Mạnh dạn đứng ra làm những dự án về "tốt lúa lợi tôm", cải tạo cả vùng đất nuôi trồng thủy sản và bao tiêu lúa cho nông dân, rồi hăng hái tuyên truyền cho họ về "tốt lúa lợi đất", bà Lê Thị Tú Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp GAP, cho biết: "Những gì tôi và các cộng sự đang làm đều xuất phát từ ước mơ về một nền nông nghiệp sạch".

Bà Lê Thị Tú Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp GAP - Ảnh: Quý Hòa

Tốt nghiệp Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, cộng với kinh nghiệm gần 20 năm lèo lái "con thuyền" Công ty CP Cơ Điện lạnh Lâm Sơn, nhưng khi bước vào lĩnh vực nông nghiệp, bà Lê Thị Tú Anh ví mình như người tay ngang. "Mọi thứ với tôi đều mới mẻ, tôi phải học mỗi ngày, học khắp nơi, học từ những người có kinh nghiệm, từ sách vở và từ thực tế”, bà Tú Anh nói.

* Động lực nào khiến bà chuyển sang làm nông nghiệp khi thừa biết mình chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này?

- Tất cả là từ cô bạn rất thân với tôi từ hồi trung học. Cô sống ở Mỹ, trong những lần về thăm quê, nhìn thấy những ruộng lúa ở Long An, Vĩnh Long được thay bằng những vườn thanh long, cam, quýt... nhưng đời sống bà con cũng không được cải thiện do đất đai bạc màu, nên cô ấy ước ao làm một điều gì đó cho nông nghiệp nước nhà.

Bạn tôi đã xin nhập về Việt Nam phân hữu cơ và phân sinh học có tác dụng cải tạo cho đất màu mỡ, chữa được nhiều loại bệnh trên cây trồng, rất thích hợp cho nền nông nghiệp châu Á. Nhưng tiếc thay, đối tác đại lý cung cấp làm ăn gian dối, pha trộn sản phẩm đã khiến cô ấy thất bại.

May mà sau đó cô ấy gặp được người phát minh ra sản phẩm, là một dược sĩ trong quân đội Hoa Kỳ. Bốn mươi năm trước, ông đã băn khoăn nhiều về các căn bệnh thế kỷ do thuốc trừ sâu gây ra. Chính vì thế, ông đã dùng hết thời gian và kiến thức của mình để nghiên cứu loại phân hữu cơ và sinh học không cần dùng kèm thêm thuốc trừ sâu.

Bằng tâm huyết của mình, cô ấy đã thuyết phục nhà phát minh và được ông chấp thuận cho độc quyền phân phối sản phẩm toàn châu Á. Tôi đã không thể từ chối sự nhiệt huyết này khi cô ấy tìm đến mình. Sau gần hai năm thử nghiệm, GAP đã được cấp giấy phép bán sản phẩm tại thị trường Việt Nam.

* Vậy bà đã bắt đầu như thế nào?

- Lúc đó tôi chưa hiểu gì về cây lúa, cũng không hiểu gì về sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh và an toàn thực phẩm GAP. Tôi bắt đầu với việc tuyển dụng những người có kinh nghiệm về nông nghiệp.

Bạn tôi nói phân này bón vào sẽ làm giảm bệnh trên tất cả các loại cây trồng, nhưng thực ra đó là ở Mỹ, khí hậu, thổ nhưỡng hoàn toàn khác Việt Nam, nên tôi cũng chẳng biết loại phân này có tốt hay không, nếu không đúng là mình chết trước.

Rồi chỉ cần đọc báo, xem truyền hình, biết chỗ nào cây cối có bệnh là chúng tôi tìm đến. Nghe gừng ở Tiền Giang, củ cải trắng ở Vĩnh Long bị bệnh thối củ, bệnh trên cây tiêu ở Gia Lai, Đắk Lắk..., chúng tôi đều đến xin bà con được tổ chức hội thảo và thử nghiệm trị bệnh.

Phải mất hơn một năm bỏ của, bỏ công, chúng tôi mới dám khẳng định hiệu quả cũng như tìm ra công thức riêng cho từng loại cây. Sau đó, chúng tôi mạnh dạn triển khai theo hướng riêng là bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.

* Gắn bó với những người nông dân và đồng ruộng, bà đặt ra những mục tiêu gì cho GAP?

