Đó là lộ trình phát triển thương mại điện tử quốc gia và các đạo luật công bằng cho doanh nghiệp nội và ngoại.

Phát ngôn viên của Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) xác nhận Chủ tịch Jack Ma đã nhận lời làm cố vấn chuyên môn thương mại điện tử cho chính phủ Indonesia. Với vai trò là một "ông cố vấn", Jack Ma sẽ làm việc cùng ủy ban chuyên trách gồm 10 vị bộ trưởng do Indonesia thành lập.

Jack Ma nhận lời làm cố vấn thương mại điện tử cho Indonesia. Ảnh: AP

Quyết định này hợp với mong muốn của Jakarta, nhưng phản ứng từ nhiều chuyên gia phân tích lại là điều được quan tâm hơn cả.

Theo TechInAsia, không ít người đã lên tiếng cảnh báo về một "cuộc xung đột lợi ích tiềm tàng" tại đất nước đông dân nhất Đông Nam Á này. Nguyên nhân chính bởi Alibaba đang nắm cổ phần kiểm soát tại công ty thương mại điện tử Lazada hoạt động tại Indonesia, dấy lên lo ngại các startup địa phương có thể rơi vào tầm kiểm soát của Jack Ma.

Tuy nhiên, trang Jakart Post lại đưa ra một góc nhìn khác và xem đây là điều tốt đẹp bởi việc bổ nhiệm Jack Ma không phải là vấn đề thực sự lớn. Là người cố vấn chuyên môn cho chính phủ Indonesia cũng như ủy ban chuyên trách, Jack Ma không thể tác động gì tới các chính sách tương lai về thương mại điện tử tại đây. Ông chỉ có nhiệm vụ đưa ra các gợi ý nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ tại Indonesia vững mạnh hơn và tiến vào các thị trường quốc tế, trong đó có Trung Quốc.

Hiệp hội Thương mại điện tử Indonesia (IDEA) cũng góp mặt để tham vấn cho ủy ban cũng như chính quyền. Aulia Marinto, người đứng đầu IDEA khẳng định không chỉ Jack Ma mà các nhân vật có ảnh hưởng trong nước cũng như quốc tế đều được tham khảo ý kiến liên quan tới thương mại điện tử. Bên cạnh đó, ông Aulia nhấn mạnh Indonesia sẽ không nhất nhất đi theo những gì mà Jack Ma đề xuất, mà chỉ sử dụng để tham khảo.

Việc định đoạt một thị trường thương mại điện tử xấu đi hay tốt hơn phụ thuộc vào ủy ban do 10 vị bộ trưởng đứng đầu, nơi sẽ cho ra đời các quy định để điều phối nền kinh tế số quốc gia. Tuy nhiên, dù khởi động từ tháng 4/2015, tới nay, các cuộc thảo luận giữa chính phủ Indonesia và doanh nghiệp thương mại điện tử liên quan đến lộ trình phát triển ngành này vẫn chưa có kết quả cuối cùng. Lộ trình được kỳ vọng xác định rõ trách nhiệm của từng bộ và khung luật cơ bản về đầu tư từ khối ngoại, thuế, an ninh mạng...

Nhưng vấn đề lớn hơn là Indonesia vẫn chưa dứt khoát được câu chuyện về bảo hộ và các chính sách mở cho khối ngoại. Các nhà làm luật đến nay vẫn đối mặt với một mớ bòng bong giữa lợi ích các bên. Nhiều ý kiến đã yêu cầu chính quyền thêm các biện pháp bảo hộ cho doanh nghiệp trong nước, trong đó có các website thương mại điện tử.

"Nếu cứ để mọi thứ tự phát triển, các doanh nghiệp thương mại điện tử nội địa sẽ biến mất. Chúng ta có thể thấy trước kết quả này khi nhìn sang Ấn Độ, nơi Amazon tràn đến và 'kết liễu' các công ty nội địa ở đây", Andi Boediman, lãnh đạo công ty Ideosource hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử quan ngại. Andi thừa nhận Indonesia cần vốn ngoại đầu tư cũng như học cách vươn ra khỏi biên giới, nhưng đồng thời hy vọng sẽ có được môi trường kinh doanh công bằng.

Song trên thực tế, người tiêu dùng Indonesia dường như chẳng quan tâm tới việc sản phẩm hay dịch vụ có xuất xứ từ đâu, miễn sao đáp ứng được tiêu chuẩn và kỳ vọng của họ. Nếu chỉ "Made in Indonesia" thì không đủ tạo nên sự khác biệt. Ví dụ số phận của Imes, phần mềm nhắn tin "chính chủ" Indonesia như chưa từng tồn tại chỉ vì nhận quá nhiều đánh giá kém.

Thói quen này của người tiêu dùng khiến các nhà làm luật trong nước khó tìm được một đạo luật công bằng cho cả đôi bên nội - ngoại. Bên cạnh đó, mục đích làm ra luật để các công ty nội địa có thể phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng trong một góc tối nào đó, sức mạnh của đồng tiền từ các đơn vị lớn vẫn có trọng lượng nhất định.

Thương mại điện tử Indonesia lúc này như "lạc giữa đôi dòng" khi một mặt là mở cửa để đón luồng đầu tư lớn từ bên ngoài, có kiểm soát và áp các loại thuế để bảo vệ doanh nghiệp nội. Mặt khác, Jakarta sẽ mạo hiểm bởi các chính sách mạnh tay có thể khiến thị trường kém hấp dẫn hơn trong mắt công ty ngoại.

Khánh Linh (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.