CafeLand - Thị trường bất động sản năm 2015 chuyển động nhộn nhịp, giúp nhiều doanh nghiệp không những vượt qua khó khăn mà còn nhanh chóng bứt phá để vươn lên mạnh mẽ. Nhờ vậy, các ông chủ doanh nghiệp cũng được tiếng thơm, mặc dù niềm vui ấy không chia đều cho tất cả, có người ít có người nhiều. Năm nay, bên cạnh những tên tuổi quen thuộc còn có thêm một vài nhân vật mới, góp mặt trong top những doanh nhân bất động sản giàu nhất trên sàn chứng khoán.

Theo giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/12/2015, tổng tài sản tính theo giá trị cổ phiếu niêm yết của 100 người giàu nhất sàn chứng khoán đạt hơn 83.653 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ. Trong đó, số người đến từ các doanh nghiệp bất động sản nắm giữ lượng tài sản giá trị nghìn tỷ khá nhiều.

1. Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup

Những năm gần đây, “ngôi” người giàu nhất sàn chứng khoán luôn thuộc về các nhân vật đến từ lĩnh vực bất động sản. Năm nay cũng không có ngoại lệ, dẫn đầu vẫn là doanh nhân Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup.

Trong năm 2015, dù giá cổ phiếu VIC có giảm xuống nhưng nhờ được nhận thêm 109 triệu cổ phiếu từ đợt trả cổ tức nên tài sản của ông Vượng vẫn trụ vững. Hiện nay, ông Vượng nắm giữ số lượng cổ phiếu VIC nhiều tương đương tổng giá trị 24.332 tỷ đồng, trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán và bỏ xa tất cả đối thủ. Không chỉ có mình ông, vợ và em gái vị doanh nhân 48 tuổi này cũng vượt qua nhiều tên tuổi lớn khác để lọt vào top 5 người giàu nhất trong năm 2015.

Tập đoàn Vingroup tạo sóng trên thị trường bởi đang đầu tư xây dựng hàng loạt dự án có quy mô lớn như Vinhomes Central Park, Vinpearl Phú Quốc và nhiều trung tâm thương mại rầm rộ khai trương.

2. Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Công ty Hoàng Anh Gia Lai, là một trong những doanh nhân “kém may” trong năm qua. Cổ phiếu HAG rớt giá hơn một nửa khiến ông bị “hụt két” từ 3.960 tỷ đồng xuống còn 3.616 tỷ đồng.

Đây là lần đầu tiên cổ phiếu và tài sản của “Bầu Đức” giảm kỷ lục đến vậy. Vị doanh nhân nổi tiếng này cũng lần đầu để tuột mất vị trí thứ 2, rớt xuống thứ 4 trong top 100 người giàu trên sàn chứng khoán năm 2015.

Dù chuyển sang nuôi bò sữa, trồng bắp và cao su, nhưng ông Đức vẫn chưa dứt bỏ mảng bất động sản. Dự án đầu tư lớn nhất trong năm 2015 của “Bầu Đức” là Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center tại Yangon, Myanmar. Dự án có vốn đầu tư 440 triệu USD, với giai đoạn 1 đã đi vào hoạt động từ tháng 6 vừa qua.

3. Ông Nguyễn Văn Đạt – Chủ tịch Công ty Phát Đạt

Năm nay, tài sản và vị trí của ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Công ty bất động sản Phát Đạt bật tăng mạnh mẽ. Nếu năm ngoái, vị doanh nhân sinh năm 1970 này giữ vị trí 14 thì năm nay đã “leo” lên đến hàng thứ 8 trong bảng xếp hạng 100 người giàu nhất sàn chứng khoán với tài sản 1.641 tỷ đồng.

Thời gian gần đây, tình hình kinh doanh công ty Đạt khá lạc quan. Tính đến hết tháng 9/2015, doanh thu công ty đạt 351 tỷ đồng, tăng 3,7 lần so với 9 tháng đầu năm 2014. Lợi nhuận sau thuế đạt 78,8 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 8,3 tỷ đồng cùng kỳ. Công ty hiện đang đầu tư xây dựng các dự án The EverRich 2, The EverRich 3 và The EverRich Infinity.

4. Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc

Dù tài sản giảm hơn 129 tỷ đồng trong năm 2015, nhưng ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc vẫn là một trong những “đại gia nghìn tỷ” trong lĩnh vực bất động sản. Ông Tâm hiện đang nắm trong tay số lượng lớn cổ phiếu ITA, KBC, SGT. Chốt phiên giao dịch ngày 31/12, tài sản của vị doanh nhân này đạt 1.084 tỷ đồng.

Ông Tâm từng giữ vị trí cao nhất trong top 100 người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2007 và duy trì trong top 10 ở nhiều năm sau đó. Năm nay, ông đứng ở vị trí thứ 15.

5. Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC

Nhờ tăng thêm số lượng cổ phiếu nắm giữ nên tài sản trên sàn chứng khoán của Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết tăng 93,7 tỷ đồng. Ông Quyết hiện sở hữu 123 triệu cổ phiếu FLC, tương đương giá trị 972,422 tỷ đồng.

Xuất hiện trên thị trường chưa lâu và mới chỉ thực sự mạnh lên trong khoảng vài ba năm trở lại đây, Tập đoàn FLC của ông Quyết tăng trưởng khá nhanh. Trong năm 2015, FLC đã khởi công xây dựng và đưa vào hoạt động nhiều dự án lớn như FLC Sầm Sơn, FLC Quy Nhơn, FLC Twin Towers 265 Cầu Giấy. Lợi nhuận 9 tháng đạt hơn 630 tỷ đồng, tăng trưởng 163% so với cùng kỳ năm 2014. Dù kết quả kinh doanh không đến nỗi nào, nhưng từ đầu năm giá cổ phiếu của FLC cũng giảm 27%.

6. Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Tập đoàn Hà Đô

Vị Chủ tịch Tập đoàn Hà Đô xuất thân là đại tá quân đội. Dù sở hữu khối tài sản lớn và là một trong những người giàu nhất trong giới “buôn đất”, nhưng ông Nguyễn Trọng Thông khá kín tiếng trên truyền thông. Thông tin về vị doanh nhân sinh năm 1953 này cũng như tập đoàn của ông không có nhiều.

Năm 2015, tài sản của ông Thông đạt hơn 686 tỷ đồng, giảm hơn 84 tỷ đồng so với năm ngoái do cổ phiếu công ty này giảm 20%. Ông Thông hiện đứng thứ 22 trên bảng xếp hạng người giàu trên sàn.

7. Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai

Cùng nằm trong nhóm những người có tài sản bị “bốc hơi” mạnh trong năm 2015 còn có bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Công ty Quốc Cường Gia Lai. Giá cổ phiểu giảm mạnh trong năm đã khiến tài sản của nữ doanh nhân này giảm xuống còn 519 tỷ đồng so với 587 tỷ đồng hồi năm ngoái.

Dù có chuyển biến, nhưng tình hình kinh doanh mảng bất động sản của Quốc Cường Gia Lai trong năm 2015 vẫn chưa có gì bứt phá. Kết quả doanh thu và lợi nhuận còn khá khiêm tốn.

8. Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long

So với năm ngoái, tài sản của ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long tăng gần gấp đôi với 445 tỷ đồng trong năm 2015, nhảy 20 bậc so với bảng xếp hạng người giàu năm 2014.

Nam Long là cái tên gây nhiều chú ý trên thị trường bất động sản 2015 khi thoát khỏi án thua lỗ liên tục trong 3 quý đầu năm. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2015 tăng khá mạnh, doanh thu đạt gần 650 tỷ đồng, lãi ròng hơn 75 tỷ đồng. Có được kết quả này là nhờ việc bán và bàn giao các căn hộ thuộc sản phẩm Ehome 3, Ehome 4 và Ehome 5.

9. Ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch Tập đoàn Sao Mai

Một trong những nhân vật có “bước nhảy” ấn tượng nhất trong 2015 là ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch Tập đoàn Sao Mai.

Từ vị trí số 248 năm 2014, ông Thuấn bất ngờ “vọt” lên nắm giữ vị trí 43 trong năm 2015 với tài sản 352 tỷ đồng. Sự thăng tiến vượt bậc này chủ yếu nhờ tăng lượng sở hữu lên gấp bốn và cổ phiếu ASM tăng giá gấp đôi trong năm. Đây cũng là năm đầu tiên vị doanh nhân này lọt vào top 100 gương mặt giàu nhất sàn chứng khoán 2015.

Tập đoàn Sao Mai chủ yếu hoạt động kinh doanh ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, một số tỉnh Đông Nam Bộ và Thanh Hóa. Tập đoàn này từng gây chú ý dư luận khi đề xuất tỉnh An Giang đầu tư xây dựng dự án Thành phố mới Long Xuyên với mức vốn 750 triệu USD.

10. Ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch Tập đoàn C.E.O

Nếu như năm ngoái ông chủ Tập đoàn C.E.O Đoàn Văn Bình đứng ở vị trí 114 trong top 200 người giàu nhất sàn chứng khoán, thì năm nay ông rời vị trí đó để tăng lên hạng thứ 57. Chốt năm 2015, ông Bình nắm trong ty khối tài sản 280 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 104 tỷ đồng vào năm 2014.

Xem thêm bài viết về: Bà Nguyễn Thị Như Loan
Hoàng Khang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.