“Đoàn Phú Thái” là cách mà nhiều người dùng để gọi ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Thái.

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Thái

Tuy nhiên, đây không hẳn là điều mà ông Đoàn mong muốn, nhất là khi ước mơ về sự trường tồn của các thương hiệu Việt đang là điều mà ông và những doanh nhân thế hệ đầu của Việt Nam nuôi dưỡng.

1.

Đợt này, ông Đoàn xuất hiện nhiều hơn trên báo chí. Điều này khác với lệ thường.

“Kinh doanh là chuyện hàng ngày, chẳng bao giờ nói hết. Sẽ có những thay đổi theo từng giai đoạn, từng kế hoạch kinh doanh. Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang trải qua khó khăn để đạt được yêu cầu tái cấu trúc, đổi mới mô hình tăng trưởng, các doanh nghiệp buộc phải linh hoạt tìm hướng đi phù hợp”, ông Đoàn điềm tĩnh lý giải cho cách xử lý của mình.

Nhưng dịp này thì khác. Ông Đoàn cùng một số doanh nhân mải mê với kế hoạch thành lập Hội đồng Doanh nhân và Gia đình (dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), dự kiến sẽ ra mắt vào ngày 20/10 tới, với lễ kết nạp 50 gia đình - những thành viên đầu tiên của Hội đồng.

Với mong muốn tập hợp các gia đình doanh nhân tiêu biểu và uy tín hàng đầu Việt Nam trong một tổ chức, một mặt, để tôn vinh các gia đình doanh nhân đã đóng góp cho sự phát triển và hội nhập của Việt Nam, nhưng theo ông Đoàn, cũng là để liên kết sức mạnh nhằm xây dựng truyền thống kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân trong mỗi gia đình.

“Chúng tôi không muốn Phú Thái hay các doanh nghiệp nào đó chỉ là của riêng mình, mà phải trở thành sự nghiệp của gia đình, dòng tộc và lớn hơn, trở thành doanh nghiệp của dân tộc. Định hướng phải gây dựng được truyền thống kinh doanh ngay trong gia đình mình là điều mà những thành viên sáng lập Hội đồng Doanh nhân và Gia đình tâm niệm. So với nhiều quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam còn quá trẻ, với hơn 20 năm, kể từ những năm 1990 trở lại đây. Nhưng khoảng thời gian này cũng đã đủ để thế hệ doanh nhân đầu tiên tính tới chuyện chuyển giao. Song dường như mọi việc không xuôi chèo, mát mái”, ông Đoàn chia sẻ một phần lý do thôi thúc ông và một số doanh nhân khác tụ họp dựa trên ý tưởng nuôi dưỡng truyền thống kinh doanh từ trong gia đình, nhưng không đi ngược xu hướng hội nhập quốc tế.

Đúng như ông Đoàn nói, cuộc chuyển giao thế hệ trong khá nhiều doanh nghiệp không thực sự suôn sẻ. Nhất là với doanh nghiệp đang dựa vào danh tiếng của những người sáng lập, thì sự chuyển giao dễ gây nên sóng gió. Lấy số liệu từ Ban đại diện Hội đồng Doanh nhân và Gia đình, 100 công ty gia đình lớn nhất Việt Nam đang đóng góp khoảng 1/4 GDP của cả nước, những cơn sóng gió này không đơn giản chỉ là việc của riêng doanh nghiệp.

Thực tế ở Việt Nam, thế hệ doanh nhân đầu tiên thành công phần lớn nhờ kinh nghiệm tự đúc rút trong quá trình kinh doanh, nhờ khai thác mối quan hệ, cũng như cơ hội kinh doanh rộng mở của nền kinh tế trong giai đoạn mở cửa. Khi doanh nghiệp ở quy mô nhỏ và vừa, các doanh nhân này có thể đảm đương khá tốt công việc điều hành, song khi quy mô tăng lên, tầm hoạt động rộng hơn, khả năng bao quát giảm đi. Nhưng lúc này, quan điểm kinh doanh hiện đại, bài bản từ nước ngoài của thế hệ kế tiếp lại khó bắt kịp vào Việt Nam - thị trường vẫn đang trong quá trình tiệm cận thông lệ quốc tế.

