Ông Matthew Alan White, Thành viên sáng lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn NU là một chuyên gia tư vấn tài chính đến từ Hoa Kỳ, đã sống và làm việc ở Việt Nam gần mười năm qua, từ khi một quỹ đầu tư do ông điều hành thoái vốn khỏi một dự án lớn tại Quảng Nam.
Ông được biết đến là cố vấn chiến lược tài chính, gây dựng vốn, mua bán sáp nhập công ty cho nhiều doanh nghiệp lớn. Từ kinh nghiệm của mình, ông nhận thấy nhiều doanh nhân nữ chưa biết tận dụng tốt các nguồn đầu tư từ bên ngoài. Vì vậy, ông cùng hai thành viên khác đã sáng lập một tổ chức chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn chiến lược tài chính, mua bán sáp nhập doanh nghiệp xuyên quốc gia dành cho các doanh nghiệp nữ. Câu chuyện với ông Matthew bắt đầu từ những ngày mới qua Việt Nam:

Trước khi đến Việt Nam, tôi sống và làm việc tại San Francisco, California (Hoa Kỳ) và là giám đốc điều hành một quỹ đầu tư trong ngành giải trí ở các nước đang phát triển. Năm 2007, quỹ này đầu tư một khu phức hợp khách sạn, sòng bài trị giá 4,3 tỉ USD tại Quảng Nam và đây là lần đầu tiên tôi có dịp đến đất nước các bạn. Thật không may, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới một năm sau đó đã khiến các quỹ đầu tư thoái vốn, những người làm nghề như tôi rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Trong nỗi thất vọng cùng cực, tôi nhìn trên bản đồ thế giới, tự hỏi là qua cơn khủng hoảng, dòng tiền sẽ chảy về đâu? Tôi quyết định ở lại đất nước này vì dự đoán dòng tiền sẽ chảy về khu vực Đông Nam Á và thực tế đúng như vậy.

Sao ông không đến Singapore hay Hongkong, nơi mà cách đây mười năm ngành tư vấn tài chính thuận lợi hơn Việt Nam rất nhiều?

Singapore và Hongkong lúc đó là điểm đến phổ biến với các ngân hàng đầu tư từ Mỹ. Tôi chọn Việt Nam vì đây là một nước tiềm năng lớn trong khu vực dù ngành mua bán, sáp nhập hầu như chỉ mới manh nha phát triển. Tôi nghĩ rằng trong một thị trường quy mô nhỏ, sự đóng góp của mình mới có thể mang lại ảnh hưởng lớn cho doanh nghiệp lẫn xã hội.

Để đóng góp cho thị trường Việt Nam, tôi đã phải tìm hiểu các đường đi, nước bước trong thị trường đó. Và quá trình tôi “lăn lộn” trên thị trường cũng gian khổ và trầy vi tróc vảy chứ không đơn giản.

Quá trình “lăn lộn” ấy chắc hẳn đã làm thay đổi suy nghĩ của ông?

Con người tôi đã thay đổi rất nhiều, khả năng thích nghi tốt hơn. Tôi giống như một khối hình vuông đã được mài mòn các góc cạnh vậy. Từ một người cứng nhắc, quyết đoán nay tôi đã cởi mở hơn trong suy nghĩ, biết lắng nghe, cảm thông và chấp nhận những việc nằm ngoài tầm kiểm soát của mình.

Tôi đã mất khoảng năm năm mới làm quen được văn hóa và cách làm ăn ở Việt Nam. Tôi không khỏi thất vọng khi từ nước Mỹ với ngành tư vấn M&A phát triển đến một nước chưa có khái niệm rõ ràng về hoạt động này. Giai đoạn đầu hầu như ngày nào tôi cũng cảm thấy chán nản, thất vọng đến nỗi mỗi sáng, tôi đều tự hỏi mình đang làm gì ở đây. Nhưng rồi tôi quyết tâm không bỏ cuộc. Tôi bắt đầu tìm hiểu từng nét văn hóa Việt Nam, từng ngõ ngách giao thương ở nơi đây.

Con đường học hỏi, tiếp thu những điều mới mẻ là cơ hội tích lũy kinh nghiệm, tái sinh năng lượng. Đến nay, tuy mỗi ngày tôi vẫn không ngừng học hỏi những điều mới mẻ nhưng đôi chân tôi đã “cắm rễ” khá vững trên mảnh đất này, không còn chênh vênh như thời gian trước. Và mỗi sáng thức dậy, tôi cảm thấy hạnh phúc và tự tin vì biết mọi vấn đề tôi hầu như đều có thể tìm ra giải pháp khả dĩ nào đó và tôi vui khi thấy thị trường ngày càng phát triển.

