Từ buôn chuyến tivi nội địa, Phạm Văn Tam dấn thân vào sản xuất tivi, dù mới chỉ học hết 12. Tất cả vốn liếng tri thức đều từ thương trường mà ra. Làm liều, liệu có phiêu?
Những thăng trầm trên đường buôn…
Năm 1998, Phạm Văn Tam tốt nghiệp cấp 3 ở Móng Cái, Quảng Ninh. Đến nay, đây là “học vị” cao nhất của doanh nhân này, Tam vào đời bằng nghề làm thuê chụp ảnh dạo công viên.
Năm 2001, nhân dịp vào Sài Gòn để thăm người cô ruột, nghe nói trong đó tivi nội địa khan hiếm, vậy là Tam mang theo năm chiếc tivi nội địa trong chuyến du Nam đầu tiên của cuộc đời. Nhờ người cô chỉ đường và cảnh báo thói quen buôn bán ở đất Sài Gòn, Tam đến chợ Nhật Tảo để tìm mối bán tivi.
Có cửa hàng chịu mua hàng. Điều làm Tam bất ngờ, tiền lãi của mỗi chiếc tivi gần một chỉ vàng. Một tuần sau, về lại quê, trừ hết chi phí, Tam còn lãi bốn chỉ vàng. Chưa bao giờ trong tay Tam có số tiền lớn như vậy.
Ông trở thành một kẻ buôn chuyến bắt đầu từ đó. Sẵn quen với mấy người bạn quê Nghệ An khi qua Phòng Thành (Trung Quốc) để mua tivi cũ, Tam và những người bạn đó bắt đầu đóng hàng nhiều hơn.
Thấy chuyện buôn tivi cũ có lãi, Tam mượn cô ruột 400 triệu đồng (lúc đó là một khoản tiền lớn) để lận lưng đi buôn. Có lúc nhập cả một container tivi cũ bán cho các đầu mối ở chợ Nhật Tảo.
Năm 2007. Chuyện kinh doanh đang hanh thông thì lệnh cấm nhập hàng điện tử cũ ban ra. Tam bán hết hàng đã lỡ mua, khép lại chuyện kinh doanh tivi cũ. Sáu năm làm kẻ buôn hàng chuyến đã cho Tam nhiều kinh nghiệm thương trường, bạn bè và quan trọng hơn cả là một khoản tiền lớn.
Tivi nội địa hết hàng, các đầu mối của Tam ở chợ Nhật Tảo xoay sang lắp ráp tivi. Vậy là Tam, nhờ có mối quan hệ với các đầu mối bên Trung Quốc, chuyển sang nhập linh kiện. Bao nhiêu cũng hết, có lúc Tam nhập tới năm container linh kiện. Có đầu mối nhận làm nhà phân phối, bao luôn cả “công” để bán dần cho các cửa hàng!
Bất ngờ… xây dựng thương hiệu!
Không chỉ cung cấp cho các cửa hàng nhỏ, theo lời Tam kể, nhiều thương hiệu làm tivi như Sam – Đông Á, Belco, Viettronics Tân Bình, Thủ Đức… có lúc cũng lấy linh kiện của Tam.
“Họ sản xuất ít mà tự nhập thì giá cao, lại phải bỏ tiền trước. Nay có tôi cung cấp, họ muốn lấy bao nhiêu cũng được, lại được nợ gối đầu. Họ kêu lúc nào, tôi sẵn sàng đem hàng đến. Sướng quá còn gì”, Tam giải thích.
Nhưng cuộc đời có những chữ ngờ, và chính Tam cũng không ngờ tới. Đang buôn bán linh kiện “ngon lành” thì các hãng lớn như Samsung, LG, Sony, TCL… “đánh rát” nhóm hàng tivi, nhất là loại tivi 32 inch với giá ngày càng rẻ, mẫu mã đẹp mắt… Điều đó khiến cho những Sam, Belco, những VTB… “buông súng đầu hàng”.
“Tôi không bao giờ nghĩ rằng sẽ xây dựng một thương hiệu tivi Asanzo cho mình, nếu như ngày đó “mấy ổng” (tức Sam, Belco, VTB…) không chết!”, Tam nhớ lại chuyện cũ. Lúc này, do “mấy ổng” đã bỏ cuộc chơi, nhưng các đối tác cung ứng linh kiện thì lúc nào cũng sẵn sàng.
Tam nghĩ, nếu không nhập về thì uổng quá. Nhưng nhập về thì bán cho ai. Thế là ngồi suy nghĩ, tính toán. Cuối cùng, Tam quyết định: một mình xây dựng thương hiệu Asanzo với những kinh nghiệm từ chính các tên tuổi từng là đối tác. Asanzo, một cách chơi chữ của cụm từ: anh Tam zô Sài Gòn!