“Cũng có những doanh nhân thế hệ đầu khó chấp nhận thay đổi theo xu hướng khi lo sợ không kiểm soát được đứa con mình rứt ruột đẻ ra. Hậu quả là, ngay trong gia đình, các thế hệ không tìm được tiếng nói chung. Bước chuyển giao trở nên khó khăn hơn”, ông Đoàn phân tích.

2.

Hiện giờ, trong số 13 người, gồm cả con và cháu của ông Đoàn, 5 người đang được đầu tư đi học ở nước ngoài. Toàn bộ kế hoạch đào tạo, định hướng nghề nghiệp của những thành viên trong gia đình này đã được cân nhắc, phân tích và lên kế hoạch cụ thể từ nhiều năm trước.

“Không có một mô hình chuẩn nào cho sự chuyển giao thế hệ trong các gia đình doanh nhân, dù ở nước nào. Tuy nhiên, điều mà tôi học hỏi được khi có dịp tiếp xúc với các gia đình doanh nhân truyền thống của thế giới, đó là tính định hướng và kỷ luật mà từng thành viên gia đình sẽ phải tuân thủ vì mục đích chung là sự nghiệp kinh doanh của gia đình, dòng họ”, ông Đoàn kể về việc xác định vị trí của từng người trong bữa ăn của một gia đình tỷ phú Thái Lan, Trung Quốc mà ông có dịp là khách mời.

“Từng thành viên trong gia đình đó không lúc nào lơ là với vị trí của mình trong sự nghiệp kinh doanh của dòng họ. Chính sự chuẩn bị bài bản và chuyên nghiệp như vậy, sẽ đảm bảo trong bất cứ tình huống nào, các thành viên có thể kế tục sự nghiệp một cách suôn sẻ, không ảnh hưởng tới sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp”, ông kể lại.

Cũng phải nói thêm, theo phân tích của nhà sử học Dương Trung Quốc, về căn bản, do đặc thù phát triển của lịch sử dân tộc, cộng đồng doanh nhân Việt Nam chưa hội đủ các yếu tố để tạo nên cái gọi là truyền thống kinh doanh.

“Tuy nhiên, điều này không ngăn cản những nỗ lực trong hiện tại và tương lai, nhất là khi truyền thống ấy được gắn với truyền thống gia đình vốn bền vững trong văn hóa Việt Nam. Các doanh nhân thế hệ thứ nhất đang có kế hoạch đào tạo thế hệ kế tiếp một cách khá bài bản. Trong nhiều doanh nghiệp, thế hệ thứ hai đã bắt đầu nhập cuộc. Tại sao chúng ta không nhìn tới tương lai của những gia đình doanh nhân Việt Nam ngay từ bây giờ”, ông Đoàn bảo vệ quan điểm.

“Trong gia đình, vợ tôi là người được giao trách nhiệm về chăm lo việc học hành, đào tạo cho con cháu trong nhà. Học ở đây không chỉ là học vấn, kiến thức, mà cả truyền thống gia đình. Tôi không muốn sẽ có tình trạng con cái than phiền bố mẹ chặt chẽ quá, hay không dám quyết, còn bố mẹ lại lo lắng con cái không đủ kinh nghiệm để tiếp quản sự nghiệp gia đình, mà cản trở sức sáng tạo. Sự chuẩn bị sớm sẽ đảm bảo trong vòng 10 năm nữa, hoặc bất kể lúc nào tôi muốn rút lui, đội quân kế cận sẽ vào guồng ngay”, ông Đoàn tâm sự.

Thực ra, mô hình công ty gia đình khá phổ biến trên thế giới. Trong 500 thương hiệu thành công nhất ở Mỹ, có tới 1/3 là các công ty gia đình. Ở châu Á, tỷ lệ này còn cao hơn. Lợi thế của các công ty này so với các công ty khác, đó chính là tình yêu với công ty, sự gắn kết trong gia đình chính là động lực để tạo ra những điều kỳ diệu, để người sáng lập có thể dành cả cuộc đời cho doanh nghiệp mình tạo dựng.

