Thói quen tiền bạc xấu, dù ăn sâu từ giáo dục hay thiếu hiểu biết về tài chính cá nhân, cũng rất khó bỏ. Ngay cả khi bạn đã có kế hoạch tốt, thói quen xấu vẫn có thể hạn chế thành công tài chính của bạn.
Chẳng hạn, nếu bạn đang cố gắng thoát khỏi nợ nần nhưng liên tục cảm thấy cần phung phí vào các bữa tối đắt tiền để theo kịp bạn bè, chắc chắn bạn sẽ chậm đạt được mục tiêu trả dứt nợ.
Theo trang Business Insider, dưới đây là 6 thói quen sử dụng tiền bạc sai lầm mà nhiều người thường mắc phải và cách để ngăn chặn, từ bỏ chúng.
Tiêu tiền theo cảm xúc
Sử dụng chuyện mua sắm để đối phó với những cung bậc cảm xúc là việc phổ biến, Giám đốc kế hoạch tài chính Gretchen Cliburn thuộc hãng BKD Wealth Advisors cho hay. Song chi tiêu mạnh tay theo cảm xúc thực tế chẳng sửa chữa bất cứ điều gì, ngược lại, nó có xu hướng làm cho mọi việc tồi tệ hơn. Cảm giác tốt nhất thời mà bạn có được từ mua sắm có thể nhanh chóng để bạn lại với nợ trong thẻ tín dụng, hoặc vô số đồ dùng không cần thiết.
Để tránh chi tiêu quá nhiều hay theo cảm xúc, bạn nên lập một số nguyên tắc cơ bản cho chính mình. Đơn cử, bạn chỉ mua hàng trong danh sách mà mình đã lập ra tại thời điểm mà cảm xúc cân bằng, không phải lúc bạn đang cố gắng giải thoát mình khỏi sự lo lắng hay buồn bã. Một cách hiệu quả khác là hãy thử chờ 24 giờ trước khi thực hiện việc mua sắm ngoài kế hoạch đã đặt ra.
Cho mượn tiền
Giúp đỡ người khác là việc đáng quý, song cho bạn bè hay thành viên trong gia đình vay mượn tiền có thể làm tổn thương cả ví tiền lẫn mối quan hệ của bạn. Nếu chẳng may người mượn tiền không thể trả lại, mâu thuẫn và mất lòng giữa bạn và người vay mượn có thể xảy ra.
Ngoài chuyện cho vay tiền, thực tế có nhiều cách mà bạn có thể thử để giúp đỡ một người bạn nhưng vẫn giữ được mối quan hệ tốt với họ, chẳng hạn như thử cùng ngồi lại và tìm giải pháp cho vấn đề. Ví dụ, bạn có thể cho người bạn đi quá giang cho đến khi xe của họ đã sửa xong, hay giúp họ tiết kiệm chi phí nếu đang gặp khó khăn tài chính. Nếu bạn vẫn tiếp tục muốn cho mượn tiền, hãy cho nó như một món quà. Bằng cách này bạn sẽ ít cảm thấy bất mãn khi người bạn của mình dùng tiền để mua quần áo, giày dép thay vì trả lại bạn.
So sánh tình trạng tài chính bản thân với người khác
Nhiều người trong số chúng ta đo lường thành công bằng kích thước ngôi nhà hay loại xe mà mình đang chạy. Song ngôi nhà lớn, chiếc xe sang hay những vật dụng xa xỉ chỉ thể hiện cách một người tiêu tiền, không phải số tiền họ kiếm được.
Để hạn chế việc sống quá mức khả năng kiếm tiền của bản thân, hãy bắt đầu với việc suy nghĩ những gì là thực sự quan trọng với bạn. Đặt mục tiêu mà bạn muốn có cho cuộc đời mình, vào 5 năm, 10 năm, 20 năm hay 50 năm tới. Có thể, bạn sẽ muốn sở hữu một căn nhà trong một khu phố nào đó, hoặc dư dả tiền để an nhàn về hưu. “Một khi bạn đã xác định được những gì là quan trọng nhất với mình, hãy ra quyết định chi tiêu dựa trên yếu tố đó thay vì chi tiêu quá mức để sống theo khái niệm về thành công của người khác”, chuyên gia Cliburn nói.
Tiêu xài hết thu nhập
Ai cũng cần trả các hóa đơn và mua nhu yếu phẩm mỗi tháng, và quyết định để lại bao nhiêu trong khoản tiền mà mình kiếm được hoàn toàn phụ thuộc vào bạn. Chọn cách tiêu xài tất cả số tiền mình có sẽ khiến bạn khó dành dụm được một quỹ dự phòng cho những ngày vất vả có thể xảy ra sau này. Cố vấn tài sản Derek Gabrielsen thuộc hãng Wealth Partners cho hay những người chi tiêu tất cả những gì mình có thường không lập ngân sách, và “đó là sai lầm lớn nhất mà một người có thể mắc phải”.
Ông Gabrielsen gợi ý mỗi người nên lập ngân sách, trong đó ghi lại khoản tiền tiết kiệm dành cho trường hợp khẩn cấp và khoản tiền hưu trí hằng tháng. Bạn có thể đặt mục tiêu làm đầy quỹ tiết kiệm dành cho trường hợp khẩn cấp bằng 6 tháng chi phí sinh hoạt, hoặc luôn tuân theo quy tắc dành ít nhất 10% thu nhập vào quỹ tiền dành cho tuổi hưu. Một khi đã có kế hoạch chi tiêu, bạn chỉ cần thực hiện đúng những gì đã đặt ra.
Phụ thuộc vào thẻ tín dụng
Tính đến cuối năm 2015, nợ thẻ tín dụng của người Mỹ đạt khoảng 900 tỉ USD, theo số liệu từ phân tích của hãng CardHub. Nếu đã và đang quen với chuyện có nợ trong thẻ tín dụng, bạn có thể thử dành thời gian kiểm tra những gì mình đang làm với số tiền bạn kiếm được. Đọc thông tin trên bảng kê thẻ tín dụng, đặc biệt là số tiền cuối cùng mà bạn phải trả nếu chỉ trả một khoản nhỏ nhất cho mỗi tháng, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy thẻ tín dụng thực sự đắt đỏ.
Để thoát khỏi tình trạng này, bạn có thể ngừng sử dụng thẻ tín dụng ngay lập tức, trước khi thiết lập ngân sách chặt chẽ và cố gắng trả dứt nợ.
Phớt lờ sự thật hiển nhiên
Nếu bạn tránh kiểm tra thẻ tín dụng hoặc số dư tài khoản của mình, bạn có thể đang trong tình trạng “hôn mê” trước các vấn đề tài chính. “Không theo dõi số dư định kỳ cũng như việc từ chối đi bác sĩ khi bạn biết mình không được khỏe. Cách duy nhất để khiến mọi việc trôi chảy là nhìn thẳng vào vấn đề, và tìm cách để thoát khỏi chúng”, ông Gabrielsen nói.
Bạn có thể muốn trở nên chủ động hơn là thụ động. Để bắt đầu kiểm soát tài chính cá nhân, bạn cần biết điểm số tín dụng, số nợ đang có và khoản tiền phải chi hằng tháng. Sau đó, nhận trợ giúp từ gia đình, bạn bè hay các kế hoạch viên tài chính để đánh giá tình hình và xây dựng kế hoạch cải thiện sẽ giúp bạn có nền tảng tài chính vững chắc hơn.
Thu Thảo (Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.