Tam mua lại trụ sở một công ty ở khu công nghiệp Vĩnh Lộc, đầu tư dây chuyền để lắp ráp từ nguồn linh kiện, theo lời Tam, mua từ nhà máy Samsung – LG, Toshiba… bên Trung Quốc.
Dự tính nguồn vốn đầu tư là 400 tỉ đồng, nhưng đầu tư theo cuốn chiếu, nhu cầu mở rộng tới đâu, đầu tư tới đó. Chi phí mua nhà xưởng và đầu tư hai dây chuyền hết 150 tỉ đồng. Số nhân viên ban đầu là 50 người.
Thế rồi, ngày 7/3/2014, những chiếc tivi LCD thương hiệu Asanzo loại 25 inch và 32 inch, chính thức xuất hiện trên thị trường, giá rẻ hơn hàng cùng loại từ 10 – 20% tuỳ kích thước. Cũng ngay năm đó, Asanzo bán được 7.000 chiếc.
Oái oăm là hàng ra chưa kịp nóng thì phải thu hồi nguyên lô 2.000 sản phẩm 25 inch vì bị lỗi màn hình do chưa biết cách đóng hàng.
“Năm đó, Asanzo lỗ 2 tỉ đồng. Lô hàng 32 inch cũng không có lời, chủ yếu làm thị trường”, Tam tiết lộ.
Thời điểm Asanzo ra đời, thị trường đã chật với các sản phẩm tivi từ màn hình cong, thẳng, LED đến OLED từ các đại gia như Sony, Samsung, LG, Panasonic, Sharp… Phân khúc thấp hơn một chút là đại gia TCL từ Trung Quốc, với giá được coi là khá mềm. Toàn là hàng ngoại.
Những tên tuổi từng dấn thân vào cuộc chơi tivi Việt như Sam, VTB, Belco… nay đã “quy ẩn giang hồ”, vì không chịu nổi cuộc chơi. Vậy mà Asanzo của ông Tam lại dám “húc đầu vào đá”! Ông nghĩ đơn giản, giá rẻ hơn, chất lượng chấp nhận được, “một đổi một” trong vòng 30 ngày nếu sản phẩm có trục trặc…
Khi tham gia cuộc chơi xây dựng thương hiệu cho tivi, Tam bảo ông tin là sẽ sống được nếu biết tránh những cách làm của các “đại ca”. Tam kể, khi còn cung cấp linh kiện cho các thương hiệu Việt, có những mẫu mã rất đẹp, giá tốt nhưng chờ ba, bốn tháng mới nhận được phản hồi. Lúc đó, cơ hội kinh doanh không còn, linh kiện khó nhập…
“Có trường hợp cứ chăm bẵm một dòng 21 inch như anh Sam – Đông Á. Không chịu ra sản phẩm mới thì làm sao bán hàng?”, Tam nói.
Hiện nay, Asanzo xuất hiện trên thị trường với 20 sản phẩm, từ tivi LED thẳng cho đến LED cong, từ 20 – 65 inch. Asanzo từng sản xuất tivi 100 inch nhưng chỉ làm chơi cho biết. Số nhân viên cũng đã lên đến 500 người.
“Tôi ít học”! Tam thừa nhận. “Vừa có nhu cầu kiếm tiền để nuôi bản thân và gia đình, vừa học dở, nên cố lắm hết lớp 12. Góp nhặt kinh nghiệm thương trường từ cuộc sống mưu sinh của mình mà ra đời làm ăn. Nếu mình có học hành bài bản, chắc sẽ đỡ vất vả hơn”, Tam cười.
“Cho đến bây giờ, ai góp ý về tivi Asanzo, từ thiết kế đến tính năng, tôi đều nghe hết. Cái nào đúng thì mình học. Họ có thương mình thì mới chỉ ra những chỗ mà mình chưa thấy hoặc không thấy”, Tam nói.
Hễ có hội chợ nào về tivi Tam cũng tìm đến để nhìn thấy sản phẩm mới, thấy hay là đặt hàng. Nghe nói ai có nhiều chiêu hay, Tam kết bạn để được nghe những lời chia sẻ, nhưng không phải “đẽo cày giữa đường”. 13 năm lăn lộn cuộc đời, ông đủ hiểu đâu là đúng, là sai!
Thị trường nhìn Tam như một kẻ liều lĩnh. Quá liều thì đúng hơn. Giới kinh doanh tivi cũng lắc đầu với Tam. Bạn bè nghe Tâm chuẩn bị làm tivi, khuyên nên để dành tiền mua… đất vì “không đủ sức để đánh với các thương hiệu toàn cầu đâu”.
