Kế hoạch mở Apple Store tại Ấn Độ chưa thể trở thành sự thật sau khi Apple bị Bộ Tài chính loại khỏi vòng "đặc cách".
Một quan chức chính phủ cho biết: “Chúng tôi vẫn làm theo chính sách cũ. Chúng tôi muốn nguồn lực địa phương để tạo việc làm. Bạn không thể có trường hợp mọi người chỉ xem Ấn Độ như một thị trường. Hãy để họ sản xuất tại đây”.
Ấn Độ là thị trường quan trọng của Apple khi đang nắm giữ tiềm năng bán hàng “khủng”. Cũng như Trung Quốc, Ấn Độ là nền kinh tế đang phát triển, quy mô lớn, mọi người ngày càng có khả năng mua thiết bị cao cấp hơn.
Doanh số của Apple tại Ấn Độ đang tăng nhanh mà không cần nhiều đầu tư. Doanh thu tại đây của hãng tăng 56% trong quý đầu năm 2016 so với một năm trước đó. Dù vậy, “táo khuyết” vẫn chiếm chưa đến 3% thị phần smartphone, để lại khoảng trống không nhỏ nếu muốn tăng cường sự hiện diện tại đất nước dân số đông thứ 2 thế giới.
Mở cửa hàng riêng sẽ giúp tăng cường nhận diện thương hiệu của Apple tại Ấn Độ, nơi hãng đang bị cạnh tranh từ các smartphone giá rẻ. Apple hiện bán sản phẩm thông qua mạng lưới các nhà phân phối và bán lẻ.
Tuần trước, Tổng Giám đốc Apple Tim Cook đã gặp gỡ Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi, thảo luận về việc sản xuất và bán lẻ tại nước này. Ông cũng gặp các ngôi sao Bollywood, thăm một đền thờ và tham dự trận cricket.
Ấn Độ yêu cầu cửa hàng bán lẻ của một thương hiệu có hơn 51% sở hữu nước ngoài phải mua ít nhất 30% vật liệu sản xuất từ các công ty Ấn Độ, ưu tiên từ doanh nghiệp vừa và nhỏ, song không có nhiều nhà sản xuất linh kiện điện thoại cao cấp để mua nhằm đáp ứng yêu cầu đó.
Tuy nhiên, chính phủ cho phép đi đường vòng nếu nhà bán lẻ mang đến công nghệ “hiện đại” và “tốt nhất” chưa có tại Ấn Độ. Để đánh giá xem một công ty có phải ngoại lệ không, Ấn Độ có một hội đồng để xem xét kỹ lưỡng.
Tháng trước, hội đồng đề nghị miễn giảm cho Apple nhưng Ban Xúc tiến đầu tư nước ngoài và Bộ trưởng tài chính Arun Jaitley không đồng tình do có bất đồng liên quan đến công nghệ của Apple.
Du Lam (ICT News)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.