- Chúng tôi là nhà phân phối độc quyền sản phẩm phân bón hữu cơ cao cấp Black Castings và VermaPlex tại khu vực châu Á của Nhà sản xuất VermiTechnology Unlimited (Florida, Mỹ), thông qua Công ty Green Rice Fields Trading, INC (CA, Mỹ). Nhưng mục tiêu của GAP không phải là chỉ để bán được hàng, mà còn hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững, góp phần cải tạo đất đai màu mỡ hơn.

Song, đối với nông dân, nếu doanh nghiệp chỉ kêu gọi sản xuất mà không bao tiêu sản phẩm, họ sẽ không làm. Vì thực tế, nếu chỉ có lý thuyết, không ai tin sản phẩm của bạn tốt. Đôi khi nói nhận bao tiêu sản phẩm đầu ra họ còn không tin, huống hồ chi phí cho phân hữu cơ lại cao hơn phân hóa học.

* Chênh lệch so với phân hóa học lên đến hàng triệu đồng, bà đã giải bài toán đầu ra như thế nào cho phân hữu cơ?

- Mặt ưu của sản phẩm là cải tạo được ruộng đất, mặt khuyết là chi phí cao hơn so với dùng phân hóa học. Cụ thể, chênh lệch khoảng 4 - 5 triệu đồng/ha, nên chúng tôi chọn vùng luân canh lúa - tôm (một vụ lúa - một vụ tôm) để tiến hành trước.

Vì ở đây, nông dân chú trọng việc cải thiện vùng nuôi tôm, lúa mất mùa cũng không sao. Nhưng chúng tôi cũng mua lại lúa với giá cao hơn thị trường 5% (tương đương 300 đồng/kg).

Mỗi vụ thu được 6 - 7 tấn/ha, như vậy nông dân cân đối được khoản chênh lệch còn 2 - 2,9 triệu đồng/ha, chúng tôi bù lỗ khoảng 1,8 - 2,1 triệu đồng. Đây cũng là gánh nặng chi phí bù lỗ khá lớn, nhưng vẫn còn ổn so với tiến hành ở ruộng 2 - 3 vụ/năm. Chúng tôi ráng kiên trì trong 3 năm để lấy chứng nhận USDA về Organic.

Một khi chúng tôi có chứng nhận, giá thành gạo không còn là bài toán khó cho chúng tôi, vì lúc đó giá bán sẽ cao gấp 2 lần giá hiện tại. Tôi cam kết sẽ mua giá cao hơn 20 - 30% cho nông dân. Nếu ai đồng ý, nhìn được xa hơn trong việc cải tạo ruộng đất thì làm. Vì cuối cùng cả tôi và nông dân đều có lợi.

* Chúng tôi có nghe nhiều câu chuyện về GAP bị đối thủ nói xấu. Đó có còn là rào cản đối với GAP lúc này?

- Khi tôi triển khai sản phẩm, kêu gọi bà con tham gia ở Thoại Sơn (An Giang), chúng tôi đụng ngay một công ty phân bón sinh học ở dưới đó. "Đất" của họ, tự nhiên mình đến cạnh tranh, họ phản ứng là điều tất nhiên, trong đó có cả cạnh tranh không lành mạnh. Chúng tôi bị nói xấu đủ điều.

Ban đầu nhiều người đăng ký tham gia, sau đó cũng bị lôi kéo, rồi không tham gia nữa... Nhưng chúng tôi mặc kệ, mỗi người một quan điểm, tôi vẫn tin đoạn đường đi bằng chất lượng luôn hiệu quả. Sau đó, chúng tôi tổ chức nhiều hội thảo hơn nữa để kiếm đủ số lượng nông dân tham gia.

Ảnh hưởng năm 2013 thì nhiều, nhưng năm 2014, từ những gì chúng tôi đã làm, bà con quay lại ủng hộ nhiều hơn. Nên những khó khăn ban đầu đến nay cũng không còn là rào cản đối với chúng tôi.

* Bà có thể nói ngắn gọn về hiện trạng nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay?

- Hiện nay, nền nông nghiệp Việt Nam là nền nông nghiệp tự phát, bà con nông dân chỉ chạy theo lợi nhuận trước mắt, để có được năng suất cao, bà con dùng thuốc hóa học, chất kích thích tăng trưởng quá nhiều. Họ cứ nghĩ phải sử dụng như vậy để trái cây to hơn, rau tươi tốt hơn..., nhưng thực tế họ không biết rằng, việc sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng sẽ sinh ra sâu bệnh nhiều hơn.