Việc kinh doanh của tôi nay cũng đang rất thuận lợi. Tôi đã có vai trò trong thành công của khá nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập lớn. Quả thật, người nước ngoài muốn kinh doanh, làm ăn trên đất nước hình chữ S này không dễ dàng, có rất nhiều chuyện chỉ có thể thốt lên “TIV!” (This is Vietnam!). Vì vậy, một số quỹ đầu tư từ New York, Hongkong cũng tìm đến tôi để được tư vấn về con đường đầu tư tại Việt Nam.

Đâu là điều khó khăn nhất mà người nước ngoài hay gặp khi làm ăn ở Việt Nam, thưa ông?

Đó là cách lãnh đạo nắm quyền kiểm soát ở các tổ chức, doanh nghiệp. Ở Mỹ, trong tổ chức, doanh nghiệp, mỗi cá nhân được phân quyền để có thể ra quyết định ở những việc thuộc thẩm quyền của mình. Còn ở Việt Nam, người đứng đầu luôn nắm mọi quyền kiểm soát. Thực tế, một nhà lãnh đạo tốt sẽ không muốn nắm giữ quá nhiều quyền lực.

Điều họ cần là một hệ thống trong đó nhiều người khác có thể góp phần vào quá trình ra quyết định. Khi đó, người lãnh đạo không chỉ có thêm nhiều ý tưởng hay cho việc kinh doanh, quản trị mà còn nhận ra rằng chính mình cũng có những thiên kiến, những sai lầm về tư tưởng và tính vị kỷ.

Chỉ khi giảm bớt sự kiểm soát, doanh nhân mới thu lại được nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng tư tưởng này chỉ mang tính nhất thời và sẽ thay đổi theo tiến trình phát triển kinh tế. Tôi nghĩ sự thay đổi sẽ đến trong vòng 20 năm nữa, khi thị trường thế giới ngày càng rộng mở sau khi Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương và các hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA).

Một vấn đề rất lớn nữa ở doanh nghiệp Việt Nam là thiếu minh bạch trong kiểm toán báo cáo tài chính, trong việc quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ. Khi đi làm tư vấn, tôi gặp khá nhiều doanh nghiệp thiếu minh bạch như vậy. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ mới xây dựng một hệ thống quản trị dựa trên tính thuận tiện là chủ yếu chứ chưa mang tính khoa học và khách quan.

Do tính thận trọng trong làm ăn, họ thường chỉ tiết lộ một ít thông tin về doanh nghiệp của mình. Đến khi tôi đưa ra giải pháp dựa trên những thông tin đã có, họ mới nói là “quên” cung cấp một số thông tin khác. Việc chia sẻ thông tin theo từng mảnh ghép như vậy gây khó khăn lớn cho người tư vấn như tôi và cũng tạo sự e ngại đối với các nhà đầu tư.

Tôi nghĩ đa số chủ các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của việc minh bạch khi bước vào thương trường. Họ đều biết rằng, các chính sách nhất quán và minh bạch sẽ giúp doanh nghiệp của họ xây dựng được thương hiệu, duy trì sự tin cậy của các đối tác, cổ đông… từ đó giúp cải thiện năng lực cạnh tranh toàn cầu và môi trường kinh doanh, tăng trưởng bền vững.

Kinh doanh dựa trên nền tảng của sự minh bạch cũng là con đường tất yếu của các doanh nghiệp muốn phát triển, nâng cao vị thế, uy tín trong cộng đồng, trong xã hội và trong môi trường kinh doanh cạnh tranh ngày càng quyết liệt.

Thiết nghĩ, doanh nghiệp nên chấp nhận “lùi một bước để tiến hai bước”, dừng lại để đầu tư cho việc cải cách tư duy quản trị, cải tổ công tác quản lý tài chính doanh nghiệp để có được sự minh bạch, rõ ràng, từ đó doanh nghiệp mới dễ dàng đạt bước tăng trưởng vững vàng hơn.

Đối với những doanh nghiệp chưa thể cải thiện sự minh bạch trong kinh doanh liệu có thể kêu gọi đầu tư không thưa ông?

Thật ra, sự minh bạch trong kinh doanh là một giai đoạn trong tiến trình phát triển, cần có biện pháp cải thiện dần chứ khó mà loại bỏ triệt để ngay ngày một, ngày hai. Khi làm nhiệm vụ tư vấn, tìm đối tác, tôi vẫn nói thẳng với phía nhà đầu tư về đặc tính này của doanh nghiệp đồng thời cung cấp thêm chính sách kế hoạch ngăn chặn và điều phối bớt rủi ro. Kinh nghiệm của tôi cho thấy nhiều nhà đầu tư vẫn chấp nhận điều này trong một chừng mực nào đó, miễn là họ thấy được sự cam kết của chủ doanh nghiệp bằng một lộ trình minh bạch hóa cụ thể.

