Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đồng loạt trừng phạt mạnh tay hơn với Nga, thể hiện quan điểm rõ ràng và cứng rắn sau khi Tổng thống Putin làm chủ bàn cờ trong thời gian khá dài. Giờ đây, tất cả đang dõi theo các động thái của ông Putin.

Khép cửa thị trường vốn, công nghệ

Bất chấp miền Đông Ukraine vài ngày qua đã lặng tiếng súng, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vẫn quyết định áp lệnh trừng phạt - đã được xem xét cân nhắc trong suốt gần 2 tuần qua - lên Nga, bắt đầu từ ngày 12/9. Lần này, trọng tâm của sự trừng phạt là thắt chặt các dịch vụ tài chính đối với Moscow.

Theo đó, các lệnh trừng phạt cứng rắn tương đối giống Mỹ của EU sẽ hạn chế con đường vay vốn của một số công ty dầu khí lớn, một số ngân hàng quốc doanh, các nhà sản xuất vũ khí cũng như ngăn cản việc cung cấp thiết bị và công nghệ phục vụ phục vụ khai thác dầu và khí đốt ở Bắc Cực và các vùng biển sâu.

Theo Bloomberg, hàng loạt các ngân hàng hàng đầu của Nga như Sberbank, VTB, Gazprombank, Vnesheconombank (VEB) và Rosselkhozbank hay công ty dầu khí lớn như Rosneft, Transneft, GazpromNeft đã bị hạn chế tiếp cận các khoản vay có thời hạn tương ứng trên 30 và 90 ngày. Một số doanh nghiệp quốc phòng cũng bị chặn đường vay vốn và một số cá nhân người Nga bị cáo buộc gây bất ổn ở Ukraine bị cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản.

Quyết định trừng phạt Nga là cả vấn đề gây tranh cãi với phương Tây.

Các lệnh trừng phạt này là gói thứ 2 mà phương Tây áp đặt lên Nga kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng và xung đột ở Ukraine khiến khoảng 3.000 người thiệt mạng, sau khi quốc gia này có chính quyền mới và đi theo hướng thân phương Tây, thay vì gắn bó với Nga như trước đó.

Với Tổng thống Mỹ Obama, quyết định trừng phạt có lẽ không mấy khó nước Mỹ không phụ thuộc nhiều vào Nga, quan hệ kinh tế thương mại chiếm tỷ trọng không lớn. Nhưng với EU, đây là một câu chuyện hoàn toàn khác. Quyết định trừng phạt Nga là cả một vấn đề tranh cãi.

Phát biểu với báo chí sau khi lặng lẽ thông báo về thời điểm lệnh trừng phạt Nga có hiệu lực, chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Barroso cho rằng EU sẵn sàng lắng nghe người Nga nhưng cũng không từ bỏ các nguyên tắc và giá trị của mình.

“Chúng tôi muốn gửi một tín hiệu rõ ràng tới nước Nga rằng hành động của họ phải trả giá”, Bloomberg dẫn lời ông Jose Barroso.

Biện pháp mới rõ ràng là một nỗ lực của EU nhằm gia tăng áp lực lên Nga trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Tuy nhiên, EU cũng không quên mở lối cho việc giải quyết sự căng thẳng bằng các biện pháp khác.

Theo Reuters, ông Herman Van Rompuy, chủ tịch hội đồng châu Âu, cho biết EU sẽ xem xét kết quả lệnh ngừng bắn ở miền đông Ukraine vào cuối tháng này và có thể sửa đổi, ngừng hoặc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ lệnh trừng phạt.

EU vẫn chia rẽ

Theo cáo buộc của EU và Hoa Kỳ, Nga vẫn còn đang duy trì khoảng 1.000 quân hoạt động ở miền đông Ukraine và vẫn trực tiếp hậu thuẫn phe ly khai thân Nga ở vùng Donetsk và Luhansk cho dù Moscow đã phủ nhận tất cả các cáo buộc này.

Ngay cả Đức, Pháp và Anh vốn có khá nhiều mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Nga trước đó cũng đã chấp nhận các “tác dụng phụ” từ các lệnh trừng phạt áp dụng lên Nga. Có lẽ EU muốn ngăn chặn những bước đi khó lường như trong vài tháng qua của Tổng thống Nga Putin.

Mặc dù vậy, có một thực tế là, nền kinh tế 28 nước EU phát triển không đồng đều và có mối quan hệ kinh tế khác nhau với Nga. Rất nhiều nước thuộc liên minh này như Áo, Phần Lan, Ý, Slovakia và Hungary công khai bày tỏ sự nghi vấn về mức độ hiệu quả của các lệnh trừng phạt và kêu gọi trì hoãn hoạt động thực thi.

Trong quyết định trừng phạt lần này, lối thoát cho sự căng thẳng Nga-EU đã được để ngỏ và có thể được chính EU lựa chọn khi đánh giá về tình hình hòa giải tại Ukraine vào cuối tháng 9. Nó có thể khiến EU linh hoạt trong việc xử lý sự việc theo hướng không đẩy nó vào thế bế tắc.

Giờ tất cả đang dõi theo hành động của Tổng thống Nga Putin

Với những diễn biến “lặng tiếng súng” như trong vài ngày qua tại miền đông Ukraine và có lẽ chỉ một vài hành động tích cực nữa từ phía Nga thì tình hình sẽ được giải quyết.

Tuy nhiên, cũng có điều mà nhiều người lo ngại là liệu Nga mà đại diện là Tổng thống Vladimir Putin có hay không sẽ nhanh chóng đáp trả những lệnh trừng phạt mà EU có lẽ buộc phải theo đuổi nói trên.

Ngày 12/9, Tổng thống Nga Putin đã kêu gọi thực hiện các nỗ lực mới nhằm tăng cường hợp tác với Trung Quốc và các nước từng thuộc Liên Xô tại khu vực Trung Á nhằm giảm thiểu ảnh hưởng do lệnh trừng phạt của EU và Mỹ đối với kinh tế Nga. Một hành lang kinh tế Nga - Mông Cổ - Trung Quốc cũng đã được đề cập.

Ngay sau khi EU tuyên bố thời điểm áp dụng lệnh trừng phạt, chính quyền Moscow cũng đã phát đi tín hiệu sẵn sàng trả đũa, nhắm vào một số loại hàng hóa tiêu dùng của châu Âu nhập khẩu vào Nga như xe hơi đã qua sử dụng, quần áo...

Nga cũng đã đặt 100.00 binh sĩ thuộc Quân khu miền Đông đang trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao nhất khi Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh tập trận bất ngờ.

Tuy nhiên, cũng có tín hiệu cho thấy Nga sẽ tìm các biện pháp hợp lý hơn. Bộ trưởng Kinh tế Nga Aleksey Ulyukaev ngày 12/9 cho biết, Nga sẵn sàng đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về các biện pháp trừng phạt mà phương Tây vừa áp lên Nga.

Châu Âu dường như khó lùi bước trong khi Nga cũng luôn cứng rắn. EU đã đi một bước quan trọng, thể hiện quan điểm rõ ràng và cứng rắn của phương Tây sau khi Putin làm chủ bàn cờ trong một thời gian khá dài. Giờ đây, tất cả đang dõi theo các động thái của ông Putin.

Văn Minh (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.