Cụ thể, các tế bào trên cây sẽ mỏng đi, nong nước vào, cây sẽ yếu đi, dẫn đến dễ bị bệnh khi môi trường thay đổi. Trái cây và rau quả lại không đạt tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm, gạo cũng vậy. Đó là lý do tại sao gạo thơm ngày càng mất hương, mất dẻo.

* Vậy làm sao có thể đi nhanh tới một nền nông nghiệp bền vững được?

- Khi đi hội thảo, đứng trước hàng ngàn nông dân, tôi đã khuyến cáo rất nhiều, nhưng họ nói rằng vì cơm áo gạo tiền buộc họ làm. Ở góc độ cá nhân, tôi nhận thấy chuyện này mình không trách người nông dân được. Vì trong định hướng về nông nghiệp thì phải có sự lèo lái của Chính phủ.

Phải thống nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuống các địa phương, ý thức tuyên truyền phải đi từ lãnh đạo rồi đến tư nhân để kêu gọi những người có tâm huyết cùng tham gia. Người nông dân học ít, họ chỉ muốn có lợi nhuận trước mắt, nhưng nếu có những người chịu nói cho họ hiểu thì tôi nghĩ họ sẽ nghe theo.

Chẳng hạn, trong 5 - 10 hội thảo thì cũng có ít nhất 15 người nghe chúng tôi. Như vậy, muốn 15 người này nghe chúng tôi rồi truyền bá lại cho những người khác nữa thì cũng cần những người tâm huyết cùng nói. Tư nhân nói cũng không bằng Nhà nước nói.

Vậy nếu Nhà nước cùng với những chính sách tuyên truyền, tập huấn hỗ trợ nông dân thì tôi nghĩ rằng sự bắt tay giữa doanh nghiệp và Nhà nước sẽ thay đổi nhận thức, tư duy của người nông dân.

Khi tôi giải thích với họ về lợi ích của việc dùng phân hữu cơ thì họ đáp rằng: "Cô ơi, tôi hiểu hết, nhưng giờ tôi làm rau sạch, lúa sạch mà mua cho tôi với giá thường, tôi không sống được". Như vậy mình chưa lo được đầu ra cho bà con nông dân, mình nói người ta làm cái này, bỏ cái kia đi, chất lượng tốt hơn... nhưng phải có người mua.

Phải có những doanh nghiệp đồng tâm, đồng sức để bảo đảm đầu ra cho họ. Thậm chí cần thiết cũng nên kêu gọi nước ngoài để có những hợp đồng rau quả sạch dành cho doanh nghiệp thì nền nông nghiệp mới phát triển được.

* Nhìn lại sau 3 năm, bà thấy có những khó khăn gì đối với một doanh nghiệp đang đi theo hướng nông nghiệp hữu cơ?

- Tôi là trong những số ít công ty đang đi theo hướng nông nghiệp sạch. Nói chung, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên là về vốn. Ngoài nguồn vốn huy động từ người thân, chúng tôi không trông mong gì được ở các ngân hàng.

Giờ đi đâu các ngân hàng cũng bảo hữu cơ tốt nhưng tiêu thụ ít quá họ không muốn đầu tư, bắt doanh nghiệp phải thế chấp tài sản, trong khi họ định giá nhà máy của doanh nghiệp rất thấp.

Nguồn vốn đang vay ngân hàng bằng thế chấp tài sản bị co hẹp lại. Tôi thấy đây là khó khăn rất lớn của các doanh nghiệp như chúng tôi khi không nhận được hỗ trợ từ các ngân hàng hay các cơ quan chính quyền.

Đâu có doanh nghiệp tư nhân nào dám đứng ra làm một dự án về "tốt lúa lợi tôm", cải tạo cả vùng đất nuôi trồng thủy sản và bao tiêu lúa cho nông dân. Hay trong chương trình "tốt lúa lợi đất", đi tuyên truyền về hữu cơ để làm sao giảm được vấn đề bạc màu cho đất như chúng tôi đến thời điểm này.

* Mặc dù chưa có nhiều sự ủng hộ cụ thể từ phía Chính phủ, nhưng được biết các nhà khoa học rất ủng hộ bà trên con đường "hữu cơ hóa"?

