Thường trực Chính phủ trong cuộc họp chiều nay đã đồng ý với đề xuất của Bộ Công thương nâng giá bán lẻ điện bình quân thêm 7,5%, và thời gian áp dụng giá mới sẽ bắt đầu từ ngày 16-3. Ngay lập tức, đại diện một số ngành sản xuất và chuyên gia kinh tế đã bày tỏ lo lắng, và cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế chưa thực sự phục hồi thì chi phí sản xuất tăng sẽ tạo thêm gánh nặng lên vai doanh nghiệp.

Giá điện đã được thống nhất tăng 7,5% từ ngày 16-3 tới - Ảnh: Văn Nam

Chiều 5-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ để nghe Bộ Công Thương báo cáo phương án điều chỉnh giá bán điện năm 2015.

Tại cuộc họp, sau khi nghe Bộ Công Thương và EVN báo cáo các phương án điều chỉnh giá điện, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành đã thảo luận và nhất trí việc điều chỉnh tăng giá bán điện.

Theo đó, Thường trực Chính phủ đồng ý điều chỉnh giá bán điện tăng 7,5%, tương ứng giá bán điện bình quân 1.622,05 đồng/kWh và thời điểm điều chỉnh giá bán điện từ ngày 16-3-2015.

Theo nội dung cuộc họp, với mức tăng 7,5%, việc điều chỉnh giá điện lần này đảm bảo các yêu cầu EVN không bị lỗ (nếu không điều chỉnh, năm 2015, EVN sẽ lỗ khoảng 12.000 tỉ đồng); giành một phần để giảm khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá các năm trước để lại (hiện còn khoảng 8.000 tỉ đồng). Việc tăng giá điện cũng phải đảm bảo cho nền kinh tế đạt mức tăng trưởng GDP 6,2%, và bảo đảm kiểm soát lạm phát khoảng 5%.

Phản ứng trước thông tin về khả năng giá điện sẽ tăng 7,5% trong nay mai, ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt, cho rằng việc giá điện tăng 7,5% chắc chắn sẽ tác động rất lớn đến ngành sản xuất thép. Chính phủ cần phải cân nhắc rất thận trọng mức tăng giá điện bởi tăng giá điện sẽ kéo theo chi phí tăng, khiến cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp suy giảm.

Theo ông Thái, nếu buộc phải tăng giá điện thì không nên tăng cao quá, chẳng hạn như nếu buộc phải tăng thì nên có lộ trình, mỗi lần tăng trên dưới 5% là được.

Trong khi đó, ông Trần Tuấn Dương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thép Hòa Phát, lại không bất ngờ trước việc tăng giá điện sắp tới. “Tôi không có phản ứng, phản đối gì việc tăng giá điện lần này. Biến động của giá điện cuối cùng cũng sẽ phải tính hết vào giá bán sản phẩm,” ông Dương nhận định.

Còn theo phân tích của chuyên gia ngành thép lâu năm là ông Phạm Chí Cường, điện chiếm 6-7% trong chi phí trong giá thành sản xuất phôi thép. Mỗi tấn phôi thép hiện nay cần khoảng 400 – 500 kWh điện bởi hiện có đến khoảng 70% lò phôi thép cả nước đang sử dụng công nghệ lò luyện phôi điện hồ quang.

Cũng theo ông Cường, nếu giá điện tăng thêm 7,5% chắc chắn sẽ làm suy giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp ngành thép, đặc biệt trong bối cảnh giá phôi thép từ các nước khác như Trung Quốc, Nhật Bản chào bán vào Việt Nam ngày càng rẻ.

Trao đổi với TBKTSG Online tối nay (5-3), chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng ngay từ năm ngoái khi EVN đề xuất mức tăng giá điện 9,5%,bà đã có ý kiến phản biện. Theo bà Lan trong lúc giá dầu vừa giảm, chi phí đầu vào một số ngành sản xuất vừa giảm chút ít, doanh nghiệp chưa kịp mừng thì thông tin tăng giá điện khiến các doanh nghiệp thêm phần lo âu trở lại.

“Quan sát bao năm qua tôi thấy hễ mỗi khi EVN đề xuất tăng giá điện thì cuối cùng vẫn được nhà nước chấp thuận, các ý kiến phản biện của các chuyên gia kinh tế dường như không có tác dụng gì. Trong khi điện vẫn là ngành độc quyền thì giá điện tăng sẽ tiếp tục tạo gánh nặng cho nhiều ngành sản xuất khác trong thời gian tới,” bà Lan nhận định.

Theo bà Lan, hiện nay sức mua cũng như sức khỏe nền kinh tế vẫn chưa thực sự phục hồi. Trong lúc nhà nước cứ hô hào kêu doanh nghiệp tăng cường năng lực cạnh tranh mà giá đầu vào sản xuất cứ tăng như giá điện thì sẽ rất khó cho doanh nghiệp.

Văn Nam - Ngọc Lan (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.