Tuy nhiên, chính tình yêu này đã giới hạn tầm phát triển của doanh nghiệp. Đó là lý do nhiều thương hiệu công ty gia đình nổi tiếng thế giới thay đổi cả cơ cấu sở hữu lẫn quản trị để giữ lại được thương hiệu, doanh nghiệp của gia tộc. “Tuy nhiên, có thể thời gian duy trì mô hình công ty gia đình ở Việt Nam sẽ kéo dài thêm 20 - 30 năm nữa, để tạo nên những nền tảng vững chắc. Sau đó, các doanh nghiệp buộc phải vươn ra ngoài, cạnh tranh trong sân chơi bình đẳng với doanh nghiệp đại chúng, doanh nghiệp quốc tế”, ông Đoàn phân tích.

3.

Năm 2012, ông Phạm Đình Đoàn được lựa chọn là một trong 50 nhân vật tiên phong. Cơ sở để ông Đoàn được vinh danh trong những nhân vật tiên phong chính là sự thành công của Phú Thái trên chặng đường khai phá ra một lĩnh vực kinh doanh mới mẻ ở Việt Nam: lĩnh vực phân phối - bán lẻ.

Cho tới thời điểm này, Phú Thái đã trở thành một trong những doanh nghiệp phân phối - bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Đây cũng là thương hiệu được nhắc tới trong những nỗ lực gom góp năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp phân phối nội địa từ trước khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Tuy nhiên, đường đến tới Phú Thái của ông Đoàn lại bắt đầu từ những băn khoăn rất xa xôi của một chuyên gia được đào tạo bài bản trong lĩnh vực… thực phẩm. Ông Đoàn kể, khi ra nước ngoài tham gia các khóa đào tạo, ông cứ tự hỏi sao nước mình lại không có được hệ thống phân phối chuyên nghiệp như họ, làm sao để người cần bán tìm được người cần mua, mà không phải quá nhọc nhằn rao bán…

“Lúc ấy tôi thấy bức bối, cần phải thay đổi. Khi về nước, tôi quyết định dừng việc làm cũ, bắt đầu kinh doanh. Ban đầu rất khó khăn, vừa là quản lý, vừa làm nhân viên, tìm kiếm bạn hàng… Nhưng dù sao, đó cũng là một lựa chọn đúng đắn”, ông kể lại.

Nhắc lại câu chuyện 4 thương hiệu nội địa lớn nhất trong lĩnh vực phân phối bán lẻ của Việt Nam liên kết với nhau để thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hệ thống phân phối Việt Nam (VDA) vào năm 2007, dường như ẩn trong nhiều lý do, có sự bức bối, lo xa của một người điềm tĩnh, nhưng cẩn trọng với các cơ hội và thách thức của thị trường.

Tuy cho tới thời điểm này, nhiều mong muốn được gửi gắm cho VDA, nhất là đưa VDA trở thành một thương hiệu nội địa lớn, đủ sức đối trọng với các thương hiệu nước ngoài trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ đã không trở thành sự thực, song dầu sao, VDA cũng đã tạo nên một tiếng chuông cảnh tỉnh cho không chỉ doanh nghiệp, mà cả với các cơ quan quản lý nhà nước trong sự chuẩn bị hội nhập của doanh nghiệp. Nhờ VDA, các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối bán lẻ bừng tỉnh trước những thách thức lớn từ hội nhập, để đi nhanh hơn, lựa chọn cách chơi, chỗ chơi hợp lý hơn.

“Song, đi cùng với đó là câu hỏi, trong giai đoạn đầu của sự phát triển của doanh nghiệp, mô hình kinh doanh theo kiểu ‘gia đình’ vẫn thành công hơn?”, ông Đoàn tâm sự khi nói về tỷ lệ thành công không cao trong các liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với nhau hay giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài…

Nhìn lại, mọi việc đã diễn ra đúng như người tiên phong Phạm Đình Đoàn dự liệu. Dường như sự cẩn trọng và kỹ càng khiến ông Đoàn luôn điềm tĩnh với các kế hoạch kinh doanh, ngay trong cả thời điểm được cho là khó khăn nhất của nền kinh tế giai đoạn vừa qua.