- Thời gian đầu, khi bước sang lĩnh vực nông nghiệp, nhất là khi mình không có chuyên môn trong ngành, các công thức mình đưa ra chưa đúng, năng suất cây lúa chưa cao, cộng với sự không hưởng ứng của bà con nông dân, nhiều lần tôi muốn bỏ cuộc.

Hay như khi đi hội thảo, đứng nói trước bà con, nghe họ kết luận: "Cô hát hay lắm, nhưng mà những công ty khác cũng hát hay giống như cô, chúng tôi làm sao tin được", tôi muốn rớt nước mắt, nhưng hoàn toàn hiểu điều này, vì chúng tôi là công ty đi sau. Những người đi trước, tới đâu cũng nói làm tốt nhưng cuối cùng lại không tốt, làm người nông dân mất lòng tin.

Cũng may tôi gặp được GS-TS. Võ Tòng Xuân, mọi chuyện đã thay đổi, ông đã giúp chúng tôi trong việc đưa ra những công thức chuẩn nhất để áp dụng phân bón vào cây lúa, cho kết quả năng suất rất cao.

Còn trong lĩnh vực vi sinh, tôi cũng may mắn được sự hỗ trợ của GS-TS Trần Kim Quy trong việc hợp tác xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải nông nghiệp (thân cây hoa màu, rau...), than bùn bằng công nghệ vi sinh tại huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), cho ra gạch không nung, phân bón hữu cơ "made in Vietnam" giá mềm, phục vụ đại đa số nông dân Việt.

Dự kiến 1 - 2 tháng nữa, dự án sẽ được triển khai xin thủ tục, cấp phép. Đây là dự án được phát triển dựa trên dự án xử lý vi sinh của GS-TS. Trần Kim Quy đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp phép sở hữu trí tuệ.

Từ sự hỗ trợ của các nhà khoa học ở Mỹ, cũng như hai GS-TS. Võ Tòng Xuân và Trần Kim Quy, tôi tin rằng chương trình Organic của tôi sẽ sớm thành hiện thực. Lúc đó, người dân Việt Nam sẽ được ăn gạo sạch, rau sạch với giá rẻ.

* Chứng minh những sản phẩm của GAP là 100% hữu cơ có phải là một thách thức mà bà đang theo đuổi?

- Organic là vấn đề đang gây tranh cãi, không ai tin lúa trồng theo phương pháp hữu cơ 100% có năng suất bằng hoặc cao hơn lúa trồng bằng phân bón hóa học. Nhưng hai năm qua, tôi đã thử nghiệm và thành công dưới sự chứng kiến và đánh giá từ phía chính quyền địa phương.

Tại sao chúng ta chưa có hữu cơ 100%? Vì phân bón hữu cơ chúng ta chỉ làm từ vỏ cà phê, rác thải..., không đủ cung cấp dưỡng chất, còn phân bón nhập sẽ không ai có đủ tâm huyết đưa về đi thí nghiệm lung tung như vậy. Vấn đề của chúng tôi là phải làm sao để chứng minh điều này.

Việt Nam chưa có tổ chức cấp giấy phép về hữu cơ. Chúng tôi muốn chứng minh điều này cần phải liên kết với tổ chức cấp USDA để làm. Sắp tới đây, khi quy hoạch được vùng trồng, tôi sẽ mời họ về đây đánh giá từ mẫu đất, mẫu nông sản theo từng năm. Kết quả sẽ là câu trả lời cho mọi người.

Vấn đề là mình phải làm từ bây giờ. Tôi đã làm được 2 năm, hy vọng sang năm, tôi sẽ có được giấy chứng nhận Organic. Sau khi có giấy chứng nhận, chúng tôi sẽ huy động vốn đầu tư vào hệ thống chuỗi cửa hàng organic với giấy chứng nhận của Mỹ, có như thế người tiêu dùng mới tin mình.

Lúc đó, nguồn gốc nông sản từ những trang trại nào thì để cho bà con tự tới thăm. Ba năm qua, chúng tôi phải bươn chải và thử nghiệm trên tất cả các loại cây trồng và đi tìm câu trả lời cho câu hỏi liệu sản phẩm phân bón này có thể xin được chứng nhận sản phẩm hữu cơ và có bán được giá rẻ không? Tuy nhiên, tôi hoàn toàn tự tin vì nguồn phân bón chúng tôi sử dụng đã có chứng nhận Organic của Mỹ.

* Cảm ơn những chia sẻ thú vị và chúc bà sớm thành công!

Duy Khuê (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.