Học thủy sản, ra trường làm việc trong ngành thủy sản, dường như thủy hải sản đã trở thành cái nghiệp gắn với cuộc đời người đàn bà đất Tiền Giang này. Bởi thế, sau hơn 20 năm lặn ngụp với con cá, con tôm, đã có lúc bà muốn dứt ra, tìm một nghề nào khác để làm... Từ công ty nhà nước, bà chuyển sang công ty tư nhân và dẫn dắt thương hiệu Saigon Food đứng vững tại thị trường nội địa dù phải qua nhiều phong ba, sóng gió.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc công ty CP Sài Gòn Food (Saigon Food): Kinh doanh thực phẩm với phụ nữ là lợi thế

Bà kể: “Tôi gắn bó với ngành thủy hải sản đã gần 30 năm. Ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Nông Lâm, tôi bước vào ngành thủy sản bằng công việc bóc vỏ tôm ở một công ty nhà nước. 17 năm làm việc ở đây với nhiều chức vụ khác nhau, tôi chuyển qua công ty nhà nước khác hoạt động cùng lĩnh vực nhưng qui mô lớn hơn. Năm 2003, khi đã hơn 20 năm gắn cuộc đời mình với thủy sản, có lúc tôi từng muốn đổi nghề để thử vận may. Thế nhưng, mới nghỉ việc chưa đầy một tháng đã có lời mời hợp tác mở công ty thủy sản của một người có tâm huyết, muốn làm được điều gì đó cho người tiêu dùng Việt Nam. Vậy là tôi gật đầu”.

* Và đó là cơ duyên gắn bà với Saigon Food?


- Cũng có thể nói là vậy. Vào thời điểm đó, nói đến thủy hải sản, người ta nghĩ ngay đến việc xuất khẩu, rất ít doanh nghiệp chú ý đến thị trường nội địa.


Tôi không nghĩ như vậy. Tôi luôn thắc mắc tại sao mình làm ra những thứ ngon chỉ để xuất ra nước ngoài mà không phục vụ cho người tiêu dùng trong nước.


Ngày xưa, lúc còn là cô bé 12, 13 tuổi, tôi đã có suy nghĩ này. Tiền Giang quê tôi nổi tiếng với mận Hồng Đào. Nhà tôi cũng trồng mận bán. Cứ trái nào ngon thì đóng thùng chuyển lên Sài Gòn, còn mận dạt, mận rụng thì để bán ở địa phương.


Tôi cứ tự hỏi: Tại sao người trồng cây không bao giờ được ăn trái ngon? Câu hỏi này cứ canh cánh trong lòng. Trong lĩnh vực xuất khẫu cũng vậy, cứ cái gì tốt, ngon, đẹp thì bán ra nước ngoài, còn những gì chất lượng thấp thì tiêu thụ nội địa.


Đương nhiên hàng xuất khẩu phải đạt chuẩn chất lượng người ta mới mua. Nhưng tại sao người Việt Nam không được ăn những món ngon mà chỉ có người nước ngoài mới được thưởng thức.


Tôi nghĩ mình phải làm ra những sản phẩm chất lượng tốt để phục vụ người tiêu dùng Việt Nam. Cho nên, dù muốn đổi nghề, nhưng khi gặp được người có cùng tâm huyết, tôi nhận lời ngay.


* Vậy Saigon Food đã giúp bà trả lời câu hỏi trên?


- Tuy mới thành lập được 9 năm nhưng công ty chúng tôi cũng đã có những thành quả nhất định. Chúng tôi đã nghiên cứu, chế biến và phục vụ người tiêu dùng những sản phẩm tươi ngon, tiện lợi, đảm bảo chất lượng từ nguyên liệu thủy sản.


Hiện nay, nếu như sản phẩm xuất khẩu của chúng tôi có 25 loại thì sản phẩm cho thị trường nội địa lên đến 40 loại.


Không chỉ có món lẩu nổi tiếng trong ngành chế biến thủy hải sản đông lạnh, chúng tôi còn có những món ăn phục vụ bữa ăn hằng ngày như cá trứng kho tiêu, hải sản ngũ sắc cho đến những món ăn phục vụ tiệc gia đình như dồi lươn, cá trứng tẩm bột, cá saba tiêu xanh, xôi hải sản chiên phồng... là những món rất tiện dụng, dễ chế biến, ngay cả những ông chồng cũng có thể vào bếp được.


Chín năm qua, chúng tôi đã tạo dựng được thương hiệu bằng những loại thực phẩm đông lạnh chế biến sẵn rất riêng và độc đáo.


