Vì sao đại gia Đường “bia” quyết định tặng 25.000 m2 Trung tâm Thương mại V+ cho doanh nghiệp Việt bán hàng Việt và bỏ hàng ngàn tỷ đồng sản xuất hàng Việt Nam?

Hiện thực hóa tâm nguyện

Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hòa Bình Group

Tại Lễ khai trương Trung tâm Thương mại V+ được tổ chức hôm 31/1/2015, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hòa Bình Group đã tuyên bố: “Để tri ân những người đồng chí, đồng đội của tôi và những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh mong đến ngày đất nước độc lập, giàu mạnh, nêu cao khí phách và lòng tự tôn dân tộc Việt, tôi và những đồng đội trở về từ cuộc chiến phải làm điều gì đó để sự hy sinh của đồng đội không lãng phí, phải góp một phần công sức dựng xây tổ quốc từ xương và máu của những người đã ngã xuống...

Từ những suy nghĩ trên, tôi đã quyết định xây dựng Trung tâm Thương mại V+ tại số 505 - Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội và ý nghĩa hơn nữa là việc miễn phí diện tích 25.000 m2 tại Trung tâm trong vòng 50 năm với giá trị tương đương 500 tỷ đồng để làm nơi trưng bày, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm 100% được sản xuất trong nước với chất lượng cao, giá thành rẻ đến tay người tiêu dùng. Đây cũng là tâm nguyện của tôi và những đồng đội trong việc xây dựng và bảo vệ tổ quốc thời bình, phát triển nền sản xuất trong nước, đảm bảo người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.

Nghe những phát biểu trên, hẳn nhiều người sẽ đặt câu hỏi: vì sao ông Đường đã có quyết định miễn phí cho doanh nghiệp Việt là để “tri ân các anh hùng liệt sỹ”?

Là một thương binh, ông luôn tâm niệm phải tự xây dựng cho mình một định hướng kinh doanh rõ ràng, có hiệu quả kinh tế cao, phải tự đứng vững trên đôi chân mình, rồi mới tính đến việc hỗ trợ các đồng đội khác. Năm 1987, với số vốn tích cóp được và vay mượn thêm, ông vận động các đồng đội là thương binh, cựu chiến binh Đỗ Hoàng Thuận, Nguyễn Đình Thông, Trần Gia Phương, Trần Việt Hùng, Thái Tiến Vượng… cùng tham gia thành lập Tổ hợp thương binh nặng Hòa Bình chuyên sản xuất bia và các loại nước giải khát cung cấp ra thị trường.

Ông và các đồng đội đã từng bước xây dựng Tổ hợp trở thành một công ty lớn mạnh với các đơn vị thành viên là Công ty Đường Man (chuyên sản xuất malt chất lượng cao cung ứng cho Tổng công ty Bia Sài Gòn và nhiều công ty bia khác), Công ty cổ phần Xây dựng Hòa Bình, Công ty Dịch vụ bảo vệ thương binh nặng Hòa Bình tạo việc làm cho hơn 70 thương binh, Công ty Sản xuất thép Hòa Bình, Công ty liên doanh Rượu Việt - Pháp… tạo công ăn việc làm cho hơn 2.000 lao động, sản xuất - kinh doanh có hiệu quả cao, được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm quan, động viên.

Năm 2001, ông Đường về Quảng Trị thăm lại chiến trường xưa. Trong làn hương tỏa, với tấm lòng thành kính của một người lính trong chiến đấu, một doanh nhân trong thời bình, ông tự nhủ với bản thân và nguyện trước mộ các đồng đội là sẽ phát triển kinh tế, dựng xây đất nước, đồng thời tích cực làm các công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân các đồng đội của mình.

