủng hoảng nợ Hy Lạp là lời cảnh báo cho các quốc gia quản lý chặt chẽ nợ công.

Ngoài cách tính nợ công của Việt Nam và quốc tế có sự vênh nhau đã được nhiều chuyên gia nhắc tới, chi tiêu công của Việt Nam trong những năm gần đây chiếm tới 30% GDP, vượt xa mức tối ưu của các nền kinh tế phát triển là khoảng 15-20% GDP. Thu ngân sách cũng thiếu bền vững khi tỷ trọng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp có xu hướng giảm dần trong khi từ thuế xuất nhập khẩu và tiêu thụ đặc biệt tăng.

“Điều này tiềm ẩn nguy cơ rủi ro trong những năm tới tăng mạnh khi Việt Nam phải thực hiện các cam kết về giảm thuế xuất nhập khẩu theo yêu cầu của hội nhập thương mại quốc tế. Các khoản thu từ dầu thô và tài nguyên khác cũng không bền vững do các nguồn này là hữu hạn, đặc biệt giá dầu thô phụ thuộc vào thị trường thế giới. Thu từ viện trợ không hoàn lại có nguy cơ giảm mạnh khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thấp”, ông Thiên nhận xét.

Về vấn đề nợ nước ngoài, theo Viện trưởng Viện Kinh tế, áp lực trả nợ hiện giảm nhẹ một phần nhờ việc Chính phủ vừa phát hành thành công một tỷ USD trái phiếu quốc tế, tuy nhiên, trong những năm tiếp theo (2016-2024), ba lô trái phiếu quốc tế sẽ đáo hạn, gánh nặng sẽ rất lớn và trường kỳ.

Còn theo ông Trương Văn Phước, với một quốc gia quy mô GDP nhỏ như Việt Nam, để đạt mức tăng trưởng cao thì buộc phải đối mặt với bài toán vay nợ để có thêm nguồn lực tài chính. Vị này cũng khẳng định nợ công của Việt Nam vẫn an toàn và vững chắc bởi kinh tế đang trong đà phục hồi và Chính phủ đặt mục tiêu giảm bội chi trong ba năm tới.

“Khi GDP ngày càng tăng, bội chi ngày càng giảm thì nợ công sẽ được duy trì dưới ngưỡng 65% GDP, dự báo 2017 - 2018 có thể về 60% GDP. Hơn nữa, hơn một nửa nợ công của Việt Nam đến từ các khoản vay nước ngoài với lãi suất thấp và kỳ hạn dài nên có thể kiểm soát tốt”, vị này chia sẻ.

Nhưng việc phòng tránh một tương lai xấu xảy ra là không thừa. Theo ông Khôi, quan trọng nhất là cần nâng cao hiệu quả đầu tư công bởi nếu đầu tư không tốt, khả năng hoàn trả các khoản nợ sẽ rất khó khăn.

“Các công trình đầu tư cần phải cân đối khả năng trả nợ và thực hiện đồng bộ để đảm bảo hiệu quả khai thác, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. Không nên đầu tư quá sức bởi sẽ dẫn tới rủi ro tăng lên, mất khả năng kiểm soát”, ông Khôi cho hay.

Trong đó, ông cho rằng các bộ, ngành cần thực hiện tốt Chỉ thị 1792 về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, trọng tâm là hạn chế ứng vốn trước cho các công trình dở dang, chưa cần thực hiện. Quy trình thực hiện dự án cũng phải hiệu quả hơn từ khâu phê duyệt đến khi triển khai với các đánh giá định lượng để mang tính kiểm tra, giám sát thực chất.

Theo ông Trương Văn Phước, việc Hy Lạp vỡ nợ và rời khỏi eurozone là điều các lãnh đạo châu Âu không hề mong muốn. Với kinh nghiệm từng điều hành, quản trị ngân hàng thương mại, ông Phước nhận định chủ nợ không bao giờ muốn con nợ “chết” mà sẽ làm mọi cách để họ có khả năng thanh toán trở lại, và biện pháp hữu hiệu nhất là tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, hay trong trường hợp Hy Lạp là các chủ nợ yêu cầu nước này phải thắt lưng buộc bụng và tăng thuế để lấy nguồn hoàn trả.

"Cá nhân tôi cho rằng khả năng Hy Lạp vỡ nợ sẽ không xảy ra mà các bên sẽ có giải pháp trung hòa hơn. Hy Lạp phải nhượng bộ, họ không thể sử dụng vốn tự do khi đang trông chờ cứu trợ từ nước khác. Châu Âu cũng phải tìm ra lối thoát khả dĩ hơn để giữ eurozone được ổn định”, ông Phước cho hay.

Trong diễn biến mới nhất, Thủ tướng Hy Lạp đã chấp nhận yêu cầu của chủ nợ để đổi lấy một gói cứu trợ từ châu Âu.

Phương Linh (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.