Ngoài minh bạch về tài chính thì doanh nghiệp cần có ý tưởng phát triển kinh doanh tốt và quản trị có hiệu quả để đạt mức tăng trưởng khả quan. Doanh nghiệp thuộc những ngành tăng trưởng nhanh như ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) hay ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống (F&B) là một lợi thế. Còn các công ty về dịch vụ cơ sở hạ tầng rất khó kêu gọi vốn đầu tư vì rủi ro cao mà khó có khả năng sinh lời nhanh.

Nay thì ông đang tập trung hoạt động tư vấn vào các doanh nhân nữ, do đâu ông có suy nghĩ này?

Phụ nữ châu Á làm kinh doanh có nhiều ưu điểm như chăm chỉ, giỏi điều hành nhưng thường không thấy hết tiềm năng của công ty cũng như không biết phối hợp các nguồn lực bên ngoài với nguồn lực bên trong để tạo tăng trưởng lớn hơn cho doanh nghiệp. Khá nhiều nữ doanh nhân chỉ sử dụng nguồn vốn của mình và cổ đông chứ chưa biết tìm kiếm các nguồn tài chính sẵn có, bao gồm cả nguồn tiền từ ngân hàng, vốn liên doanh, vốn chủ sở hữu tư nhân và cách mà các nguồn tài chính khác nhau có thể tác động đến sự tăng trưởng vượt bậc cho công ty cũng như giá trị cho cổ đông.

Từ nhận thức này, tôi và hai thành viên khác đã sáng lập nên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn NU (Nữ Advisory) để thông tin cho doanh nhân nữ biết về những nguồn lực bên ngoài này đồng thời tư vấn cho họ cách sử dụng các nguồn lực đó một cách hiệu quả.

Trên thị trường hiện nay đã có không ít công ty tư vấn mua bán sáp nhập doanh nghiệp…

Đúng vậy, nhưng các công ty này chưa thật sự làm tròn nhiệm vụ của một nhà tư vấn. Thường thì họ chỉ cố gắng tạo ra sự phù hợp về nhu cầu của đôi bên, hoàn thành hợp đồng một cách nhanh chóng để “ăn” hoa hồng. Nữ Advisory tìm kiếm những giá trị cộng thêm cho cả bên bán lẫn bên mua ngoài ngoài nguồn lợi về tài chính.

Các thương vụ kinh doanh sáp nhập, mua bán (M&A) phải giúp những doanh nghiệp bị mua lại hay sáp nhập thoát khỏi tình trạng trì trệ hay suy thoái, dẫn đến thua lỗ, phá sản do áp lực cạnh tranh hoặc thay đổi thị trường. Còn đối với doanh nghiệp mua lại thì có thể gia tăng sức cạnh tranh, mở rộng quy mô và giảm thiểu chi phí khi kết hợp cùng một công ty nhỏ hơn.

Chính vì vậy, có những thương vụ tôi tư vấn kéo dài hai, ba năm mới hoàn thành. Sự khác biệt lớn nhất ở đây có lẽ nằm trong tư tưởng kinh doanh mà chúng tôi cam kết, đó là sự đồng cảm.

* Vì sao ông lại ưu tiên cho doanh nhân nữ, phải chăng vì họ yếu thế hơn nam giới?

- Doanh nhân nữ không yếu đuối, cũng không thiếu bản lĩnh và sự quyết đoán. Nhưng nam doanh nhân thì cởi mở, phóng khoáng và thường xuyên cập nhật những nguồn đầu tư mới hơn. Phụ nữ thường xem công ty như một phần máu thịt của mình nên họ không có xu hướng chia sẻ với người khác, và vì vậy họ khó mở cửa mời người khác đầu tư vào. Đó là lý do vì sao công ty chúng tôi ưu tiên tư vấn, hỗ trợ cho đối tượng nữ doanh nhân.

* Hình như các doanh nhân nữ cũng chưa nhận thức được rằng mình cần được tư vấn để đón đầu các nguồn đầu tư bên ngoài?

- Cũng như Apple của Steve Jobs luôn được xem là hãng công nghệ mở ra những xu thế mới trên thị trường, Nữ Advisory cũng sẽ mở ra nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp nữ. Hầu hết doanh nghiệp nữ không biết rằng trên thị trường có nguồn vốn lớn có thể sử dụng để phát triển doanh nghiệp của mình.