Ông đã chứng minh điều đó bằng những hành động thiết thực như xây tặng 2 trung tâm đón tiếp gia đình liệt sĩ khang trang ở Đông Hà (Quảng Trị) vào năm 2007. Năm 2014, ông đầu tư đúc 2 quả chuông đồng trọng lượng mỗi quả 1 tấn đồng đặt tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9 và Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Năm 2007, ông đúc tượng Bác Hồ dâng lên Khu di tích Định Hóa (Thái Nguyên), góp tiền xây 102 nhà tình nghĩa tại Hà Nội…

Từ đó đến nay, vào dịp lễ Vu Lan hằng năm, dù bận nhiều công việc, ông đều gác lại để dành thời gian đến thắp nén hương cho các đồng đội, đồng chí của mình. Trong không khí trang nghiêm, trầm mặc mùi hương trầm, điểm xuyết những tiếng chuông ngân vang..., ông hướng tới anh linh các anh hùng liệt si và tiếp tục nguyện dùng hết tâm sức của mình để góp công, góp sức xây dựng đất nước hòa bình, phát triển, tạo thêm nhiều việc làm để người dân có cơm ăn, áo mặc, ấm no hạnh phúc.

Là một người lính bộ đội cụ Hồ, ông vẫn giữ nguyên các nguyên tắc đã được tôi luyện qua chiến tranh, thường tự răn bản thân về chống quan liêu, tham nhũng, đẩy lùi các biểu hiện cá nhân và đấu tranh không mệt mỏi để các tệ nạn trên được đẩy lùi.

Khởi xướng phong trào “Người Việt dùng hàng Việt”

Ông Đường còn được biết đến là một trong những tấm gương điển hình thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” góp phần thiết thực vào việc phát triển nền sản xuất trong nước. Thương hiệu V+ đã được ông và các đồng chí của mình ấp ủ trong nhiều năm, lặng lẽ thai nghén và phát triển với ước mơ khẳng định tên tuổi và chất lượng hàng hóa Việt Nam.

Đến thời điểm hiện tại, khi điều kiện về năng lực quản lý, khả năng tài chính và thời cơ đã chín muồi, ông đã quyết định nhập đồng bộ những thiết bị hiện đại để sản xuất các loại nước giải khát như bia, nước lọc tinh khiết, nước lon V Cola…, cùng nhiều loại sản phẩm may mặc chất lượng cao thuần Việt và bán tận tay người tiêu dùng với giá thấp hơn giá chợ.

Ông đã từ chối lời đề nghị thuê Trung tâm Thương mại V+ của Tập đoàn Big C với số tiền 330 tỷ đồng để mời các doanh nghiệp Việt đến mở cửa hàng miễn phí trên diện tích sàn 25.000 m2 của Trung tâm, nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng sản xuất trong nước.

Việc miễn phí mặt bằng trên sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội giảm chi phí sản xuất, từ đó giảm giá thành sản phẩm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đây là quyết định có tính thiết thực cao, trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh.

Trung tâm Thương mại V+ là sản phẩm đỉnh cao của trí tuệ doanh nhân, của bản lĩnh người bộ đội cụ Hồ mà ông đã dày công dựng xây, tích lũy và vun đắp. Bên cạnh đó, đây cũng là kết quả của sự nỗ lực, hy sinh của các cán bộ, công nhân viên Công ty để kịp thời đưa công trình vào sử dụng đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Nền kinh tế Việt Nam từ năm 2012 đến 2014 gặp nhiều khó khăn, đây là thời điểm các doanh nghiệp Việt Nam đã rất “kiệt sức” trong cuộc cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Áp lực cạnh tranh sẽ còn tăng cao khi từ năm 2015, Việt Nam sẽ phải thực hiện cam kết trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mở cửa thị trường hoàn toàn trong lĩnh vực bán lẻ. Trong khi đó, 99% doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam đã bán cổ phần của mình cho các tập đoàn bán lẻ của nước ngoài.

Trong bối cảnh đó, ông quyết tâm sẽ là người đi tiên phong trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm sản xuất trong nước đến tận tay người tiêu dùng với chất lượng cao và cũng để thực hiện ước muốn như tâm thư ông đã viết gửi Bộ Chính trị năm 2008 đề xuất thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.