Trong đó, món lẩu Thái đã trở thành niềm tự hào của chúng tôi, từ lãnh đạo cho đến nhân viên. Vì hễ nhắc đến món lẩu này, người ta nhớ đến Saigon Food. Saigon Food đã trở thành một thương hiệu mạnh trong ngành thực phẩm đông lạnh của cả nước.


Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc công ty CP Sài Gòn Food (Saigon Food): Kinh doanh thực phẩm với phụ nữ là lợi thế


* Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, Saigon Food thành công là nhờ gặp thiên thời, địa lợi?


- Điều ấy hiển nhiên không thể phủ nhận được. Năm 2003, khi Saigon Food (lúc đó có tên là S.G Fisco) thành lập cũng là lúc dịch cúm gà lan rộng cả nước. Không dùng gà, người ta chuyển sang ăn cá, thủy sản.


Vì thế, sản phẩm của chúng tôi ra đời đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường. Đó cũng chỉ là một phần thuận lợi. Quan trọng hơn, chúng tôi đã nhìn đúng thị trường. Vào thời điểm đó, dùng thủy sản đông lạnh cũng chưa phải là thói quen của người tiêu dùng.


Người ta chỉ thích dùng thực phẩm tươi sống. Hơn nữa, thực phẩm đông lạnh trên thị trường cũng đã có những thương hiệu lớn như Vissan, Cầu Tre... Họ đã chiếm lĩnh thị trường với các sản phẩm như chả giò, cá viên, há cảo, hoành thánh, chạo tôm...


Một thương hiệu mới toanh như S.G Fisco mà cũng sản xuất những sản phẩm truyền thống ấy thì không thể tồn tại. Vì vậy, phải làm sao để có những sản phẩm khác biệt.


May mắn là hội đồng quản trị và ban tổng giám đốc công ty là những người mạnh dạn, chịu đầu tư. Năm đó, chúng tôi đã làm một bước đột phá: bỏ ra 100 triệu đồng để thuê một công ty nghiên cứu thị trường.


Có được kết quả nghiên cứu, chúng tôi bắt tay vào nghiên cứu những sản phẩm cho riêng mình. Vào thời điểm đó, gia vị lẩu Thái nhập vào thị trường Việt Nam rất nhiều nhưng không phải dễ để chế biến được món ăn này.


Trước thực tế đó, tôi bàn với nhân viên nghiên cứu làm lẩu Thái. Với món lẩu, điều khó nhất cho người chế biến là khâu làm nước dùng. Chính vì vậy, chúng tôi nghiên cứu, pha chế món nước dùng kèm với các loại thủy hải sản làm thành món lẩu đặc trưng của Công ty.


Sản phẩm của chúng tôi đáp ứng đúng với mong đợi của người tiêu dung, vì thế, khi đưa ra thị trường đã được người tiêu dùng chấp nhận ngay.


Từ đó, lẩu trở thành món chủ lực của Công ty và cho đến nay, chúng tôi có 9 loại lẩu. Trên thị trường hiện nay có đến trên 20 công ty làm lẩu nhưng món lẩu của chúng tôi vẫn vẫn được ưa thích nhất.


* Và Công ty cũng trải qua không ít thăng trầm?


- Khi thành lập, công ty chỉ có văn phòng, việc sản xuất phải gia công từ nhà máy khác. Năm 2004, chúng tôi mua lại nhà máy của một doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả.


Khi có nhà máy, chúng tôi triển khai sản xuất với mức ban đầu khoảng 200 công nhân, làm một số mặt hàng thô, sơ chế đi Nhật và 4 - 5 sản phẩm bán thị trường nội địa.


Năm 2005, sản xuất đi vào ổn định nên chúng tôi đầu tư mở phân xưởng thứ 2. Khi khánh thành xưởng sản xuất mới đã nâng quy mô công ty lên 500 công nhân.


Kinh doanh đang ổn định thì năm 2008 khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra. Trong khi mình vừa đầu tư xây dựng xưởng mới, khấu hao chi phí phát sinh quá nhiều mà đơn đặt hàng lại giảm khiến chúng tôi điêu đứng.


* Trong điều kiện khó khăn như thế, làm sao Saigon Food gượng dậy và phát triển như hiện nay?


- Thị trường nước ngoài giảm sụt quá lớn, mọi thứ tưởng như đóng sập lại với chúng tôi. Thế nhưng, nhờ thị trường trong nước vẫn tăng trưởng tốt nên chúng tôi có thể cầm cự và gầy dựng lại.


May mắn là trong thời điểm khó khăn đó, các hệ thống siêu thị tại Việt Nam như Big C, Metro, Co.opMart lại phát triển mạnh. Và chúng tôi cứ nương theo sự lớn mạnh của họ mà đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.


