Rất khó khăn để ra quyết định giải thể doanh nghiệp sau 7 năm gắn bó, Chủ tịch Chứng khoán Âu Việt Đoàn Đức Vịnh cho biết ông không hề hối tiếc.


Công ty cổ phần Chứng khoán Âu Việt vừa công bố ngày chốt danh sách họp đại hội cổ đông 2012 với nội dung quan trọng là xem xét việc giải thể. Trao đổi vớiVnExpress.net trưa nay, Chủ tịch Công ty cổ phần Chứng khoán Âu Việt (AVSC, mã: AVS), ông Đoàn Đức Vịnh chia sẻ, hiện tại cổ đông nội bộ đã nắm trên 85% cổ phiếu và sẵn sàng cho việc giải thể công ty.

Trong buổi đại hội cổ đông sắp tới, Âu Việt sẽ tiến hành rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán, chỉ để lại mảng đầu tư để để giải quyết nốt những cổ phiếu đang niêm yết, chia tiền cho nhà đầu tư. Phần còn lại, Chủ tịch Âu Việt sẽ thỏa thuận mua lại với giá hợp lý.

Tuy nhiên, hiện tại mức giá ra sao vẫn chưa được ông Vịnh tiết lộ do phải chờ kết quả từ báo cáo tài chính kiểm toán năm 2012. Trong thời gian tới, Chứng khoán Âu Việt sẽ rút 4 nghiệp vụ bao gồm môi giới, bảo lãnh phát hành, lưu ký và tư vấn đầu tư chứng khoán.

Chủ tịch Chứng khoán Âu Việt nói thêm, hiện công ty vẫn còn 158 tỷ đồng tiền mặt gửi trong ngân hàng, những nhân viên đang làm việc cho tới thời điểm giải thể sẽ được giải quyết êm đẹp về các chế độ, chính sách, thủ tục pháp lý. Về lương, thưởng Tết 2013, "công ty đã trả lương tháng thứ 13 cho nhân viên, tuy nhiên thưởng Tết Âm lịch năm nay là không có", ông Vịnh khẳng định.

Hơn 10 năm theo nghề chứng khoán, 7 năm gắn bó với Chứng khoán Âu Việt, vị Chủ tịch cho biết không hề hối tiếc khi phải nói lời chia tay, bỏ dở cuộc chơi. "Chứng khoán đã cho tôi nhiều bạn bè, tăng thêm hiểu biết về kinh tế vĩ mô, cho tôi biết đắng cay là gì, thua trận là gì, cũng cho tôi biết cảm giác lời lãi, được-mất ra sao, tóm lại thì vẫn có lợi nhuận, nhưng nó quá vất vả so với công sức mình bỏ ra", ông Vịnh tâm sự.

Ngoài ra, ông cũng chia sẻ, hiện tại thị phần môi giới ở Việt Nam có 10 "ông lớn", họ đã chiếm hết "cửa" rồi, còn những "ông nhỏ" là các công ty chứng khoán khác hoạt động rất tốn kém, chưa kể nếu quản trị không tốt còn gây tốn tiền, sức khỏe và mang rủi ro đến các cổ đông cùng ban lãnh đạo. Như vậy, Chứng khoán Âu Việt sẽ là người tiên phong trong việc đóng cửa hoạt động, đồng nghĩa việc giảm bớt áp lực cho các cơ quan chức năng.

Ngày 20/3 sắp tới, Chứng khoán Âu Việt sẽ tiến hành buổi đại hội cổ đông thường niên cuối cùng. Đóng cửa phiên sáng ngày 11/1, thị giá AVS tăng kịch trần, lên 3.800 đồng một cổ phiếu. Tính đến 30/9/2012, vốn chủ sở hữu công ty là 216 tỷ đồng, như vậy, giá trị sổ sách AVS đạt khoảng 6.000 đồng một cổ phiếu.

Ông Vịnh hiện nắm hơn 5 triệu cổ phiếu AVS, tỷ lệ sở hữu 14% vốn điều lệ công ty. Nếu tính theo giá đóng cửa phiên ngày 11/1, tổng giá trị tài sản của ông Vịnh tương đương 19 tỷ đồng. Ngoài ra, vợ ông, bà Vũ Thị Thanh Thủy, cũng vừa mua thêm 1,5 triệu cổ phiếu AVS hồi tháng 9/2012, nâng tổng lượng nắm giữ lên 10,6 triệu cổ phiếu, giá hơn 40 tỷ đồng, tương đương 29,5% vốn điều lệ của Chứng khoán Âu Việt.

Công ty Chứng khoán Âu Việt được thành lập từ năm 2007 với vốn điều lệ 360 tỷ đồng. Theo giới thiệu ở website công ty, Âu Việt từng mong muốn trở thành một trong những công ty hàng đầu trên thị trường tài chính Việt Nam, với dịch vụ xuất sắc nhất trong lĩnh vực tái cấu trúc công ty, mua bán sáp nhập doanh nghiệp.

Cổ phiếu AVS chính thức giao dịch tại sàn Hà Nội từ ngày 22/4/2010, giá bình quân 14.500 đồng. Thời điểm đó, Chứng khoán Âu Việt là công ty kinh doanh chứng khoán thứ 10 tham gia niêm yết, tổng khối lượng đạt 36 triệu cổ phiếu. Năm 2011, công ty đã lỗ gần 41 tỷ đồng nhưng vẫn còn 156,6 tỷ đồng tiền mặt gửi ngân hàng. Sang quý III/2012, công ty lỗ tiếp 20,34 tỷ đồng, lũy kế lợi nhuận 9 tháng cũng âm 9,27 tỷ đồng.

CafeLand.vn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.