“Tôi muốn là một người Việt tốt dưới mắt mọi người và không muốn phê phán người Việt quá nhiều, nhưng phải nói thật là người lao động Việt Nam không có tác phong công nghiệp. Đó là điều các nhà đầu tư, đối tác nước ngoài ngại nhất”. Giám đốc một doanh nghiệp của Đức tại TPHCM, người có thâm niên gần 20 năm làm việc cho công ty của châu Âu, đã chia sẻ với TBKTSG như vậy trong cuộc trò chuyện về lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.

Ông cho biết: “Tôi nhiều lần dẫn đoàn doanh nhân Việt Nam đi nước ngoài, giới thiệu dự án, gặp đối tác và thấy... ngại quá. Doanh nhân Việt Nam nói tiếng Anh người ta không hiểu; tác phong xã giao, ăn uống không đúng cách; tác phong kinh doanh cũng không được đào tạo. Đội ngũ doanh nhân 5x - 6x đã lớn tuổi, khó thay đổi thì đã đành, đội ngũ kế cận 7x - 8x cũng lại cứ giả vờ có kinh nghiệm, nhưng khi đụng vấn đề thì họ không quyết được, non nớt mà lại không chịu học. Doanh nghiệp nước ngoài nhìn vào những đối tác như ta họ cũng thấy ái ngại. Chất lượng con người là vấn đề rất lớn của Việt Nam khi hội nhập”.

Sau khi “xả” một tràng bức xúc, vị này còn nhận xét thêm về năng lực thiết lập hồ sơ để thuyết phục nhà đầu tư nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam còn rất yếu. Nhà đầu tư không hiểu được các vấn đề và ưu thế của công ty được trình bày (các thông tin pháp lý, năng lực doanh nghiệp...). Phương án kinh doanh thường không đủ sức thuyết phục. Đã vậy, khi họ muốn tìm thêm thông tin cũng không tìm đâu ra. Vì thế hầu hết các nhà đầu tư tỏ ra e dè, không dám đưa tiền cho doanh nghiệp Việt Nam.

Trở lại vấn đề chất lượng con người, một doanh nhân khác kể cách đây vài năm, ông mua lại nhà máy sản xuất gạch từ một công ty nhà nước được cổ phần hóa, sau đó ông đã vô cùng khổ sở vì không quản lý nổi con người ở đây. Các cán bộ của công ty cũ coi việc “ăn cắp” của công là bình thường và công khai. Người ta đến công ty tắm, giặt, tài xế thì ngang nhiên cộng thêm tiền vào hóa đơn đổ xăng và cho rằng “mua xăng cộng thêm tiền cà phê là bình thường, không phải ăn cắp”. Ông này tâm sự phải quản lý một đội ngũ lao động thiếu ý thức, thiếu năng lực thực sự quá mệt mỏi. Ông ân hận đã mua lại nhà máy với một đội ngũ như vậy, “giá mà khi ấy, tôi thành lập nhà máy mới còn hơn!”, ông nói.

Theo nhìn nhận của vị doanh nhân này, trong suốt thời gian dài cả chục năm qua, lao động Việt Nam gần như không có sự thay đổi về chất lượng. Công nghiệp phụ trợ ở trong nước cũng đã loay hoay cả 20 năm mà chưa có gì. Tỷ lệ nội địa hóa ô tô hiện chưa tới 5% trong khi cách đây mười năm cũng thế...

Gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhận định lao động giá rẻ đã không còn là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Năng suất lao động và tích hợp giá trị của người lao động Việt Nam quá thấp. Nếu phải thuê 10 lao động Việt Nam, họ có thể chọn thuê bốn lao động người nước ngoài cho năng suất làm việc tương đương mà ít tốn bàn ghế, máy tính, điện nước... hơn; công việc quản lý con người cũng ít phức tạp hơn.

Đối với họ, trong cuộc đua hiện nay mà phải chờ nâng cấp đội ngũ lao động Việt Nam rồi mới vào Việt Nam làm ăn thì nhiều doanh nghiệp không chờ đợi được. Cần lưu ý rằng các nước nội khối ASEAN cạnh tranh rất mạnh chứ không như EU là những thị trường bổ sung cho nhau. Các nước ASEAN gần như có cùng ưu thế về lao động rẻ, thị trường mới và đông dân, nền nông nghiệp là chủ đạo... Tuy nhiên, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Myanmar hay Campuchia thực sự rộng mở và cải cách nhanh hơn Việt Nam. Những nhà đầu tư vào khu vực hẳn sẽ phải tự hỏi: “Tôi nên đặt cái chân đầu tiên ở đâu?”. Thật khó ai dám khẳng định câu trả lời là Việt Nam.

Sẽ có những nhà đầu tư đem lao động có kỹ năng từ bên ngoài vào Việt Nam và Việt Nam sẽ phải đứng trước hai câu hỏi lớn: (1) Đội ngũ lao động thiếu kỹ năng sẽ đi về đâu? (2) Nếu dựng lên những hàng rào cản bớt làn sóng dịch chuyển lao động có kỹ năng trong khu vực nhằm bảo vệ lao động trong nước thì chẳng phải đồng nghĩa với trì hoãn thay đổi và càng thêm thất thế?

Tại Chương trình quản trị kinh doanh hội nhập (Integrated Business Administration - IBA) vừa được giới thiệu gần đây, ông Phạm Phú Ngọc Trai - người sáng lập Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) và là người từng có nhiều năm điều hành công ty đa quốc gia, cho rằng đội ngũ làm kinh doanh tại Việt Nam cần được đào tạo cấp bách để đủ khả năng lãnh đạo và kinh doanh hiệu quả, đảm bảo sự phát triển ổn định và lâu dài cho các công ty đang đuối sức.

Ông Trai cho biết tại Suntory PepsiCo Vietnam, ngày càng có nhiều người Việt thay thế các vị trí quản lý cao cấp mà trước đó do người nước ngoài đảm nhiệm, có những vị trí quản lý nửa tỉ đô la Mỹ doanh thu bán hàng mỗi năm. Điều này cho thấy người Việt có đủ năng lực thay thế người nước ngoài nếu được đào tạo tốt.

Theo ông Trai, trên thị trường hiện có ba nguồn nhân lực chủ chốt cho các công ty: từ nhà trường, từ sự dịch chuyển lao động trên thị trường và nguồn đang có tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, một tỷ lệ khá cao sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng không đáp ứng được yêu cầu công việc tại doanh nghiệp. Tình thế này đòi hỏi các doanh nghiệp cần ứng biến nhanh thông qua các chương trình đào tạo để bù đắp kịp thời cho nhân sự của mình những khoảng trống kiến thức về tình hình vĩ mô, tác động của các hiệp định thương mại, và đặc biệt là tư duy lãnh đạo mới, kỹ năng quản trị sự thay đổi, tác phong giao thiệp quốc tế...

“Ta vẫn nói vươn ra biển lớn nhưng thực tế thì doanh nghiệp Việt Nam đang ở biển lớn rồi. Bước cải cách nhanh nhất có thể làm chính là đào tạo cấp bách nguồn nhân lực. Con người là yếu tố có thể tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả cải thiện nhanh nhất cho doanh nghiệp”, ông Trai nói.

Hồng Phúc (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.