Đã 5 tháng nay, Alejandro Martinez không thể đến nhà máy, vì sợ bị nhóm côn đồ giết hoặc bắt cóc.
Martinez (40 tuổi) có một nhà máy tại khu vực rất phức tạp ở thủ đô Caracas (Venezuela). Ở đây có một nhóm đầu gấu trang bị vũ khí, thường xuyên yêu cầu các doanh nghiệp phải "trả thuế" thì mới không bị chúng tấn công.
"Chúng sẽ dí súng vào đầu những ai không trả loại thuế này và đe dọa sẽ giết hoặc bắt cóc họ", ông nói. Tuy nhiên, Martinez lại không muốn trả tiền, hùa theo những hành động phạm pháp của chúng. Thế nên ông đành chọn cách ngồi nhà.
Martinez bị liệt sau một tai nạn lướt sóng năm 20 tuổi. Ông là chủ của Discapaland - công ty duy nhất ở Venezuela chuyên thiết kế các sản phẩm dành cho người khuyết tật, như nạng, đường dốc cho xe lăn, và xà kép.
Alejandro Martinez không thể đến nhà máy vì nhóm côn đồ. Ảnh: BBC
Sau khi chứng kiến một người bạn bị bắt cóc vì không trả "thuế bảo vệ", ông bắt đầu lo sợ rằng nhóm côn đồ kia sớm muộn gì cũng sẽ chĩa súng vào đầu ông. Tất nhiên, bạn ông sau đó cũng được thả ra sau khi gia đình bà trả cho chúng một khoản tiền chuộc.
"Ngày nào tôi cũng bị dày vò bởi tâm lý sợ hãi ấy. Cứ nghĩ đến việc mình có thể sẽ là nạn nhân tiếp theo bị bắt cóc là tôi là không thể yên tâm làm việc được", ông Martinez nói.
Kết quả là, suốt 5 tháng qua, ông Martinez và hai nhân viên của mình không tới nhà máy làm việc. Họ sống nhờ vào việc bán một số sản phẩm tồn kho của công ty. Lần gần đây nhất Martinez tới thăm nhà máy là vào tháng 12/2015. Ông cho biết không còn khả năng đối phó lại nhóm mafia tư xưng là "Công đoàn" đó.
Nhưng dù không bị các nhóm đầu gấu có vũ trang đe dọa, đây vẫn là thời điểm rất khó khăn để kinh doanh ở Venezuela, đặc biệt khi tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát tăng cao.
Theo báo cáo "Doing Business 2016" của Ngân hàng Thế giới, Venezuela là nền kinh tế khó làm ăn thứ 4 thế giới, sau Nam Sudan, Libya và Eritrea. Nước này có điểm rất thấp ở 10 chỉ tiêu đánh giá, từ mức độ dễ dàng để khởi nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư cho tới xuất - nhập khẩu.
Kinh tế Venezuela đang tiếp tục lún sâu vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong hơn 70 năm qua. GDP nước này được dự báo giảm 8% năm nay. Hai thách thức lớn nhất với doanh nghiệp nhỏ tại Venezuela là lạm phát cao nhất thế giới - gần 700% và những biện pháp kiểm soát ngoại tệ nghiêm ngặt. Ngoài ra, những áp đặt của chính phủ về giá cả đối với khu vực tư nhân và nạn tham nhũng cũng là những trở ngại lớn.
Trong bối cảnh này, ba nhà sáng lập ra nhà máy bia Coronarias (Caracas) – anh Juan Manuel Torres, Daniel Dimas, và Rafael Rojas cũng đành phải buôn lậu các nguyên liệu thô cần thiết, như lúa mạch và hoa bia, để sản xuất bia trong nước.
"Chúng tôi nhét các nguyên liệu vào hành lý mỗi khi đi ra nước ngoài. Đó có lẽ là giải pháp duy nhất", anh Juan Manuel Torres, 24 tuổi, cho biết. Ba người tiết lộ rằng họ cũng phải mua USD từ chợ đen.
Đổi lại, nhà máy ở phía đông Caracas của họ lại có thể sản xuất ra 1000 lít bia mỗi tháng. "Bấy nhiêu thôi cũng đủ cho khách hàng của chúng tôi rồi", họ nói.
Điều kiện kinh tế khó khăn càng càng làm tăng xu hướng di cư của người Venezuela. Theo ước tính, 1,5 triệu người - gần 6% dân số - đã di cư ra nước ngoài từ năm 2010.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều doanh nhân trẻ khác quyết tâm ở lại với nỗ lực cải thiện đất nước. Ba anh em nhà Maduro, gồm Alejandro (27 tuổi), Enrique (24 tuổi), và Carlos (30 tuổi) là một ví dụ điển hình. Họ thành lập và quản lý chuỗi siêu thi Rapikito (gồm 4 siêu thị nhỏ) từ năm 2012 bằng cả tiền túi và đi vay ngân hàng.
Do tình trạng thiếu thực phẩm trầm trọng tại Venezuela, hiện họ không thể tìm được nguồn cung bánh mỳ, rau hay thịt. Vì vậy, Rapikito tập trung bán khoai tây chiên, bánh kẹo, rượu và nước ngọt.
Anh Alejandro cho biết, họ vẫn bám trụ với việc kinh doanh hiện tại nói riêng và Venezuela nói chung, bất chấp lạm phát trên trời và các biện pháo kiểm soát của Chính phủ. "Nếu chúng tôi mà rời đi, Venezuela còn lại cái gì nữa?", anh nói.
Martinez cũng vậy. Dù bị ám ảnh tâm lý, ông cho biết sẽ xây một nhà máy mới tại khu vực an toàn hơn của Caracas. Ông nói: "Chúng ta cần phải dần quen với cụm từ "Made in Venezuela".
Kim Dung (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.