Chúng tôi ra đời là để nói cho nữ doanh nhân biết rằng trên thị trường có rất nhiều giải pháp tài chính để phát triển việc kinh doanh thông qua chiến lược rộng mở hơn chứ không thể tự kéo cày, phát triển tự thân. Ban đầu, chúng tôi sẽ làm thay đổi nhận thức của họ trong quản trị, điều hành và chiến lược phát triển doanh nghiệp, sau đó một số khách hàng sẽ cần đến chúng tôi để kết nối với các nhà đầu tư.

Chúng tôi gặp gỡ từng doanh nghiệp để hiểu rõ hơn về mục tiêu chiến lược của họ, nhu cầu vốn và tiềm năng phát triển. Sau khi nghiên cứu kỹ, chúng tôi sẽ cung cấp các giải pháp để đáp ứng các ưu tiên của khách hàng nhằm tạo ra giá trị cho cổ đông. Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn xoay quanh tính khả thi của các dự án kinh doanh mới được đề xuất nhằm khai phá tiềm năng to lớn của các doanh nhân nữ, qua việc hoạch định chiến lược trung dài hạn và kết nối vào các nguồn lực tài chính toàn cầu để tăng cường sứ mạng của các doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp nữ sẽ được tư vấn những thay đổi có thể thực hiện để điều hành hoạt động của doanh nghiệp hiệu quả hơn và đem lại lợi nhuận cao hơn.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tổ chức các buổi hội thảo hoặc tư vấn trực tiếp để chia sẻ cho doanh nghiệp nữ những bài học và kinh nghiệm của các cổ đông trong việc xây dựng một doanh nghiệp vững mạnh, tận dụng nguồn lực và lợi thế của đối tác chiến lược trong và ngoài nước để phát triển lên quỹ đạo mới và đưa những giá trị của doanh nghiệp Việt Nam ra thế giới.

Ngoài ra, chúng tôi còn đang phát triển một quỹ đầu tư mạo hiểm, hy vọng sẽ hoàn thành vào năm sau. Quỹ này sẽ đầu tư vào các doanh nghiệp nữ theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, về lâu dài, chúng tôi muốn đầu tư không chỉ về tiền mà còn về chất xám để môi trường doanh nghiệp nữ ngày càng lớn mạnh.

* Như vậy, trong giai đoạn đầu, công ty tư vấn của ông hầu như không tạo ra lợi nhuận?

- Với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ sáng lập, lãnh đạo thì có lẽ là vậy. Vì mục tiêu ngắn hạn của chúng tôi là đào tạo, tư vấn miễn phí để tăng nhận thức của thị trường, tạo ra nhu cầu sử dụng ngoại lực phát triển doanh nghiệp. Nếu có duyên thì những người được tôi tư vấn hôm nay sẽ trở thành một trong các khách hàng của tôi trong vài năm sau. Hiện nay, thu nhập mà chúng tôi có được là nhờ tích cực kiếm tiền từ các thương vụ khác. Tôi đã có hơn 20 năm làm trong ngành tư vấn tài chính, mười năm “lăn lộn” trên thị trường tài chính Việt Nam nên tôi tin mình sẽ làm tốt nhiệm vụ tư vấn, kết nối các doanh nghiệp nữ với các nhà đầu tư.

* Theo ông thì hiện nay các chính sách vĩ mô đã đủ để tạo thuận lợi cho sự đi lên của các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa?

- Cách đây tám năm, dòng tiền trên thế giới đã đổ về khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Cho đến nay, nguồn tiền này vẫn khá dồi dào nên dù chính sách đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ còn nhiều bất cập nhưng “miếng bánh” đầu tư dành cho các doanh nghiệp vẫn còn nhiều. Vấn đề là doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đã sẵn sàng về mọi mặt để đón nhận nguồn đầu tư từ bên ngoài hay chưa mà thôi.

Công ty mà tôi và các thành viên cùng sáng lập sẽ là người bạn đồng hành để giúp cho các doanh nghiệp nữ ngày càng thuận lợi để đón nhận nguồn đầu tư từ bên ngoài. Có lẽ sẽ mất nhiều thời gian cho việc tư vấn, giáo dục thị trường nhưng tôi thấy hạnh phúc vì công việc của mình có ý nghĩa với cộng đồng, xã hội. Là người làm kinh doanh, tôi thích kiếm tiền nhưng mong muốn mạnh mẽ hơn là tạo ra lợi nhuận và chia sẻ lợi nhuận với khách hàng nữ.

Đến khi không còn trên cõi đời này, tôi muốn được người ta nhớ đến mình với danh nghĩa là người đã có những đóng góp giá trị cho xã hội chứ không chỉ là một doanh nhân giàu có.

DNSG
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.