Trung Quốc nhiều tàu, kinh tế đứng thứ 2 thế giới nhưng không phải họ muốn làm gì thì làm - Thiếu tướng, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Phó Tham mưu trưởng kiêm Trưởng phòng tác chiến của Hải quân VN, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân VN chia sẻ.

Cảm xúc của ông lúc này khi xem những hình ảnh tàu Trung Quốc hung hăng đâm rách tàu Việt Nam vừa được công bố?

Là một quân nhân đã từng hoạt động trên biển, hành động đó của TQ là hành động xâm phạm đến lương tri của loài người, đồng thời là một hành động đe dọa và áp đặt.

Thiếu tướng, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: VN phải quyết tâm làm đến cùng, làm cho đến bao giờ TQ rút giàn khoan

TQ nhiều tàu, họ giàu, kinh tế đứng thứ 2 thế giới nhưng không phải họ muốn làm gì thì làm. Chúng ta cũng đủ sức để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của chúng ta trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế.

Ý đồ của TQ

Chuẩn đô đốc đánh giá ra sao về hành động gây hấn của TQ?

VN làm nhiệm vụ bảo vệ quyền chủ quyền của mình trên thềm lục địa của mình, vậy tại sao TQ ngang nhiên làm những việc vô lương tâm và chống lại những luật được qui định trong luật Biển quốc tế, cũng như tuyên bố những ứng xử trên biển đông DOC giữa TQ với các nước ASEAN, cụ thể là với VN.

80 tàu của TQ xâm phạm trái phép và hung hăng đâm vào tàu VN khiến cho cả vùng biển khu vực đó bị xáo trộn, ảnh hưởng đến tự do hàng hải, ảnh hưởng đến hòa bình, làm ăn của nhân dân ở trên biển. Việc này là hoàn toàn sai trái và phải lên án.

Trong cuộc họp báo chiều 7/5, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển VN Ngô Ngọc Thu khẳng định, mọi sự chịu đựng đều có giới hạn. Nếu tiếp tục đâm vào chúng tôi, chúng tôi sẽ có tự vệ tương tự để đáp lại. Trước đó, VN cũng gửi công hàm, điện đàm yêu cầu TQ rút giàn khoan. Quan điểm của ông về những phản ứng này?

Đó là những động thái rất đúng. Truyền thống của người VN rất yêu hòa bình, rất muốn hữu nghị với các nước nhưng khi anh đã tự gây nên những xung đột gây căng thẳng với các nước láng giềng, tôi nghĩ nước nào cũng vậy thôi, phải chống lại.

VN phải quyết tâm làm đến cùng, làm cho đến bao giờ TQ kéo giàn khoan đấy về lãnh hải của họ.

Ông dự đoán bước tiếp theo của TQ là gì?

Vấn đề TQ đưa giàn khoan ra Biển Đông thuộc chủ quyền của VN, giàn khoan này TQ sản xuất cách đây lâu rồi và tốn không ít tiền, chưa dùng vào đâu cả. Vậy thì, đây là thời cơ tốt để TQ đưa xuống đặt ở Biển Đông.

Nếu họ đặt được thì đây không chỉ là vấn đề phát triển kinh tế, đào dầu đào khí mà còn là một trạm quan sát chỉ huy điều khiển ở trung tâm Biển Đông. Trung tâm này ảnh hưởng đến chủ quyền của VN đã đành, nhưng tự do hàng hải và làm ăn của các nước trên Biển Đông sẽ ảnh hưởng.

VN phải thấy được ý đồ này.

Tại sao ông lại nói đây là thời điểm tốt để TQ đặt giàn khoan?

Do tình hình thời cuộc của khu vực và thế giới. Châu Âu và Mỹ đang sa lầy ở Ukraina và Nga cũng không chịu để châu Âu và Mỹ nắm Ukraina.

Thứ hai, sắp sửa diễn ra hội nghị ASEAN. TQ đặt giàn khoan vào lúc lực lượng thế giới đang bị phân tán và thiếu chú ý thì là một thời điểm thuận lợi.

Tiếp nữa, hoạt động trên Biển Đông còn phải theo điều kiện thời tiết. Từ bây giờ đến tháng 8, Biển Đông tương đối ít bão. Còn nếu nhiều bão, 80 chục chiếc tàu của TQ khó mà tồn tại trên biển được.

Xây dựng hải quân, không quân mạnh

Những năm đầu 1960, ông từng được cử đi học ở trường Chỉ huy hải quân TQ, ông hiểu ra sao về ý đồ của TQ qua những lần gây hấn trên Biển Đông?

Trước hết phải nói rằng, nhân dân TQ, nhân dân lao động TQ rất tốt, rất hữu nghị và xưa nay tình cảm giữa người dân TQ với VN xem như là tình cảm anh em.

Tôi nghĩ người VN tôn trọng và hy vọng người dân TQ thấy được lẽ phải để đấu tranh. Tôi không bao giờ có một mặc cảm nào với người dân TQ nhưng tôi chống lại bá quyền, nước lớn cường quyền của những người lãnh đạo TQ ở các thời kỳ.

- VN cần phải làm gì nữa để bảo vệ chủ quyền biển đảo?

VN phải dùng biện pháp tổng hợp mạnh có đấu tranh ngoại giao, chính trị, có sức ép của quần chúng, đặt biệt là sức ép của những người dân có lương tri của TQ, thấy những hành động này của nhà cầm quyền TQ là vi phạm Hiến chương LHQ, vi phạm luật Biển quốc tế, vi phạm DOC và từ trong người dân TQ thấy được cái sai trái của các nhà đương quyền.

Nhưng trước hết, nhân dân phải đoàn kết, phải có chí lớn làm chủ cho được vùng biển của mình. Nhân dân phải có dũng khí, chí khí và quyết tâm để làm được điều đó, đó chính là sức mạnh của toàn dân.

Cũng trong dũng khí và quyết tâm của nhân dân, VN phải tự thân xây dựng lực lượng hải quân và không quân vững mạnh.

Phải tranh thủ được sự ủng hộ và đoàn kết quốc tế, trước hết là đoàn kết 10 nước trong khối ASEAN, nhất là các nước có lợi ích trực tiếp với Biển Đông như Philippines, Malaysia, Indonesia.

Tá Lâm (VietNamNet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.