Nhưng để đứng được trên thị trường nội địa, chúng tôi phải liên tục nghiên cứu đưa ra những sản phẩm mới. Là người thích khám phá, tôi không muốn sản phẩm của công ty mình đi vào lối mòn. Thuận lợi của hàng mới là dễ xâm nhập vào hệ thống siêu thị.


Trong điều kiện cung nhiều hơn cầu, chỉ có cái mới mới có thể chen được vào siêu thị và chinh phục người tiêu dùng. Hơn nữa, tôi quan niệm là thực phẩm thì phải thay đổi, ăn hoài một món người ta rất ngán.


Chính vì thế, chúng tôi mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị để sản xuất ra những sản phẩm mới, mang nét độc đáo của riêng Saigon Food.

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc công ty CP Sài Gòn Food (Saigon Food): Kinh doanh thực phẩm với phụ nữ là lợi thế

* Nhưng nghe nói những sản phẩm mà bà đã tốn không ít đầu tư đã bị đối thủ làm bắt chước rất nhiều?


- Đúng vậy. Với những sản phẩm khó chế biến, yêu cầu đầu tư nhiều về máy móc, thiết bị thì ít bị bắt chước nhưng các sản phẩm đơn giản thì khá nhiều.


Người ta nhái đến độ khi hàng mình làm nhãn hình ô van họ cũng làm hình ô van, mình làm hình chữ nhật người ta cũng làm hình chữ nhật. Cứ Saigon Food làm kiểu gì thì người ta bắt chước y hệt vậy.


Thậm chí, có nơi còn chụp lại hình trên gói lẩu của chúng tôi để làm nhãn hàng của họ.


Để có được một sản phẩm đưa ra thị trường không phải là điều dễ dàng. Chẳng hạn như năm 2005, món hải sản ngũ sắc dùng làm cơm chiên, chúng tôi mất đến hai năm để nghiên cứu, sản xuất và thâm nhập thị trường, tốn nhiều chi phí.


Thế nhưng, khi sản phẩm bắt đầu ổn định thì có đến 3-4 doanh nghiệp khác cũng làm y chang và cũng lấy tên là hải sản ngũ sắc bán trên thị trường với giá thấp hơn. Các hệ thống siêu thị không muốn kinh doanh độc quyền, họ muốn có sự cạnh tranh.


* Bị cạnh tranh như vậy bà có nản chí không?


- Có chứ, nhưng chúng tôi vẫn cứ làm. Tôi nghĩ có cạnh tranh mình mới có cải tiến, mới làm tốt hơn. Họ bắt chước mình thì mình phải nâng chất lượng sản phẩm lên cao hơn để giữ uy tín thương hiệu.


Hơn nữa, nếu sản phẩm mình độc quyền trên thị trường thì không có gì thúc đẩy để mình cải tiến tốt hơn và bộ phận R&D cũng sẽ chủ quan. Nâng cao chất lượng sản phẩm bao giờ cũng có lợi cho người tiêu dùng nên không có gì ngại để mình không đi khai phá.


* Và đó cũng là chiến lược của Saigon Food?


- Nói vậy thôi nhưng để nghiên cứu một sản phẩm mới phải mất từ 4 - 8 tháng. Một năm, cố gắng lắm chúng tôi cũng chỉ ra được khoảng 3 - 5 sản phẩm mới.


Chúng tôi không đặt nặng chỉ tiêu về số lượng sản phẩm mới mà dồn tâm huyết vào sự độc đáo và sức chiếm lĩnh thị trường của sản phẩm.


Lúc nào cũng trong tâm thế phải làm sao cải tiến về mẫu mã bao bì, về chất lượng sản phẩm và quan trọng là giá thành rẻ mà vẫn giữ nguyên chất lượng.


Đây cũng là chuyện đau đầu nhất hiện nay vì ai cũng lo cạnh tranh về giá, mình không cải tiến giá thành thì cũng không thể đứng vững được.


* Bà từng nói, năm 2011 là năm bắt đầu thay đổi bộ mặt Công ty. Vậy Saigon Food đã thay đổi theo hướng nào, thưa bà?


- Định hướng của chúng tôi là phát triển mạnh hơn thị trường nội địa. Năm 2011, tỷ lệ doanh thu của nội địa chiếm khoảng 25% và tiến tới mục tiêu, đến năm 2020, tỷ lệ này sẽ tăng lên 50/50. Trước mắt, chúng tôi đẩy mạnh phát triển để thị trường nội địa bền vững hơn.


Năm 2011, chúng tôi đã đổi tên công ty từ S.G Fisco thành Saigon Food và sản phẩm cũng không còn bó hẹp ở lĩnh vực fish mà mở rộng ra thành food.


Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa bằng lòng với những sản phẩm hiện có. Kỳ vọng của chúng tôi là phải làm ra những sản phẩm hướng đến nhiều đối tượng, từ trẻ nhỏ đến người già, người bệnh hay người khỏe đều dùng được.


Nếu chuyển từ fish sang food mà cũng chỉ loay hoay với thủy sản, cũng đông lạnh, cũng giới hạn một phạm vị khách hàng nào đó thì nói đến Saigon Food người ta không nhớ.


Chúng tôi đang đầu tư, nghiên cứu sản phẩm xứng tầm với Saigon Food. Và hiện tại, chúng tôi chuẩn bị để mở thêm một phân xưởng thứ ba.



Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc công ty CP Sài Gòn Food (Saigon Food): Kinh doanh thực phẩm với phụ nữ là lợi thế


* Năm 2012, được dự đoán là năm rất khó khăn cho doanh nghiệp nhưng Saigon Food vẫn đầu tư, mở rộng sản xuất, chắc hẳn Công ty đã có kế sách ứng phó?


- Tôi quan niệm, nếu ngồi bó gối trong trời lạnh thì chỉ lạnh hơn, phải vận động thì người mới ấm. Nếu biết trước sẽ có khó khăn thì mình phải vận động để tránh.


Với chúng tôi, năm nay phải đa dạng kênh phân phối, mở rộng thêm nhiều điểm bán mới để gia tăng doanh số, bù đắp vào hệ thống cũ có khả năng sụt giảm doanh số do người tiêu dùng thặt chặt chi tiêu.


Song song đó, chúng tôi cũng đa dạng chủng loại mặt hàng. Phải liên tục sản xuất những mặt hàng mới để mở rộng đối tượng tiêu dùng hơn nữa.


* Người ta nói, trong kinh doanh, nam giới thường có lợi thế hơn nhưng với bà, điều này dường như có vẻ không đúng. Theo bà, điểm mạnh của nữ doanh nhân trong ngành thực phẩm là gì?


- Theo tôi, sự tinh tế, khéo léo của người nội trợ được đưa vào từng sản phẩm kinh doanh sẽ rất thuận lợi. Nhờ đó mà sản phẩm thức ăn công nghiệp của Saigon Food luôn tinh tế.


Cái tinh tế trong từng sản phẩm được tạo nên từ bàn tay khéo léo của người phụ nữ sẽ giúp khách hàng là nữ giới dễ đồng cảm, dễ chấp nhận. Trong quản lý cũng vậy, nữ doanh nhân cũng có điểm mạnh mà doanh nhân nam không có được.


Đại đa số cán bộ công nhân viên trong ngành chế biến thực phẩm là nữ và tôi hiểu được tâm tư tình cảm của chị em, từ đó, đưa những quyết sách điều chỉnh cho phù hợp. Tạo được niềm tin vững chắc trong trong người lao động về sự phát triển của doanh nghiệp.


* Kinh doanh thì lúc nào cũng bận rộn, vậy thời gian đâu bà dành cho gia đình và bản thân?


- Cũng giống như hầu hết phụ nữ bận rộn khác, tôi phải thu xếp và nhờ sự hỗ trợ của gia đình. May mắn là gia đình tôi luôn ủng hộ để tôi có thời gian đầu tư cho công việc kinh doanh.


Hai con tôi được giáo dục sống tự lập ngay từ nhỏ nên tôi cũng không phải mất nhiều thời gian và vất vả lắm trong công viêc lo lắng chăm sóc chúng. Người phụ nữ có mấy cái cực là chăm lo con cái và nội trợ.


Tôi cũng có lời khuyên cho các chị em phụ nữ là trong việc bếp núc hãy khôn khéo biến hóa cái của người thành của mình. Hãy dùng sự tinh tế của mình để chọn những thực phẩm đã qua sơ chế hoặc chế biến sẵn và “thêm mắm, dặm muối” cho hợp khẩu vị của gia đình.


Doanh nhân thường rất bận rộn nhưng cũng phải tranh thủ dành thời gian cho riêng mình. Tôi rất tâm đắc với lời dặn của các hãng hàng không dành cho hành khách: “Phải tự cứu mình trước khi cứu những người xung quanh”.


Muốn làm việc lâu dài với công ty, muốn được chăm sóc cho gia đình, người thân, thì phải có sức khỏe nên tôi rất nghiêm túc trong việc giữ gìn sức khỏe.


Dù bận rộn cỡ nào tôi cũng tranh thủ những ngày thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ... đi du lịch, xem kịch, xem phim, xem tivi... vì tôi nghĩ đời sống tinh thần có phong phú thì mới có những phút thăng hoa với tư duy sáng tạo.


* Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện thú vị này!

Theo DNSG
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.