Trong tương lai gần, hệ thống Trung tâm Thương mại V+ sẽ được phát triển và mở rộng trên toàn quốc để tất cả những người Việt Nam đều được dùng hàng Việt Nam với chất lượng cao, giá rẻ, góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Khai xuân năm mới Ất Mùi 2015, ông Đường cho hay, trong năm nay, Hòa Bình sẽ đầu tư xây thêm 3 trung tâm thương mại tại Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng và cũng sẽ miễn phí mặt bằng cho doanh nghiệp Việt. Sau đó, khi mô hình này nhận được sự ủng hộ của người dân Việt Nam, doanh nghiệp và chính quyền các địa phương, ông Đường sẽ xây ở mỗi tỉnh một trung tâm thương mại để doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp địa phương vào bán sản phẩm của mình và cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

“Chắc chắn tôi sẽ thành công, vì những việc tôi đã làm trong thời gian qua và cả những dự kiến trong thời gian tới luôn mang tâm nguyện của những người đang sống và những người đã mất, đó là mong muốn đất nước phát triển, dân giàu, nước mạnh. Tôi tin tưởng rằng, tôi luôn có sự ủng hộ của những người đồng chí, đồng đội đã ngã xuống, muốn tôi cố gắng thay họ dựng xây và bảo vệ tổ quốc, phát huy phẩm chất của bộ đội cụ Hồ trong thời bình, của người thương binh tàn nhưng không phế”, ông Đường tự tin khẳng định.

Sự nghiệp của ông Nguyễn Hữu Đường

Năm 1989: Thành lập Nhà máy sản xuất bia hơi và nước giải khát có gas tư nhân đầu tiên tại Việt Nam.

Năm 1993: Thành lập Nhà máy sản xuất thiết bị công nghệ thực phẩm, nhà máy đầu tiên của Việt Nam sản xuất các thiết bị cho ngành công nghiệp thực phẩm thay thế nhập khẩu.

Năm 1995: Công ty TNHH Hòa Bình cùng với Hãng Elite Wines & Spirits thành lập liên doanh rượu Việt - Pháp.

Năm 1998: Xây dựng thêm một nhà máy sản xuất bia hiện đại, tự động hóa hoàn toàn theo tiêu chuẩn châu Âu.

Năm 2002: Thành lập Công ty Đường Man với dây chuyền chế biến malt đồng bộ của công ty Lausmann (Đức).

Năm 2006: Đưa Tháp đôi quốc tế Hòa Bình (Somerset Hòa Bình) - một trong những cao ốc 5 sao đạt tiêu chuẩn quốc tế - đi vào hoạt động và khai trương khách sạn Hòa Bình Palace.

Năm 2008: Khởi công xây dựng chung cư Hòa Bình.

Năm 2010: Đưa Khu căn hộ Hòa Bình Green Apartment vào sử dụng và bàn giao cho khách hàng; xây dựng Nhà máy cán Inox.

Tháng 7/2014: Bàn giao căn hộ 6 sao dát vàng đầu tiên ở Hà Nội tại Dự án Hòa Bình Green City (505 - Minh Khai, Hà Nội).

Năm 2014: Xây dựng và đưa vào hoạt động Nhà máy sản xuất nước ngọt có ga đầu tiên của Việt Nam (V Cola) tại Khu công nghiệp Tiên Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh, với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Nhà máy có công nghệ hiện đại nhất thế giới với dây chuyền sản xuất nhập khẩu của Hãng Krones (CHLB Đức), công suất đạt 200 triệu lít/năm với 4 sản phẩm: V- Cola, nước cam ép Laranja, nước uống thể thao Sport 5 và nước tăng lực Fansipan.

Xem thêm bài viết về: Ông Nguyễn Hữu Đường
Hữu Tuấn (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.