BP, Exxon Mobil có thể mất nhiều tỷ USD doanh thu khi lệnh trừng phạt của phương Tây khiến họ không thể tiếp cận thị trường dầu khí giàu tiềm năng tại Nga.

Hôm qua, cả châu Âu và Mỹ đều công bố thêm các lệnh trừng phạt kinh tế lên Nga, khi cuộc khủng hoảng tại Ukraine ngày một trầm trọng. Theo đó, EU sẽ hạn chế xuất khẩu công nghệ khai thác nước sâu và khai thác từ đá phiến. Mỹ cũng thông báo ngừng chuyển giao nhiều mặt hàng và công nghệ liên quan đến ngành năng lượng Nga.

Tổng thống Mỹ - Barrack Obama cho biết các lệnh trừng phạt này "sẽ khiến Nga khó phát triển tài nguyên dầu trong dài hạn". Nga hiện dựa vào nhiều công ty như Exxon Mobil, BP, Halliburton và Schlumberger để có công nghệ và kiến thức mới nhất nhằm phát triển nguồn tài nguyên dầu - khí trị giá 7.580 tỷ USD tại đây. Theo Barclays, các công ty khai thác và sản xuất như Exxon sẽ rót 51,7 tỷ USD vào Nga năm nay. Phần lớn số này sẽ lại đổ vào các hãng thiết bị dầu khí như Halliburton và Schlumberger, Bloomberg cho biết.

Các hãng dầu khí như BP sẽ chịu thiệt hại lớn vì lệnh trừng phạt Nga. Ảnh:Robinpost

Nga hiện đóng góp 4-5% doanh thu toàn cầu cho các công ty như Halliburton, Baker Hughes và Weatherford International. Tỷ lệ này tại Schlumberger là từ 5-6%, theo RBC Capital Markets.

Hãng dầu mỏ Anh - BP có 20% cổ phần trong Rosneft và là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Nga. Hãng hôm nay cảnh báo các lệnh trừng phạt lên Nga có thể ảnh hưởng đến sản xuất, lợi nhuận và danh tiếng của mình. 6 tháng đầu năm, BP đã kiếm được 1,6 tỷ USD từ Rosneft, tăng 80% so với năm ngoái. Hồi tháng 5, hai công ty cũng đã ký thỏa thuận cùng khai thác mỏ đá phiến tiềm năng tại dãy Ural.

Exxon Mobil - hãng dầu mỏ lớn nhất thế giới về giá trị thị trường cũng đang chịu sức ép phải tránh xa hãng dầu mỏ lớn nhất Nga - Rosneft và có thể bị buộc rời khỏi dự án khai thác tại Bắc Cực, Siberia. Các dự án này có chi phí khoảng 1 tỷ USD, Alexander Nekipelov - Chủ tịch Rosneft cho biết. Nga hiện là nơi có tiềm năng khai thác lớn nhất của Exxon ngoài Mỹ.

Theo lệnh trừng phạt, Mỹ và EU sẽ hạn chế chuyển giao công nghệ cần thiết có thể giúp Nga khai thác các mỏ dầu - khí tại vùng nước sâu, trong mỏ đá phiến và tại Bắc Cực. Các công nghệ này gồm khoan ngang và bẻ gãy thủy lực. Ngoài Bắc Mỹ, Nga hiện là thị trường lớn nhì thế giới cho dịch vụ chiết xuất (fracking). Nhu cầu thiết bị nghiền đá cũng được dự đoán tăng gấp đôi năm 2018, theo hãng nghiên cứu PacWest Consulting Partners.

"Sản xuất tại nhiều mỏ dầu cũ của Nga chỉ có thể được duy trì bằng công nghệ phương Tây, như khoan ngang chẳng hạn", Philipp Chladek - nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence cho biết. Các lệnh trừng phạt nhằm vào công nghệ khai thác và sản xuất có thể khiến sản lượng tại Nga sụt giảm, do các giếng dầu dùng công nghệ mới có năng suất cao gấp 3 bình thường.

Không chỉ các đại gia năng lượng, tuần này, hãng chuyên cung cấp dịch vụ quản lý dự án, xây dựng cho ngành năng lượng – Technip (Mỹ) cũng hạ triển vọng lợi nhuận với nhiều dự án, do lo ngại lệnh trừng phạt sẽ ảnh hưởng đến việc xây dựng nhà máy Yamal LNG tại Nga. Chi phí cho nhà máy này dự kiến vào khoảng 15-20 tỷ USD. Hãng nghiên cứu địa chấn - CGG (Pháp) cũng có thể bị thiệt hại do công nghệ của hãng này được sử dụng để vẽ bản đồ dự trữ dầu mỏ.

Hà Thu (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.