Hiện giờ, kế hoạch dài hơi trong chuyển giao thế hệ của vị doanh nhân thế hệ 6x này đang được thực hiện một cách điềm tĩnh. Có thể, nỗ lực của ông và những đồng nghiệp... lo xa trong Hội đồng Doanh nhân và Gia đình vào thời điểm này sẽ đóng vai trò như một tác nhân, tạo nên những thay đổi trong tư duy quản trị doanh nghiệp của các công ty gia đình tại Việt Nam. Truyền thống kinh doanh của người Việt đang bắt rễ từ chính những điều tưởng như khó nắm bắt này…

Trò chuyện với doanh nhân Phạm Đình Đoàn:

Ông tính tới kế hoạch đào tạo cho các thế hệ kế tiếp từ khi nào?

Nhiều năm trước, khi tôi thấy rằng, kinh doanh ở Việt Nam đã hết thời dựa vào kinh nghiệm. Nếu muốn bền, thì phải học.

Phải nói thêm là, Việt Nam có truyền thống đánh giặc, nhưng chưa có truyền thống kinh doanh và làm ăn lớn. Phải chăng, truyền thống này phải được phát huy từ các mô hình kinh doanh gia đình tiêu biểu và thành công nhất ở Việt Nam hiện nay?

Liên kết các gia đình doanh nhân sẽ tạo nên điều gì?

Mối quan tâm chung của các gia đình doanh nhân là phát triển bền vững, gây dựng truyền thống kinh doanh cho gia đình, dòng tộc. Có nghĩa là, sẽ có những thay đổi mang tính tư duy trong văn hóa kinh doanh của người Việt. Chúng tôi sẽ cùng nhau tạo nên sự thay đổi theo chiều hướng tích cực nhất.

Khánh An (ĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • CEO Phạm Đình Đoàn: Tôi chọn từ khóa tiết kiệm

    CEO Phạm Đình Đoàn: Tôi chọn từ khóa tiết kiệm

    19/02/2015 11:49 AM

    Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn cho rằng, tiết kiệm sẽ là cách để doanh nhân Việt Nam mạnh hơn.

  • Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái: Doanh nghiệp chỉ nên “bỏ trứng vào một giỏ”

    Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái: Doanh nghiệp chỉ nên “bỏ trứng vào một giỏ”

    13/10/2014 9:33 AM

    Trong lúc vẫn còn yếu về vốn, công nghệ, kinh nghiệm… để thành công, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp chỉ nên tập trung vào một lĩnh vực chủ lực, tức là nên “bỏ trứng vào một giỏ”, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái chia sẻ.

  • 3 tháng, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng tăng hơn 3 lần

    3 tháng, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng tăng hơn 3 lần

    01/04/2014 1:10 PM

    Không những giữ vững phong độ ở “ngôi vương” trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán quý I/2014 mà tài sản của ông Vượng hiện đã vọt hơn 3 lần so với cuối năm 2013.

  • Tết ngàn tỷ của đại gia bậc nhất 2013

    Tết ngàn tỷ của đại gia bậc nhất 2013

    19/12/2013 8:15 AM

    Khó khăn dường như không thể vùi dập được những tỷ phú hàng đầu Việt Nam khi tài sản của họ vẫn tăng lên nhanh chóng trong năm 2013. Nền tảng kinh doanh vững chắc, chiến lược đúng đắn và ứng phó linh hoạt đã giúp các tỷ phú kiến ngàn tỷ trong năm kinh tế rơi xuống đáy.

  • "Đoàn Phú Thái" - Người lo xa điềm tĩnh

    "Đoàn Phú Thái" - Người lo xa điềm tĩnh

    20/09/2013 10:00 AM

    “Đoàn Phú Thái” là cách mà nhiều người dùng để gọi ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Thái.

  • Những nguyên tắc giúp doanh nghiệp thành công

    Những nguyên tắc giúp doanh nghiệp thành công

    20/09/2013 8:47 AM

    CafeLand - Trên cả nước có hàng chục nghìn doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2013 và con số này có lẽ sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên ngoài những doanh nghiệp đang “hấp hối” thì có không ít doanh nghiệp đang sống tốt và từng bước đi lên trong thời kỳ khủng hoảng.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.