“Nhưng một khi tôi đã quyết là làm. Ừ, thì tôi thành công khi mua tivi nội địa, rồi nhập linh kiện tivi nhưng không ít lần thất bại chỉ vì mình không dám… liều!”
Đây không phải là lần đầu tiên Tam liều làm thương hiệu riêng. Năm 2012, Tam đã thử sức khi xây dựng thương hiệu Fujico với các sản phẩm điện gia dụng. Nghe lời các nhà phân phối “hữu xạ tự nhiên hương”, hàng ra bao nhiêu được các nhà phân phối lấy về bấy nhiêu. Nhưng lấy xong chỉ… cất vào kho. Vậy là thất bại!
Từ phi vụ Fujico, Tam hiểu rằng, phải “chịu khó nghe, chịu khó hỏi, chịu đi và chịu liều” mới làm nên chuyện. Cho nên, khi ra chiếc tivi Asanzo, đích thân Tam mang hàng xuống Định Quán, Đồng Nai, để chào hàng với một đại lý, mở tivi cho khách hàng coi. Hành động đó xuất phát từ suy nghĩ: Samsung, Sony… lớn cỡ đó mà còn có nhân viên giới thiệu hàng thì Asanzo không thể không có.
Học cách tin người
Năm 2016, Asanzo bán được 500.000 chiếc, chủ yếu là dòng 32 inch và 40 inch, chiếm khoảng 10% thị trường. Từ ngày đầu, hàng của Asanzo chỉ bán ở cửa hàng, nhưng nay đã có mặt tại các chuỗi lớn như Điện máy Xanh, Chợ Lớn…
Nhưng Phạm Văn Tam không muốn Asanzo dừng lại ở đó. Đầu năm 2017, Asanzo sẽ khởi công dự án nhà máy mới tại Củ Chi (TPHCM) trên diện tích 17.000m2 để sản xuất tivi, tủ lạnh, tủ đông… Vietinbank đã cam kết hỗ trợ cho ông Tam vay 500 tỉ đồng.
Ông Võ Đức Hùng, phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nam Sài Gòn, xác nhận với Thế Giới Tiếp Thị: “Hiện doanh nghiệp này có nhiều mục tiêu phát triển nghiêm túc, làm ăn tử tế nên Vietinbank yên tâm đầu tư, không chỉ 500 tỉ đồng mà nếu cần, có thể lên tới hàng ngàn tỉ đồng”.
“Nhưng điều đang lo là tôi độc quyền với nhiều mối quan hệ, từ đặt hàng cho đến kinh doanh. Có hai người em trong gia đình, một người đặt hàng và một người bán hàng nhưng chỉ là “tướng vùng”, ít biết công việc của tôi. Tôi tiết kiệm được nhiều khoản nhưng mệt quá. Không tin vào con người là tính xấu. Tôi đang thay đổi quan niệm này”.
Vài tháng nay, Tam bắt đầu tuyển dụng người tài. Đã có vài người giỏi, hiểu việc tìm đến Asanzo. Ông đã cho họ cơ hội được làm việc nhưng bảo tin tưởng thì… chưa.
“Không vội. Cần cho họ điều kiện làm việc. Khi nào thấy được sẽ giao việc quan trọng hơn”. 36 tuổi, Tam đang gầy dựng sự nghiệp của mình vừa chắc chắn vừa liều lĩnh. Ông kể, trước đây tin người lắm, chuyện gì cũng chia sẻ nhưng khi đối thủ chìa hợp đồng với mức lương cao hơn, vậy là những kẻ thân tín đó “dứt áo” ra đi mang theo nhiều bí mật kinh doanh.
Từ đó… “Tôi có một tật xấu là không tin vào riêng một ai cả! Vì vậy mà mấy năm qua chuyện gì cũng phải qua tay mình, từ đặt hàng cho đến bán hàng, giao du với các đại lý bán lẻ…”, giọng ông chùng xuống.
Xem thêm bài viết về: Ông Phạm Văn Tam
Hoàng Triều (TGTT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Chuyện ‘Asanzo – Anh Tam zô Sài Gòn’

    Chuyện ‘Asanzo – Anh Tam zô Sài Gòn’

    26/10/2016 4:15 PM

    Từ buôn chuyến tivi nội địa, Phạm Văn Tam dấn thân vào sản xuất tivi, dù mới chỉ học hết 12. Tất cả vốn liếng tri thức đều từ thương trường mà ra. Làm liều, liệu có phiêu?

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.